Sự lộng hành của nhà xe Thành Bưởi - Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau khi vào cuộc điều tra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm xảy ra tại nhà xe này. Từ đó, dư luận dấy lên nghi vấn: Nếu cơ quan quản lý làm nghiêm, liệu có xảy ra vụ tai nạn thảm khốc đó không?
Quy trình hoạt động bất thường của nhà xe Thành Bưởi
Công an huyện Định Quán đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Văn Tính (tài xế xe Thành Bưởi) để điều tra hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Đáng chú ý, quá trình điều tra ban đầu, tài xế xe Thành Bưởi Hoàng Văn Tính khai nhận, thời điểm gây ra tai nạn đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi điều khiển xe ô tô khách chạy quá tốc độ.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng xác định xe khách gây tai nạn nghiêm trọng trong 3 tháng (5-7/2023) đã vi phạm tốc độ 496 lần; Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã 3 lần tước phù hiệu của xe khách này, sau đó cấp lại. Như vậy, nhà xe Thành Bưởi đã giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng trên. Không những vậy, chỉ trong 9 tháng, nhà xe Thành Bưởi cũng có nhiều xe vi phạm và bị tước phù hiệu đến 246 lần.
Dư luận đặt câu hỏi lớn về việc liệu có hay không sự buông lỏng, ngó lơ của cơ quan thẩm quyền với các hoạt động của nhà xe này. Nếu cơ quan quản lý làm nghiêm, liệu có xảy ra vụ tai nạn thảm khốc đó không?
Để làm rõ các dấu hiệu coi thường, vi phạm phạm luật của nhà xe Thành Bưởi,… phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã thâm nhập quy trình hoạt động của nhà xe này từ ngày 14/10 đến rạng sáng ngày 27/10 tại các nhà xe của Thành Bưởi.
Điều bất thường nhất là dù Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh công bố kiểm tra hãng xe Thành Bưởi từ ngày 5 đến 18/10 nhưng nhà xe Thành Bưởi ở địa chỉ 266-268 Lê Hồng Phong, quận 5 vẫn vô tư đón khách ngay gần trụ sở Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (286 Lê Hồng Phong, quận 5).
Rõ ràng, khoảng cách giữa nhà xe Thành Bưởi và Thanh tra Sở Giao thông vận tải chỉ vài bước chân, thanh tra không thể không biết việc nhà xe này đón khách hàng chục năm ở "bến xe" trái phép này.
Trong nhiều ngày ghi nhận hoạt động thu tiền hành khách của nhà xe Thành Bưởi, phóng viên cũng không thấy bất kỳ hành khách nào được nhà xe này đưa hóa đơn chứng từ, biên lai hay phiếu thu tiền vé… Số lượt xe Thành Bưởi chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt giữa Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và thu thập của Báo điện tử Chính phủ cũng có nhiều chênh lệch.
Cụ thể, ngày 19/10 ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trả lời báo chí rằng, nhà xe Thành Bưởi đón trả khách không đúng quy định tại 3 điểm ở thành phố Thủ Đức, gồm: số 97 Mai Chí Thọ; một phần thửa đất số 23 khu phố 3; số 48C Xa lộ Hà Nội.
Cũng theo ông Hải, tại các địa điểm này, thống kê từ ngày 27/9 đến 3/10, Thành Bưởi thực hiện 896 hợp đồng vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Lâm Đồng và ngược lại. Vậy trung bình mỗi ngày Thành Bưởi chạy 128 lượt ở cả 2 đầu bến thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe của nhà xe này từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và ngược lại. Từ 13/10 đến 16/10, lượt xe qua trạm thu phí chiều đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Lạt là từ khoảng 150-200 chuyến xe/ngày. Theo tài liệu thu thập được, con số trên khá trùng khớp với số liệu lượt xe mà chúng tôi ghi nhận được ở vị trí ngay trạm thu phí.
