Sự rối loạn của sách giáo khoa phổ thông dưới lăng kính "Giáo dục mở"
Giáo sư,Tiến sĩ Phạm Tất Dong vừa có bài phân tích "Sự rối loạn của sách giáo khoa phổ thông dưới lăng kính Giáo dục mở"". Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Công dân và Khuyến học.
Cần loại bỏ loại sách giáo khoa viết ra chỉ để kinh doanh
Sách giáo khoa phải cung cấp những giá trị "chuẩn" trong môn học, nghĩa là, không có những sai phạm khi trình bày khái niệm, không làm sai lệch những thông tin chứa đựng trong sách và không có lỗi trong ngôn ngữ diễn đạt nội dung được chứa đựng trong sách giáo khoa. Việc thực hiện giá trị "chuẩn" phụ thuộc trước hết vào trình độ của chuyên gia biên soạn sách giáo khoa. Họ phải thực sự là chuyên gia giỏi trong một lĩnh vực khoa học, và sau đó là phụ thuộc vào trình độ chuyển những giá trị từ sách giáo khoa đến người học- người chuyển chính là thầy/cô giáo.
Khi biên soạn sách giáo khoa cũng như khi tổ chức lớp học, khóa học để truyền tải nội dung sách giáo khoa, cả hai loại chuyên gia này đều phải hiểu một điều thiêng liêng rằng, nếu lấy học sinh làm trung tâm trong giáo dục - đào tạo thì phải bảo đảm trẻ em được quyền khác biệt với người lớn và quyền được lĩnh hội những giá trị phổ thông đúng đắn.
Quyền thứ nhất đòi hỏi người làm ra sách giáo khoa và người giảng dạy theo sách giáo khoa phải cá thể hóa, hay cá nhân hóa (Personalized) việc dạy học.
Quyền thứ hai đòi hỏi sách giáo khoa không có những sai phạm về phương diện khoa học.
Khi tìm đọc về những triết lý giáo dục, tôi bắt gặp quan điểm trên đây của Sonleymane Bachir Dingne, nó gợi ý cho tôi về việc dùng lăng kính "Giáo dục Mở" để nhìn vào tình trạng lộn xộn nhiều năm qua trong biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa. Nếu như cần dỡ bỏ rào cản nào đã góp phần làm chậm và méo mó sự phát triển học sinh phổ thông thì tôi chọn đối tượng cần loại bỏ là sách giáo khoa viết ra chỉ để kinh doanh, chứ không phải vì mục tiêu phát triển nhân cách con người.
Theo Clayton Christensen -Giáo sư Khoa Kinh doanh của Trường Harvard, xã hội Mỹ có thể tốt hơn nữa nếu cách đây 40 năm về trước, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận thức được mô hình giáo dục cũ bị lỗi thời và việc cố gắng cải thiện hệ thống giáo dục bằng cách tăng các khoản chi tiêu chỉ là cách tiếp cận thất bại.
Quan điểm của Giáo dục Mở về tài liệu học tập
Những người ủng hộ Giáo dục Mở tin rằng, tất cả mọi người trên thế giới phải có cơ hội tiếp cận các kinh nghiệm và nguồn lực chất lượng cao và họ làm việc để loại bỏ các rào cản đối với mục tiêu này. Những rào cản như vậy có thể bao gồm chi phí đắt tiền, tài liệu lỗi thời, lạc hậu, và các cơ chế pháp lý ngăn cản sự cộng tác giữa các học giả và nhà giáo dục. "Tài nguyên giáo dục mở là sách giáo khoa, video, các khóa học và các hoạt động khác được tạo ra để mở rộng kiến thức và có sẵn miễn phí cho công chúng trên Internet". Giáo dục Mở là cách thực hiện giáo dục bằng công nghệ kỹ thuật số. Mục đích của nó là mở rộng cho mọi người tham gia bằng cách loại bỏ rào cản và làm cho việc học dễ tiếp cận, phong phú và có thể tùy chỉnh. Nó cung cấp nhiều sách dạy và cách học, tạo ra và chia sẻ tri thức. Nó cũng cung cấp đường dẫn vào giáo dục chính quy và không chính quy, hoặc kết nối cả hai.
Vậy thì, phải xử lý nghiêm minh những người của Hội đồng thẩm định. Sự lọt lưới của sách giáo khoa chất lượng kém có thể do năng lực chuyên môn của chuyên gia thành viên Hội đồng không đáp ứng yêu cầu mà Nhà nước đặt ra, nếu không do năng lực kém thì phải từ một sự khuất tất nào đó.
