Sứ mệnh người thầy với sự nghiệp giáo dục

Hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh có bài viết về sứ mệnh người thầy với sự nghiệp giáo dục. Tạp chí Công dân và Khuyến học xin giới thiệu tới độc giả bài viết này.

Sứ mệnh người thầy với sự nghiệp giáo dục - Ảnh 1.

Người thầy không chỉ dạy kiến thức của môn học mà còn có nghĩa vụ cao cả là sản xuất ra những sản phẩm mà máy móc kỹ thuật không thể làm được, đó là đào tạo ra con người: Những con người có phẩm chất, đạo đức, tư cách, trí tuệ để trở thành những công dân tốt của đất nước và hòa nhập với nền văn hóa, sự văn minh của toàn cầu.

Tại sao xã hội lại có danh xưng là "Thầy"?

Khi nói đến sứ mệnh, chúng ta thường hướng tới những điều cần thực hiện ở tương lai, ta coi đó là mục tiêu và đích đến để cùng cống hiến, làm việc.

Xã hội gọi một ai đó là "Thầy" khi người đó đem lại cho họ những điều mà họ không biết, hướng cho họ làm theo, đưa lại lợi ích cho bản thân, gia đình họ, cộng đồng và được mọi người coi trọng trong đời sống tinh thần.

Ở Việt Nam ta từ xưa đến nay có bốn người thầy rất được coi trọng và tôn trọng. Coi trọng cái nghiệp và tôn trọng nhân cách của người thầy. Đó là thầy giáo, thầy thuốc, thầy tu (các vị sư, cha cố…), "thầy cãi" (luật sư).

Ngoài ra, có những người không phải là bốn đối tượng trên nhưng cũng được mọi người gọi hay suy tôn là thầy khi họ có vai trò giúp đỡ cho một cá nhân, một tập thể và làm được những việc có ích.

Nói về người Thầy trong giáo dục

Người thầy - Nhà giáo giữ một vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Thầy giáo có vị trí quan trọng trong xã hội và được xã hội tôn vinh, đề cao vai trò và vị thế: "Không thầy đố mày làm nên", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Người dạy ta một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Vì thế, không phải ai cũng làm được công việc đó bởi vì nó yêu cầu cao không chỉ về tri thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh.

Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy "đạo" - Đạo làm người, thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức con người. Họ là người khẳng định năng lực tập thể của xã hội trong việc khám phá, phát hiện và tìm ra những giải pháp cho thế hệ tương lai.

Vì thế, người thầy trong truyền thống hay hiện đại đều là những người có trí tuệ sâu rộng, am hiểu, đạo đức, tâm trong sáng, coi trọng danh dự và luôn giữ gìn khí tiết thanh cao. Họ là những người thầy mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ. Dù trong mọi thời đại, mọi xã hội, vị trí vai trò của một người thầy luôn không thay đổi.

Sứ mệnh người thầy với sự nghiệp giáo dục - Ảnh 2.

Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh:

Sứ mệnh của người thầy gắn liền với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Để làm người thầy thì phải như thế nào?

Yêu sự nghiệp làm thầy

Ngày nay, trước xu hướng phát triển của thời đại đang đặt ra cho nên giáo dục những yêu cầu mới và được Đảng, Nhà nước coi "giáo dục là quốc sách", vì thế sứ mệnh của người thầy gắn liền với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nhiệm vụ của thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo".

Như trong thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị: "Giáo dục và đào tạo là mục tiêu của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống, không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mĩ và tinh thần, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

Mục tiêu cao nhất của giáo dục và đào tạo là chuẩn bị những người chủ hiện tại và tương lai của xã hội, những người sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, của cộng đồng xã hội và của cả bản thân mình.

Đó là những người có phẩm chất và năng lực, có nhân cách và khả năng tư duy độc lập, có kiến thức kỹ năng chuyên môn, có năng lực nhận thức, năng lực sáng tạo, sẵn sàng vượt qua mọi định kiến trên con đường tìm chân lý, có bản lĩnh ứng trước mọi thử thách của cuộc sống và trước sự thay đổi của thời đại toàn cầu hóa và xã hội trí thức, có năng lực tổ chức đời sống của cá nhân và của cộng đồng một cách chủ động trên tinh thần hợp tác và có trách nhiệm".

Muốn đáp ứng được mong muốn đó, người thầy ngày nay
phải làm gì?

Người thầy, một mặt vẫn kế thừa những phẩm chất, nhân cách của người thầy truyền thống vừa không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, là người truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu cho học sinh, đồng thời liên tục cập nhật kiến thức mới, áp dụng những phương pháp, kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, trên nguyên tắc học đi đôi với hành đáp ứng với nền kinh tế tri thức và mỗi người thầy phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo.

Yêu đối tượng mình phục vụ là những học trò dù học trò là trẻ thơ hay ở tuổi trưởng thành, nam hay nữ. Người thầy phải tôn trọng họ, coi họ như bạn, như người thân của mình để tạo thành khối, thành tập thể liên kết, gắn bó để cùng đi tới một mục đích của tương lai.