Theo dữ liệu khác mà Báo Điện tử Chính phủ thu thập được ngày 26/8/2022, số xe Thành Bưởi đi qua trạm thu phí từ Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt là 205 chuyến/ngày.
Tương tự, ngày 27/8/2022 xe Thành Bưởi chạy qua trạm thu phí chiều Sài Gòn - Đà Lạt 184 chuyến/ngày. Và ngày 28/8/2022 Thành Bưởi chạy tuyến Sài Gòn - Đà Lạt là 193 chuyến. Vậy nếu tính lượt quay đầu trong giai đoạn tháng 8/2022 con số phải là trên dưới 350 chuyến/ngày.
Một doanh nghiệp có xe ra vào Bến xe miền Đông cho biết: "Mỗi chuyến khi xuất bến họ phải đóng các khoản phí gồm: Lốt, phí đậu đỗ, vệ sinh… tổng vào khoảng 250.000 đồng/chuyến". Vậy cứ lấy con số trung bình với 200 chuyến xe mỗi ngày chạy ở hai đầu bến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt, Thành Bưởi đã trốn được tiền bến bãi 50 triệu đồng/ngày khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng.
Còn một cán bộ ở Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh nêu nhận định: Cứ cho là nhà xe Thành Bưởi khai báo với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là mỗi ngày tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt dao động hơn 100 chuyến/ngày thì việc không vào bến cũng đã khiến nhà nước thất thu gần 1 tỷ đồng/tháng và một năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là chỉ tính riêng tiền bến bãi phải nộp theo quy định.
Điều đó cho thấy chỉ riêng việc các xe khách Thành Bưởi không vào bến, cả ngàn tỷ đồng tiền thuế VAT và hàng trăm tỷ đồng tiền phí vào bến có thể đã thất thu trong thời gian dài.
Qua nhiều ngày theo dõi, thu thập chứng cứ, trao đổi với nhiều chuyên gia về thuế, ước tính con số tối thiểu là mỗi ngày có trung bình 250 chuyến xe của nhà xe Thành Bưởi chạy chiều đi và về Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt. Mỗi chuyến có tối thiểu 25 khách, mỗi khách phải trả 280.000 đồng (trong đó có 28.000 đồng tiền VAT phải nộp ngân sách nhà nước).
Vậy là trung bình mỗi ngày chúng ta có thể mất đi khoảng 175 triệu đồng tiền thuế VAT, mỗi tháng khoảng hơn 5 tỷ đồng, chưa kể tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền bến bãi bắt buộc nếu xe tuân thủ quy định vào bến xe…
Theo đó, mỗi tháng ngân sách nhà nước thất thu từ nhà xe Thành Bưởi khoảng 6 tỷ đồng và việc này đã diễn ra hàng chục năm nay. Đây là con số đặc biệt lớn, cho thấy có dấu hiệu trốn thuế và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, do đó cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tại Bản án 123312023/DS-ST ngày 24/7/2023 Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu: "Nhà xe Thành Bưởi đã thừa nhận công ty xuất hóa đơn cho khách có nhu cầu xuất riêng, số khách còn lại công ty xuất hóa đơn để ghi nhận doanh thu (không giao cho khách) là công ty thừa nhận đã vận chuyển nhiều khách lẻ bằng xe hợp đồng.
Việc kê khai không đúng so với thực tế ở nhà xe Thành Bưởi đã xảy ra cả chục năm trước. Năm 2013, Cục Thuế Lâm Đồng đã thấy bất thường khi số xe thì nhiều nhưng số tiền đóng thuế lại quá thấp nên phải đã thanh tra bằng phương pháp đếm xe trên Quốc lộ 20 và truy thu thuế của Thành Bưởi thêm được 4 tỷ đồng tính từ 2008-2013.
Lãnh đạo Cục Thuế Lâm Đồng cũng thông tin rằng, khách lên xe mà Thành Bưởi chỉ xuất phiếu đặt chỗ hay phiếu thông tin thì không thể nào quản lý được. Nên việc này chỉ có thanh, kiểm tra may ra mới phát hiện được. Đấy là câu chuyện của hơn 10 năm trước.
