Tài năng và nỗ lực học tập trong một đời người
Học tập là việc làm hàng ngày, là điều khát khao của con người thời đại ngày nay. Trở thành một tài năng lớn chỉ có thể đi bằng con đường học tập, lao động sáng tạo.
Hào quang của các vĩ nhân thường làm ta choáng ngợp với năng lực trí tuệ của họ và thường nghĩ rằng, Trời đã phú cho họ những bộ óc siêu phàm với sức làm việc người thường không bì kịp. Ít ai thấy được con đường chông gai, khổ ải mà họ đã trải qua, nhất là con đường học tập gập gềnh, đầy khó khăn, đòi hỏi họ đã hao phí biết bao năng lượng để có được những thành quả làm chúng ta kính phục.
Chúng ta biết rằng, bộ não con người là sản phẩm cao quý nhất của tự nhiên. Cho đến nay, trong thế giới mà chúng ta đang sống, không có tổ chức vật chất nào lại có cấu trúc phức tạp và hợp lý như não bộ. Những tư tưởng, trí tuệ, tình cảm, ý thức mà chúng ta có được đều là sản phẩm của bộ não. Khi bộ não ngừng hoạt động, mọi hoạt động của con người dừng lại. Sự vận động của não được gọi là tư duy. Khi não bộ dừng hoạt động, đời người chấm dứt theo.
Trước đây, người ta thường nghĩ, chắc bộ óc của các vĩ nhân sẽ rất khác biệt với não người thường. Thế là nhiều người đã dành thời gian nghiên cứu so sánh não người tài năng và não người bình thường. Kết quả của công trình khoa học đó chẳng đi đến đâu.
Viện nghiên cứu Trí tuệ ở Mockva (Nga) đã giữ gìn tuyệt mật những kết quả nghiên cứu trong nhiều năm. Cuối cùng, họ đã công bố kết quả của quá trình nghiên cứu những bộ não của nhiều con người vĩ đại sau nhiều năm rằng, "điều bí mật lớn nhất mà chúng tôi tìm ra là chẳng có gì bí mật cả".
Các nhà nghiên cứu thấy não của một người đàn ông thiểu năng trí tuệ đạt tới 2850cm3, trong khi đó, não của Tourguéniev (nhà văn và là nhà soạn kịch người Nga, thế kỷ XIX), Georges Cuvier (nhà tự nhiên học người Pháp) lại chưa tới 2000cm3. Não của nhà triết học Kant và nhà văn Anatole France còn nhỏ hơn nữa.
Ông Louis Pasteur, nhà vi trùng học người Pháp, khi còn trẻ đã mắc bệnh chảy máu trong bán cầu não phải. Khi ông qua đời, các nhà nghiên cứu não bộ của ông đã cho biết, những công trình khoa học của ông đã được hoàn thành khi nửa bên phải của não ông đã bị teo hoàn toàn.
Những con người trở thành tài năng lớn như thế nào?
Học tập để có được một hệ thống tri thức đa lĩnh vực
Lê Quý Đôn (1726 – 1784)-nhà bác học nổi tiếng trong lịch sử phát triển của nước ta về sự uyên bác. Nhà Nho Trần Danh Lâm viết về Lê Quý Đôn như sau:
"Tiên sinh không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra khôn xiết".
Lê Quý Đôn đã trình bày quan điểm về học tập của mình: "Đạo chẳng đâu xa mà ngay trong sự vật, sự vật nào cũng có. Đạo xa đến tận trời, đạo lan khắp mặt đất. Đạo gần thì hàng ngày thường ở các công việc, chẳng có công việc nào không có lý của đạo.
Đối với đạo ấy, người quân tử không thể không biết. Học đạo cốt để trau dồi tri thức, hỏi đạo là cốt để phân biệt, ôn cũ biết mới, đôn hậu để trọng lễ, tự nhiên thông suốt, xét kỹ các lẽ hiểu biết từ tình đến mệnh của trời đất phú cho, tình nghĩa nhập thần đem về áp dụng, tất cả đều do sự học hỏi ấy".
Những tài năng thời hiện đại ở nước ta có rất nhiều, điển hình như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tuy...
Trần Đại Nghĩa (1913 – 1997) là giáo sư, tài năng hiếm có về quân sự, một kỹ sư quân sự, tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại Đại học Bách Khoa Paris (École Polytechnique), Đại học Mở (École nationale superieure des mines de Paris), Đại học Điện, Đại học Sorbone, Đại học Cầu – Đường Paris.
Ông là nhà sáng chế súng Bazooka, súng đại bác không giật (SKZ), nhiều loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm, đánh sâu vào lòng địch, chế tạo ngòi thủy lôi áp suất ABS.
Tạ Quang Bửu (1910 – 1986), giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng cho khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự của Việt Nam. Sau khi đỗ Tú Tài toán ở Việt Nam, ông đã theo học trường Centrale (A) Paris, học toán ở các trường Đại học ở Paris, Sorbone, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ năm 1930 đến năm 1934.
