Sự ngông nghênh của tuổi trẻ khiến con người bỏ lỡ những điều gì?

19:00 - 15/05/2023

Liên trường trung học phổ thông ở tỉnh Nghệ An tổ chức kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Trong đó môn Ngữ văn có câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trả lời câu hỏi "sự ngông nghênh của tuổi trẻ khiến con người dễ bỏ lỡ những điều gì?"

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

BẢN NHÁP

Ngông nghênh tuổi trẻ,

vô tình đục rạn chân chim mắt mẹ.

Ngông nghênh tuổi trẻ,

vô tình vít còng lưng cha.

Hồn nhiên bước vào ngôi nhà hôn nhân

Cuộc sống lứa đôi

đại ngàn nhiệt đới

Ta bơ vơ đứa trẻ rừng chiều lạc lối.

Như thiêu thân

lao vào ánh sáng công danh

Bảy dại…Ba khôn

Một giận… Mười buồn.

Đi giữa cõi nhân gian

ta như quả non xanh

ủ đất đèn chín ép.

Chuyến tàu đời vừa qua ga Lục Thập

Ngoái lại, ước chi

Đó là BẢN NHÁP.

(Bản nháp, Vân Anh, Dưới vòm sữa mẹ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016, trang 31)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra những tính từ thể hiện thái độ sống của nhân vật trữ tình khi còn trẻ tuổi trong văn bản trên.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về những câu thơ:

Đi giữa cõi nhân gian

ta như quả non xanh

ủ đất đèn chín ép.

Câu 4. Qua bài thơ, anh/chị có suy nghĩ gì nếu con người phải nói lời ước chi trong cuộc đời mình.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trả lời câu hỏi: Sự ngông nghênh của tuổi trẻ khiến con người dễ bỏ lỡ những điều gì?

Câu 2 (5,0 điểm)

Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen.

Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:

– Trống gì đấy, u nhỉ?

– Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ… – Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.

Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lẩm bẩm:

– Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?

Im lặng một lúc thị lại tiếp:

– Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít… Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.

Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

– Việt Minh phải không?

– Ừ, sao nhà biết?

Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.

Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh đồng đi lối khác.

À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.

Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2020, trang 32)

Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

Sự ngông nghênh của tuổi trẻ khiến con người bỏ lỡ những điều gì? - Ảnh 2.

Hướng dẫn phần đọc hiểu

Câu 1. Thể thơ tự do

Câu 2. Những tính từ thể hiện thái độ sống của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên: ngông nghênh, vô tình, hồn nhiên.

Câu 3. Chưa chuẩn bị được những hiểu biết cần thiết, đang còn dại dột, chưa đủ sự chín chắn, trưởng thành nhưng đã phải bước vào cuộc sống bươn chải, lo toan. Vì thế, tác giả khi bước vào cuộc sống còn nhiều ngỡ ngàng, chưa đủ sự khôn ngoan để đối mặt.

Câu 4. Khi phải nói lời ước chi nghĩa là con người đang mang trong lòng sự ân hận, tiếc nuối; mang nỗi buồn, sự hổ thẹn; khao khát được sửa chữa sai lầm đã xảy ra trong quá khứ. Ở cuộc sống hiện tại con người hãy biết sống tốt nhất với những điều có thể.

Sự ngông nghênh của tuổi trẻ khiến con người dễ bỏ lỡ những điều gì?

Tuổi trẻ nếu có thái độ ngông nghênh, tỏ ra tự đắc, coi thường người khác thì dễ bỏ lỡ: cơ hội học hỏi, lắng nghe, thấu hiểu nên khó trưởng thành; cơ hội đón nhận được sự trân trọng của những người xung quanh; cơ hội bày tỏ tình yêu thương với những người thân yêu…

Phân tích đoạn trích trong tác phẩm "Vợ nhặt"

Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân (0,25), tác phẩm "Vợ nhặt" và vấn đề nghị luận.

Bức tranh hiện thực u ám, đen tối, bi thảm: "hồi trống dồn dập, vội vã, thúc thuế; đàn quạ…bay vù lên, lượn thành từng đám; cảnh một đằng thì bắt giồng đay, một đằng thì bắt đóng thuế…" Những hình ảnh vừa mang tính chân thực vừa mang tính biểu tượng.

Đoạn trích tập trung khắc họa hai hình tượng nhân vật: Người vợ nhặt: ngạc nhiên, băn khoăn; kể cho mọi người nghe về đoàn người Việt Minh;thể hiện sự hiểu biết và nhận ra sự bất công (lạ lắm, thị lẩm bẩm, im lặng một lúc thị lại tiếp,…)

Nhân vật Tràng: có sự thay đổi tính cách, không còn vô tư, suy nghĩ sâu sắc hơn; diễn biến tâm trạng phức tạp (thần mặt ra nghĩ ngợi; nghĩ đến; trong ý nghĩ…hiện ra…; thấy ân hận, tiếc rẻ, vẩn vơ, khó hiểu…); hình ảnh "đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới" hiện lên trong đầu đã hé mở được nhận thức mới của Tràng, dự báo về tương lai của Tràng, cuộc sống của những người nông dân.

Nghệ thuật: Xây dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân.Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Xây dựng chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: bằng tài năng nghệ thuật, tác giả đã khắc họa bức tranh cuộc sống của những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, qua đó cho thấy tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Kim Lân.

Nhận xét về sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám

Người nông dân với số phận thảm thương nhưng vẫn ánh lên niềm khao khát hướng về sự sống, hướng đến ngày mai. Kim Lân đã nhìn thấy người nông dân không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh sống mà còn là người cải tạo hoàn cảnh sống, hé mở vai trò của người nông dân trong cuộc cách mạng tháng Tám.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/su-ngong-nghenh-cua-tuoi-tre-khien-con-nguoi-bo-lo-nhung-dieu-gi-179230515144016585.htm