Trong khi pháp luật quy định mỗi chuyến xe chỉ ký 1 hợp đồng vận chuyển, từ đó chỉ được xuất 1 hóa đơn. Việc không xuất vé khi thu tiền của khách là vi phạm pháp luật về kế toán, khai báo thuế, sử dụng hóa đơn. Việc thu tiền của khách lẻ, không có chứng từ thì không có cơ sở để khai báo doanh thu đầy đủ, đúng quy định.
Từ năm 2014, tại Thông báo số 992/TB-BGTVT ngày 30/9/2014 của Bộ Giao thông vận tải cũng đã nêu những tồn tại, thực chất là vi phạm của Thành Bưởi là vận chuyển hành khách theo hợp đồng như: "Danh sách hành khách còn thiếu một số thông tin như số hợp đồng kinh tế, thiếu chữ ký của đơn vị kinh doanh và đại diện tổ chức, cá nhân thuê vận tải".
Tại sao bến lậu của nhà xe Thành Bưởi vẫn hoạt động?
Vậy, có hay không hành vi bảo kê, chống lưng cho nhà xe Thành Bưởi của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong khi thực thi công vụ? Các cơ quan chức năng đang vào cuộc và sẽ làm rõ những uẩn khúc, những góc tối trong hoạt động và quản lý vận tải hành khách ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam để đưa hoạt động này đúng quy định pháp luật, lành mạnh vì an toàn và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Việc tổ chức bến bãi lậu diễn ra công khai hàng chục năm qua ở nhiều địa phương, ai cũng biết, nhưng nó vẫn tồn tại, và ngày càng bành trướng hơn. Nhiều người dân đã đặt câu hỏi: Sở Giao thông vận tải và Thanh tra Sở Giao thông vận tải của Thành phố Hồ Chí Minh có biết không mà mặc nhiên để cái xấu tồn tại? Nếu phải xử lý thì chỉ là hình thức, chiếu lệ, qua loa…?
Ngay sau khi nhà xe Thành Bưởi gây tai nạn thảm khốc làm chết 5 người và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 902 chỉ đạo khắc phục vụ tai nạn và các cơ quan chức năng phải làm rõ các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc tương tự. Từ đó, các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc.
Từ đó, Báo chí và dư luận bắt đầu nói nhiều về những sai phạm trắng trợn, có hệ thống, liên tiếp, trong thời gian dài, trên nhiều địa bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng,… của nhà xe Thành Bưởi.
Ngày 17/10, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức đã có văn bản gửi Ban An toàn giao thông, công an, phòng ban chuyên môn và 34 phường trên địa bàn thành phố Thủ Đức yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô.
Đối với khu vực có bãi xe tự phát và điểm trông giữ ô tô, ông Hoàng Tùng yêu cầu địa phương phối hợp công an, thanh tra giao thông kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đậu xe tạm có tổ chức đón trả khách.
Trong đó, điển hình là bãi xe của nhà xe Thành Bưởi tại số 97 Mai Chí Thọ và đường trục chính vào khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (phường An Phú), đường Liên Phường thuộc 2 phường Phước Long B và Phú Hữu.
Đến ngày 23/10, Đoàn kiểm tra của Cục Đường bộ Việt Nam đã công bố quyết định kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện các công văn của Bộ Giao thông vận tải, triển khai Công điện ngày 30/9 của Thủ tướng về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai do xe khách Thành Bưởi gây ra.
Nội dung kiểm tra bao gồm việc chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới; văn bản số 8111/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn.
Đoàn cũng kiểm tra việc tổ chức quản lý hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô, bao gồm cả việc cập nhật, đối chiếu thông tin đảm bảo tính chính xác dữ liệu của các đơn vị kinh doanh vận tải trên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt kiểm tra, bến lậu của nhà xe Thành Bưởi tại số 97 Mai Chí Thọ vẫn hoạt động đón xe trung chuyển tấp nập.