Trên cơ sở tán đồng cách hiểu về Giáo dục Mở, người viết bài này có mấy bình luận sau:
Những ai coi sách giáo khoa phổ thông là đúng nhất và duy nhất, về phương diện khoa học là người thiếu hiểu biết về lĩnh vực khoa học mà sách giáo khoa trình bày. Những ai dạy học mà coi sách giáo khoa là bảo bối, là khuôn mẫu, chỉ cần học trò học thuộc sách giáo khoa thông qua giáo án chủ quan của mình, để rồi từ đó không đọc thêm tài liệu tham khảo thì quá chủ quan, nói đúng ra là quá ấu trĩ khi coi tri thức nhân loại chỉ gồm mấy chục trang trong cuốn sách giáo khoa trên tay mình. Cả thầy giáo và học sinh đều phải tham khảo các tài liệu liên quan đến từng bài giảng trên lớp.
Các nhà xuất bản tính đến chuyện phân khúc thị trường, đưa ra xã hội một bộ sách giáo khoa có "sạn", và vì lợi nhuận của mình, bao giờ họ cũng tìm đến cách bán chạy nhất bằng mọi thủ đoạn. Một khi nhà xuất bản đã độc chiếm thị trường thì việc nâng giá sách giáo khoa sẽ được họ tận dụng không có rào cản.
Vậy thì, phải xử lý nghiêm minh những người của Hội đồng thẩm định. Sự lọt lưới của sách giáo khoa chất lượng kém có thể do năng lực chuyên môn của chuyên gia thành viên Hội đồng không đáp ứng yêu cầu mà Nhà nước đặt ra, nếu không do năng lực kém thì phải từ một sự khuất tất nào đó.
Dù do nguyên nhân nào chăng nữa cũng đừng bao giờ để những hội đồng như thế tiếp tục thẩm định những sách giáo khoa sắp xuất bản theo kế hoạch cuốn chiếu diễn ra trong nhiều năm tới.
Ở nước ta có hiện tượng nhà xuất bản sách giáo khoa áp đặt sân chơi với phụ huynh, học sinh trong việc dùng sách.
Một bát cơm có sạn làm ta khó chịu, bởi hạt sạn tuy nhỏ nhưng có thể tác hại đến răng, đến dạ dày, đến ruột. Một cuốn sách giáo khoa có "sạn" thì không hiểu có những tác hại gì đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em?
Khi chương trình giáo dục phổ thông được công bố chính thức, có 6 bộ sách giáo khoa xin được sử dụng:
- Bộ "Chân trời sáng tạo";
- Bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống";
- Bộ "Cùng học để phát triển năng lực";
- Bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục";
- Bộ "Cánh diều";
- Bộ "Công nghệ giáo dục".
Bộ sách giáo khoa "Công nghệ giáo dục" vì quá nhiều "sạn" (theo kết luận của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa) nên không được thông qua. Một cuộc "cãi lộn" về chất lượng bộ sách này làm cho nhiều nhà giáo dục và nhiều nhà khoa học ngoài cuộc thấy xấu hổ.
Bộ "Cánh diều" bị soi có nhiều "sạn", bị dư luận xã hội phê phán kịch liệt. Sau khi sửa chữa, bổ sung, bộ sách giáo khoa này tiếp tục... phát triển.
Bốn bộ còn lại do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ trì biên soạn. Khi triển khai sách cho năm học này thì tự dưng "biến mất" bộ "Cùng học để phát triển năng lực" và bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Khi đăng ký được thẩm định thì Nhà xuất bản có nhiều lý lẽ để được lọt vào danh sách những bộ sách giáo khoa đạt yêu cầu sử dụng. Nhưng khi đạt yêu cầu thì tại sao 2 bộ được tự ý rút, chẳng cần Bộ Giáo dục và Đào tạo có đồng ý hay không?
Nếu năm sau, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rút thêm bộ sách giáo khoa nữa có được không? Nếu được thì vì sao? Nếu không được thì tại sao hai bộ sách giáo khoa kia được rút lui mà không có một cách xử lý đúng - sai công khai trước mọi người, trước hết là những người đã trót dùng hai bộ sách giáo khoa đó, nay phải dùng sách khác? Riêng tôi thì coi họ là "khách hàng bị loại".
Xin tạm kết luận: Một bát cơm có sạn làm ta khó chịu, bởi hạt sạn tuy nhỏ nhưng có thể tác hại đến răng, đến dạ dày, đến ruột. Một cuốn sách giáo khoa có sạn thì không hiểu có những tác hại gì đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em?
Tháng 5/2022
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/su-roi-loan-cua-sach-giao-khoa-pho-thong-duoi-lang-kinh-giao-duc-mo-179220531165412785.htm