Những tác phẩm lớn của ông gồm: Thống kê thưởng thức Vật lý cương yếu Nguyên tử-hạt nhân-vũ trụ tuyến Sống Đại số các toán tử Các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống Hạt cơ bản
Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, ông đã nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu những vấn đề như bắn máy bay bằng súng trường tập trung, chế tạo khí tài phá thủy lôi để chống lại thủy lôi chiến lược MK52 của Mỹ, khí tài phá bom từ trường.
Lao động là cha đẻ của tài năng
Chủ đề của bài viết này là "Học tập và tài năng", nhưng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của lao động đối với sự phát triển tài năng.
Bản chất của vấn đề là lao động bao hàm hoạt động học tập, qua đó mọi tri thức có được gắn kết với thực hành, từ đó, con người có thêm kinh nghiệm, thêm ý tưởng mới và sáng tạo. Lao động hết mình sẽ là một quá trình học tập nâng cao học vấn.
Mỗi người thường sống với một nghề. Rất nhiều người sau một đời lao động trong nghề mà khi về hưu, tay nghề không nâng cao hơn, tri thức chuyên môn nghề nghiệp không được bổ sung để có thể đảm nhiệm những công việc đòi hỏi phải có tay nghề cao hơn. Đó là người an phận, thiếu chí tiến thủ, trình độ lành nghề "dậm chân tại chỗ".
Trong khi đó, một số người khác lại lăn lưng vào công việc của nghề, ngày đêm tìm tòi các phương pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra những sản phẩm mới.
Thomas Alva Edison-Nhà bác học cả đời lao động nghiên cứu phát minh khoa học, nổi tiếng với câu nói: "Trong nhà phát minh chỉ có 1% là tài năng trời phú, còn 99% là mồ hôi, nước mắt". Đồ họa: CD&KH
Thomas Alva Edison (1847 – 1932), người Mỹ, là một ví dụ điển hình. Khi chưa phát minh ra điện, ở Mỹ, người dân thắp sáng bằng chiếc đèn dùng dầu hỏa. Người Việt Nam gọi là đèn Hoa Kỳ. Sau đó, người ta dùng đèn hơi ga, tuy có sáng hơn đèn dầu hỏa, nhưng khi thắp, nó bốc mùi khét khó chịu và rất dễ gây hỏa hoạn. Khi nước Mỹ có điện, Edison tìm kiếm một loại đèn dùng điện. Cái khó mà Edison vấp phải là tìm vật dẫn điện chịu nhiệt. Edison thống kê có 1600 vật liệu như bari, titan, nhôm, đồng... có tính chất này. Với hàng nghìn lần thử các vật liệu, Edison mới làm ra bóng đèn có tuổi thọ 300 giờ. Sau đó, ông thử làm sợi đốt bằng than tre của Nhật thì thấy tuổi thọ của bóng đèn đạt tới 1200 giờ. Cuối cùng, Edison dùng dây đốt bằng Volframe thì mới có bóng đèn dây tóc mà cách đây khoảng 30 – 40 năm cả thế giới dùng. Edison đã phải thí nghiệm 8000 lần mới tìm ra bóng đèn dây tóc.
Edison là tác giả của bình ắc-quy. Ngày nay, ai cũng biết bình ắc-quy là gì, nhưng lại không biết Edison phải thử 50.000 lần mới làm ra nó.
Có người hỏi Edison: "Thưa ngài, một nhà phát minh cần có điều kiện gì?"
Ông đáp: "Trong nhà phát minh chỉ có 1% là tài năng trời phú, còn 99% là mồ hôi, nước mắt".
Michenlangelo Buonarroti (1475 – 1564), người Ý, vẽ bức tranh "Lời phán xét cuối cùng" cho nhà thờ Đức Mẹ. Bức tranh cao 10m, rộng 9m với hơn 200 nhân vật khí thế dữ dằn, ông phải dành 7 năm lao động.
Khi vẽ trang trí vòm giáo đường Sixtine có diện tích 13 x 35, ông vẽ trong 4 năm. Để vẽ, ông phải đứng trên giàn giáo, nhiều khi phải treo lơ lửng với tư thế nằm ngửa. Vòm giáo đường bao gồm mấy trăm bức họa, dưới mắt người đời là một thế giới kỳ ảo.
Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông, 1720 – 1791), một danh y lớn, đồng thời là một nhà văn. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu học nghề thuốc và nghiên cứu y học.
Bộ sách "Y tông tâm lĩnh" gồm 66 quyền là tác phẩm nổi tiếng, được coi là Bách khoa thư y học của Việt Nam thế kỷ XVIII. Ông viết bộ sách này trong 40 năm. Bộ sách được in toàn tập vào năm 1886.