Tương tự, trụ sở nhà xe Thành Bưởi ở Lê Hồng Phong nhộn nhịp không kém. Tại đây, nhà xe này có hai trụ sở gần nhau nên lượng khách tập trung hàng trăm người mỗi ngày, xe ra vào rước khách cứ 5-10 phút có một chuyến. Tuy nhiên, các địa điểm kể trên chỉ là "bến cóc" do nhà xe lập ra để đón khách, nhằm trốn thuế và phí theo quy định.
Nhóm phóng viên điều tra của Báo Điện tử Chính phủ đã đi theo những đoàn xe dù của nhà xe Thành Bưởi trong nhiều ngày, nhưng chưa một lần chứng kiến nhà xe Thành Bưởi bị kiểm tra kiểm soát của các lực lượng chức năng. Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, thanh tra ngành giao thông vận tải dường như "đi vắng hết", để cho nhà xe thoải mái tung hoành.
Nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu trốn thuế nghiêm trọng
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Tạ Chương Chín - Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông xác nhận, đối với tuyến chủ đạo thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt, nhà xe Thành Bưởi đã không còn hợp đồng trong Bến xe Miền Đông.
Điều này đồng nghĩa với việc, 100% xe Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt của nhà xe này có thể đều là xe hợp đồng trá hình. Như vậy, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà xe Thành Bưởi chỉ hoạt động 1 tuyến duy nhất trong bến xe là tuyến Bến xe Miền Tây - Bến xe Cần Thơ.
Việc xe không vào bến gây ra rất nhiều hệ lụy. Thông thường, nếu xe vào bến, trước khi xe rời đi sẽ có bộ phận quản lý bến hoặc bộ phận quản lý của nhà xe kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện như giấy đăng kiểm, giấy phép lái xe, nồng độ cồn của tài xế… Thậm chí, xe bị lập biên bản xử phạt hành chính cũng sẽ trình các loại giấy tờ này để bến nắm rõ.
Ngoài ra, xe sẽ có thiết bị giám sát hành trình (GPS), camera để đơn vị quản lý theo dõi hành trình, tốc độ, nhắc nhở kịp thời các vi phạm. Xe không vào bến sẽ không trải qua các khâu này.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu chiếc xe gây tai nạn làm 5 người chết ở Đồng Nai ngày 30/9, nếu cũng được xuất phát từ bến xe, được kiểm tra kiểm soát đúng quy trình, thì có xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc trên hay không?
Việc xe không vào bến gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Nếu vào bến, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định còn phải chịu tiền hoa hồng bán vé, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi, bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ. Xe không vào bến không phải chịu khoản thuế này.
Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp nếu muốn tăng giá vé thì đều phải được Sở Giao thông vận tải phê duyệt. Còn đối với xe hợp đồng trá hình thì có thể bán vé với mọi mức giá. Nhất là vào các dịp lễ, Tết, giá vé của xe tuyến cố định chỉ được tăng tối đa 60%, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình có thể tăng lên 200-300% tùy theo nhu cầu mà không cần xin phép. Chỉ có người dân là chịu thiệt.
Như vậy, đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời, làm mất trật tự an toàn giao thông vận tải xe khách, khiến giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lộn xộn bởi những "bến cóc, xe dù" ngang nhiên hoạt động.
Theo kiểm đếm của nhóm phóng viên điều tra, xe Thành Bưởi chạy qua trạm thu phí (thu phí tự động) tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt 3 ngày cuối tuần cho thấy trung bình một ngày thấp nhất cũng 350 lượt xe chạy 2 tuyến cả đi lẫn về.
Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi cho thấy, nhà xe Thành Bưởi không vào bến để đón, trả khách mà thường xuyên thực hiện việc này tại văn phòng công ty. Ngoài ra, Công ty này còn "trá hình" xe chở khách thành xe hợp đồng, xe du lịch để không phải vào bến.