Trong quá trình dạy học luôn lấy người học làm trung tâm; luôn tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng để giúp đỡ họ học tập, phấn đấu. Tuyệt đối không nên kỳ thị, ghét bỏ, coi thường, thiên vị; luôn tạo sự bình đẳng, công bằng đối với người học.

Phải coi trọng các mối quan hệ

Thầy và trò:

Có sự bình đẳng, công bằng, dân chủ trong mối quan hệ thầy - trò, tuy nhiên không phải là sự bỗ bã, "bằng vai phải lứa" mà thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.

Thầy phải có tâm sáng, có trách nhiệm, có kiến thức và kỹ năng trong chuyên môn, nghề nghiệp, hiểu biết rộng, không ngừng học tập và trải nghiệm để có kinh nghiệm. Thầy phải gương mẫu trong quá trình lao động làm thầy và làm công dân của mình để trở thành tấm gương cho trò noi theo.

Người thầy không chỉ là "người chèo đò đưa khách sang sông", dạy hết tiết, hết buổi, hết năm học là hết trách nhiệm. Người thầy sau khi lên lớp, giảng bài xong phải có trách nhiệm theo dõi người học đã hiểu, đã biết, đã ứng dụng, vận dụng những điều mình dạy như thế nào ngay cả đối với trẻ mầm non đến sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ…

Trò đến với thầy vì họ thực sự mong muốn được nâng cao tri thức, hiểu biết của mình, để được rèn luyện và trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Ngày nay, trò có thể học kiến thức qua sách báo, video, google... nhưng vẫn phải tìm đến thầy để được định hướng, được chia sẻ, được dẫn dắt, được truyền cảm hứng.

Thầy và thầy:

Là mối quan hệ đồng nghiệp, mối quan hệ chung lưng đấu cật để thực hiện mục tiêu trong đào tạo, giáo dục. Do đó phải đoàn kết hỗ trợ nhau, thương yêu nhau, không đố kị, ghen tỵ, kèn cựa, hẹp hòi, gièm pha nhau…

Thầy và gia đình học sinh:

Thầy cô phải có kết nối với gia đình của học sinh. Coi họ như một thầy giáo ở nhà để thực hiện giáo dục cho con họ. Thầy phải gây dựng được tín nhiệm, lòng tin và tình yêu thương kính trọng của phụ huynh học sinh. Thầy là tấm gương để cha mẹ học sinh noi theo.

Thầy với cộng đồng xã hội:

Khi ở trường anh là thầy của học sinh. Khi về với cộng đồng, người dân vẫn gọi anh là thầy, mặc dù anh nhỏ tuổi hơn hoặc vai vế chỉ là con cháu họ. Vì thế đòi hỏi anh phải sống, giao tiếp, cư xử như thế nào để luôn xứng đáng được mọi người tôn trọng, tin tưởng.

Thầy về nhà, ra đường làm gì cũng phải đứng đắn, gương mẫu, giữ phẩm hạnh, đạo đức, sự tử tế của một người thầy để mọi người học tập, noi theo.

Người thầy không chỉ dạy kiến thức của môn học mà còn có nghĩa vụ cao cả là sản xuất ra những sản phẩm mà máy móc kỹ thuật không thể làm được, đó là đào tạo ra con người: Những con người có phẩm chất, đạo đức, tư cách, trí tuệ để trở thành những công dân tốt của đất nước và hòa nhập với nền văn hóa, sự văn minh của toàn cầu.

Ngày 20/2/1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ trung ương (nay là Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương), thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến việc đào tạo ra những người thầy thay mặt cha mẹ để nuôi dạy các cháu nhỏ.

Tổng Bí thư nói: "Tại sao Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải coi trọng việc chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng trẻ nhỏ ngay từ những năm đầu đời? Để làm được việc đó, các cô giáo nuôi dạy trẻ phải vừa là người mẹ hiền, cô giáo giỏi. Muốn vậy, nhà trường phải là trường kiểu mẫu và học sinh phải nỗ lực rèn luyện đạo đức, trau dồi năng lực chuyên môn cho thật tốt".  

Như vậy là Đảng, Nhà nước và xã hội luôn mong muốn người thầy phải có phẩm chất "Tâm - Tài - Trí - Đức - Tín - Thiện".

Cái khó của người thầy là làm việc với yêu cầu cao, nhiều áp lực, nhưng thu nhập thấp. Từ xưa đến nay làm nghề giáo có ai giàu được đâu, mà khi nói đến nghề dạy học vẫn được nói là "thầy giáo nghèo".

Nhưng dù nghèo, dù gian khổ, nhiều người thầy đã "vì học sinh thân yêu" mà hy sinh quyền lợi cá nhân để chăm lo công việc "trồng người". Cũng có rất nhiều nhà giáo đã thành công trong sự nghiệp của mình. Họ có một đời sống hạnh phúc, thịnh vượng, bình an.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/su-menh-nguoi-thay-voi-su-nghiep-giao-duc-179221109110806445.htm