Lê Thánh Tông (1442 – 1497), vị vua tên thật là Lê Tư Thành, ở ngôi vua 38 năm, Trong thời gian đó, ông chỉ đạo xây dựng Hồng Đức bản đồ và cho ban hành Luật Hồng Đức với hơn 700 điều. Ông đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư và bộ Thiên Nam dư hạ tập, gồm 100 quyển. Về thơ chữ Nôm của ông, ngày nay còn tập Hồng Đức quốc âm thi tập. Về thơ văn chữ Hán, hiện còn cuốn Quỳnh Uyển cửu ca, Lam Sơn Lương Thủy phú.
Những phẩm chất không thể thiếu để trở thành tài năng
Khiêm tốn là phẩm chất số 1 của người có học. Những học giả, những nhà văn hóa, những tài năng lớn, bậc danh nhân thường lắng nghe người khác mà không bao giờ tỏ ra mình hơn những người đối thoại với mình. Mặt khác, khi người khác, dù trình độ học vấn của họ có thua kém mình, nhưng họ có điều hay thì vẫn tôn trọng họ để tiếp thu cái hay của họ.
Socrates (470 – 399TCN) là một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại – là triết gia đạo đức đầu tiên của Phương Tây. Một lần, Chaerephon – người quen biết Socrates – hỏi nhà tiên tri Pythia ở đền Delphi rằng: "Có ai thông thái hơn Socrates không?"; nhà tiên tri trả lời "không có ai thông thái hơn Socrates". Điều này làm Socrates bối rối, hỏi ông từng nói rằng, ông không sở hữu thông tin bí mật nào cũng như không có sự khôn ngoan nào.
Để chỉ ra nhà tiên tri nói không chính xác, Socrates tìm đến một số nhà chính trị, nhà thơ và thợ thủ công. Ông nhận thấy rằng, chính họ cũng không hiểu hết việc họ đã làm, những người được cho là thông minh lại có thể là ngu ngốc. Từ đó, Scorates hiểu ra rằng, khôn ngoan là nhận ra sự dốt nát của chính mình.
Câu nói "Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả" là một câu nói nổi tiếng mà người ta gọi là nghịch lý Socrates.
Isaac Newton (1642 – 1727) là một nhà vật lý học người Anh đã nêu lên 3 định luật mang tên ông, tạo nền tảng của cơ học cổ điển. Newton còn tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn.
Có người hỏi ông rằng, vì sao ông trở thành con người có những phát minh lớn, ông trả lời: "Vì tôi đã đứng trên vai những người khổng lồ". Khó có câu nào thể hiện sự khiêm tốn hơn câu này.
Trong học tập, cần phải tích cực xem xét, suy ngẫm về những điều mình học mà ta gọi là tư duy phản biện. Có 2 điều cần lưu ý là không chấp nhận sự bất di bất dịch của các sự vật, hiện tượng trong thế giới vì thế giới luôn thay đổi. Không có khó khăn nào mà không có giải pháp khắc phục. Vấn đề chỉ là thời gian. Không dùng khái niệm cũ để nhìn vào hiện tượng mới.
Ngày trước, Charles Darwin đã phát hiện quy luật chọn lọc tự nhiên trong sự tiến hóa muôn loài. Từ xa xưa, con người tin rằng Chúa sinh ra con người. Nhưng thuyết Darwin đã chứng minh rằng, chọn lọc tự nhiên đã dẫn đến sự xuất hiện con người thông minh sau cả triệu năm tiến hóa.
Nhưng, ngày 5/7/1996, tại Scottland, Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự của Viện Roslin đã cho ra mắt con cừu Dolly, một sản phẩm của công nghệ nhân bản vô tính. Con Dolly được tạo ra bằng một tế bào vú của con cừu cái của nước Anh. Dolly là bằng chứng về con người tạo ra được một sinh linh và như thế Chúa không còn cái quyền thiêng liêng ấy nữa.
Thế là, thuyết tiến hóa theo quy luật chọn lọc tự nhiên đã không còn hằng đúng bởi quy luật chọn lọc không tự nhiên.
Trước đây, chúng ta nghĩ rằng, chỉ có con người mới có tư duy, nhưng ngày nay, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, những Robot thông minh đã cho thấy rằng, máy móc đã phát triển trí thông minh của chúng ngoài sức tưởng tượng của con người trước đây. Những thiết bị di động thông minh, máy in 3D, máy bay không người lái, phòng học ảo, dạy học trực tuyến... đều là những gì mà trước đây vài chục năm chúng ta không hề hình dung ra.
Học tập là việc làm hàng ngày, là điều khát khao của con người thời đại ngày nay. Ai không khát khao học hỏi thì sẽ tụt lại đằng sau và tất yếu sẽ bị đẩy ra rìa của sự phát triển xã hội.
Sự khát khao học tập cần tập trung theo hướng sau đây: Ta phải trở thành chính ta, đừng bao giờ lại để ta giống người khác hay là cái bóng của người khác.
Nhưng điều quan trọng là ta học tập để đừng lặp lại ngay chính mình.
Học là để luôn luôn thay đổi!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tai-nang-va-no-luc-hoc-tap-trong-mot-doi-nguoi-179230307103102373.htm