Cụ thể, về hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, Sở Giao thông vận tải cho biết hợp đồng vận chuyển hành khách, du lịch lữ hành của Công ty không đảm bảo đầy đủ nội dung tối thiểu được quy định tại Điều 15 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Danh sách hành khách kèm theo hợp đồng của Công ty không đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại Phụ lục 13 Thông tư số 12/2020/TT- BGTVT.
Công ty tổ chức đón trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, vi phạm quy định điểm c khoản 3 Điều 7 và điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Một số trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch mà không có hợp đồng vận chuyển (đối với các xe 29 chỗ vận chuyển hành khách đi từ địa điểm số 266-272 và số 258 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Người của công ty ký kết các hợp đồng vận chuyển hành khách du lịch lữ hành bằng xe ô tô từ tỉnh Lâm Đồng đi Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa được người đại diện pháp nhân của công ty ủy quyền ký hợp đồng là không đúng quy định.
Hành trình vận chuyển, thời gian, các điểm đón, trả khách của một số phương tiện không trùng khớp giữa hợp đồng vận chuyển và dữ liệu thiết bị giám sát hành trình diễn ra một số ngày trong tháng 1/2023 và trong tháng 4/2023.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, vụ tai nạn giao thông của lái xe Hoàng Văn Tính và xe 50F-004.83 xảy ra ngày 30/9/2023 (trên Quốc lộ 20 làm 5 người tử vong) đang được Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, xử lý. Do đó, các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn giao thông này được ghi nhận qua quá trình kiểm tra, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển cơ quan công an của tỉnh Đồng Nai khi có yêu cầu.
Đối với các hành vi vi phạm của nhà xe Thành Bưởi, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành các thủ tục để xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời tiếp tục xác minh, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của các lái xe.
Đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác kiểm tra không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Giao thông vận tải sẽ được chuyển đến Công an Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong bản kết luận này không thấy trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài mà báo chí và dư luận đã phản ánh.
Dù được sử dụng bằng những ngôn từ "mỹ miều và uyển chuyển" trong bản kết luận thanh tra, nhưng nói một cách dễ hiểu bằng những ngôn từ trong sáng là: Nhà xe Thành Bưởi đã tổ chức "xe dù, bến cóc" trái với quy định của pháp luật trong thời gian dài, có dấu hiệu trốn thuế và phí với số lượng lớn nhưng Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã không có biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả. Người dân thì đặt vấn đề: Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không bị phát hiện, không bị xử lý, thì do năng lực yếu hay do bị tác động bởi cái gì…?
Nhà xe Thành Bưởi tạm ngưng hoạt động từ 29/10
Ngày 28/10, nhà xe Thành Bưởi thông báo trên Fanpage Facebook sẽ ngừng vận chuyển khách từ 5 giờ sáng chủ nhật 29/10.
Sáng 29/10, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã liên hệ qua đường dây nóng của Thành Bưởi. Hiện số 1900.6079 vẫn hoạt động. Nhân viên tư vấn cho biết hãng này hiện chỉ còn 3 chuyến duy trì vào chiều cùng ngày (15 giờ, 17 giờ và 19 giờ). Sau đó, tất cả các tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Đà Lạt - Cần Thơ đều ngưng.
Nhân viên tổng đài cho biết chuyến cuối cùng vận chuyển hành khách là 2 giờ sáng 29/10.
Hãng xe Thành Bưởi cũng thông báo sẽ chuyển khoản lại tiền cho khách hàng đã chuyển trước đó sớm nhất.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 29/10, tại các nhà xe của Thành Bưởi không còn đón khách.
Trước đó trưa ngày 26/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt kiểm tra trụ sở và các chi nhánh công ty của nhà xe Thành Bưởi. Công an đã phong tỏa và yêu cầu các phương tiện bên trong trụ sở và các chi nhánh dừng hoạt động; đồng thời thu giữ nhiều tài liệu, chứng từ của Công ty Thành Bưởi.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/su-long-hanh-cua-nha-xe-thanh-buoi-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-17923103016311532.htm