Sửa đổi Luật Dầu khí để đóng góp cho sự phát triển của đất nước
Mới đây tại Thành phố Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp cùng Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tổ chức Tọa đàm “Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển”.
Ông Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn chủ trì Tọa đàm. Cùng chủ tọa và diễn giả tại Tọa đàm có Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc PVEP; Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU); cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo PVEP, PTSC và hơn 40 nhà báo, phóng viên chuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội.
Luật Dầu khí hiện hành - "chiếc áo quá chật"
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Quang Dũng đã sơ lược truyền thống, lịch sử phát triển và những thành quả, đóng góp của ngành Dầu khí cho đất nước. Trong đó khẳng định, trong lịch sử truyền thống hơn 60 năm qua, ngành Dầu khí đã thực hiện được ý nguyện lớn lao của Bác Hồ, của Đảng, nhân dân về xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh - có giai đoạn đóng góp 30% ngân sách quốc gia và ngay ở thời điểm hiện tại khi quy mô của nền tế lớn hơn rất nhiều thì ngành dầu khí tiếp tục đóng góp quan trọng, chiếm khoảng 10% ngân sách quốc gia. Liên tục trong quá trình phát triển, ngành Dầu khí đã thực hiện được sứ mệnh của mình trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cho đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia trên biển.
Trong bối cảnh mới với những thay đổi của điều kiện tài nguyên, chuyển dịch năng lượng, những biến động, bất định lớn của kinh tế - xã hội toàn cầu, Luật Dầu khí hiện hành đã trở thành “chiếc áo quá chật” kìm hãm sự phát triển của ngành. Do đó, cần thiết phải sửa đổi để tạo cơ chế, điều kiện cho ngành Dầu khí phát triển, đóng góp cho đất nước.
Do đây là một Dự thảo Luật khó, chuyên ngành, nhiều vấn đề đặc thù, qua Tọa đàm này, Ban tổ chức mong muốn sẽ cùng trao đổi, cung cấp những thông tin cởi mở, chính thống để thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền đạt đến người dân, xã hội để hiểu hơn về nội hàm của Luật, tạo sự đồng thuận của xã hội trong sửa đổi Luật Dầu khí, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động của ngành, để ngành Dầu khí tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, đóng góp để phát triển đất nước, đem lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia.
Tại Tọa đàm, các phóng viên, nhà báo đã dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề trong dự thảo Luật như: Cơ chế ưu đãi trong Dự thảo Luật đã đủ mạnh để đánh thức các tiềm năng còn lại của ngành hay chưa; các vấn đề về Hợp đồng dầu khí; vai trò của Petrovietnam; quyền lợi các bên trong khai thác tận thu; cơ chế trong đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí để giải quyết đặc thù trong đầu tư của ngành…
Các diễn giả đã trao đổi để làm rõ những vấn đề các nhà báo, phóng viên đặt ra. Trong đó, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu đã trao đổi chuyên môn, khái quát về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) bảng mới nhất, để thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông giúp người dân hiểu một cách sâu sắc hơn và chính xác nội dung của Luật. Ông Hoàng Ngọc Trung, trao đổi về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí và những khó khăn vướng mắc về cơ chế trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình trao đổi về thông lệ dầu khí quốc tế tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là các hình thức Hợp đồng dầu khí tại một số quốc gia trong khu vực để có thể tham khảo, áp dụng cho việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
Kết luận, ông Trần Quang Dũng hy vọng buổi tọa đàm đạt được mục tiêu đề ra, góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và Luật Dầu khí sửa đổi nói riêng, cũng như trong mục tiêu phát triển của đất nước.
Trông chờ Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được ban hành
Các nhà đầu tư đang rất trông chờ Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được ban hành, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tắc nghẽn đang gặp phải, cải thiện môi trường đầu tư, không chỉ đối với các hoạt động Dầu khí trong tương lai sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực mà ngay cả đối với các dự án đang trong quá trình triển khai hiện nay.
Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ngày càng trở nên kém hấp dẫn, các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp… Việc sửa đổi Luật Dầu khí, bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư là rất cần thiết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Điều này đã được các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đặc biệt quan tâm, xem xét và đưa vào Dự thảo Luật, thể hiện quyết tâm tạo ra đột phá thể chế, khôi phục lại tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khí.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sua-doi-luat-dau-khi-de-dong-gop-cho-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-179220922090959277.htm