Sử dụng khí gas tại hộ gia đình: Nguyên nhân gây cháy nổ và biện pháp đảm bảo an toàn

17:02 - 15/08/2023

Khí gas là một nguồn nhiên liệu có khả năng gây nguy hiểm cháy nổ cao, vì vậy, người dân cần nắm rõ nguyên nhân và biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy trong sử dụng khí gas tại các hộ gia đình.

Xảy ra vụ nổ nghi do khí gas khiến 4 người bị thương nặng tại Hà Nội

Theo VTC News, khoảng 10 giờ sáng nay, ngày 15/8, tại nhà số 42 Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đã xảy ra một vụ nổ nghi do khí gas. Sức ép của vụ nổ khiến toàn bộ mặt tiền ngôi nhà biến dạng. Nhiều phần khung bê tông, gạch và vật dụng sinh hoạt bắn xa ra ngoài đường hàng chục mét.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận Ba Đình và Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Công an thành phố Hà Nội) nhanh chóng có mặt đưa những người bị nạn đi cấp cứu và phong tỏa toàn bộ phố Yên Phụ, từ đầu đường Thanh Niên rẽ về để phục vụ công tác điều tra. 

Sử dụng khí gas tại hộ gia đình: Nguyên nhân gây cháy nổ và biện pháp đảm bảo an toàn - Ảnh 1.

Hiện trường vụ nổ xảy ra tại số nhà 42 phố Yên Phụ, Hà Nội. Ảnh: VTC News

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, vụ nổ xảy ra tại tầng 1 của ngôi nhà 5 tầng được sử dụng để ở và kinh doanh quán phở. Nhiều khả năng đây là vụ nổ khí gas trong môi trường kín do nhân viên đơn vị cung cấp gas sửa chữa, thay thế các bình gas. Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Tại hiện trường có 5 nạn nhân bị thương. Trong đó, 1 người bị thương nhẹ, sau khi sơ cứu đã trở về nhà. 4 nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hồng Ngọc. Đến chiều cùng ngày, 3 người bị đa chấn thương, bỏng nặng kèm bỏng hô hấp đã được chuyển về Viện Bỏng Quốc gia. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đang tích cực cứu chữa cho 1 nạn nhân còn lại.

Sử dụng khí gas tại hộ gia đình: Nguyên nhân gây cháy nổ và biện pháp đảm bảo an toàn - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ. Ảnh: Báo Tin Tức/TTXVN

Khí gas là nguồn nhiên liệu có khả năng gây nguy hiểm cháy nổ cao

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, khí gas được sử dụng nhiều trong khách sạn, nhà hàng, hộ gia đình làm nhiên liệu, chất đốt.

Tuy nhiên, khí gas là một nguồn nhiên liệu có khả năng gây nguy hiểm cháy nổ cao, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, việc hạn chế các vụ cháy, nổ trong quá trình sử dụng khí gas là vấn đề quan tâm của toàn xã hội.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thống kê các nguyên nhân và khuyến cáo biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy trong sử dụng khí gas tại các hộ gia đình.

Nguyên nhân gây cháy nổ khi sử dụng khí gas trong các hộ gia đình

Vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn trong khi lắp đặt, sử dụng bếp trong các hộ gia đình gây cháy: Trong quá trình lắp đặt, các khớp nối giữa dây dẫn với bếp, van bình và van điều áp không chặt có thể dẫn đến rò rỉ hoặc ống dẫn gas bị tụt khi đang đun nấu. Ngoài ra, khoảng cách giữa bếp và bình gas quá gần, không có tường chắn cách ly. Trong quá trình sử dụng tại các hộ gia đình, người sử dụng không trông coi để sôi trào làm tắt lửa trong khi van xả gas vẫn mở. Trường hợp bếp gas không có van tự ngắt sẽ dẫn đến khí gas sẽ rò rỉ, tích tụ trong phòng khi bật bếp trở lại sẽ gây cháy nổ. Ngoài ra, người sử dụng thay bình gas khi đang đun nấu mà không tắt lửa ở bếp cũng có khả năng gây cháy nổ.

Sự cố kỹ thuật: Các bếp gas và các phụ kiện không đảm bảo chất lượng được trang bị trong các hộ gia đình có thể dẫn đến khí gas sẽ bị rò rỉ qua các van gas và dây dẫn gas kém chất lượng và gây cháy, nổ trong quá trình sử dụng. Đây là một trong những nguy cơ dễ dẫn đến sự cố rò rỉ khí gas có gây cháy nổ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc sử dụng gas được sang chiết lậu, vỏ bình gas trôi nổi trên thị trường, chưa qua kiểm định, van gas bị thay thế bởi hàng kém chất lượng,… đều làm tăng nguy cơ mất an toàn khi sử dụng gas, dễ dẫn tới sự cố rò rỉ gas và nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao.

Sử dụng khí gas tại hộ gia đình: Nguyên nhân gây cháy nổ và biện pháp đảm bảo an toàn - Ảnh 3.

Bình gas chứa trong hộ gia đình phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn nguyên niêm phong đúng quy cách, hình dạng thiết kế ban đầu, đã được kiểm định và còn thời hạn sử dụng. Ảnh: Gasconsumers

Thiếu ý thức, kiến thức phòng cháy, chữa cháy: Trong quá trình sử dụng bếp gas tại các hộ gia đình, người sử dụng không nắm được tính chất nguy hiểm cháy nổ của khí gas. Khí gas có nguy hiểm cháy nổ cao, có tỷ trọng nặng hơn không khí, khi thoát ra khỏi thiết bị chứa, ống dẫn, khí gas bay là là trên mặt đất và tích tụ ở những chỗ trũng gặp ngọn lửa có thể gây cháy, nổ. Bên cạnh đó, người sử dụng không hiểu hết quy trình sử dụng bếp gas an toàn hoặc do sơ suất gây cháy như đặt bếp gần các vật liệu dễ cháy, không thường xuyên vệ sinh bếp để bụi bẩn, dầu mỡ tích tụ lâu ngày trên bề mặt bếp, thức ăn bám vào ống dẫn gas nên chuột cắn thủng dây dẫn, khí gas thoát ra ngoài gây cháy.

Sử dụng bình gas du lịch (chai LPG mini) san nạp trái phép trong các hộ gia đình gây cháy nổ: Hiện nay, hầu hết các loại bình gas mini sử dụng một lần dùng cho bếp du lịch đang lưu hành trên thị trường là loại được nhập khẩu dưới dạng đã nạp khí ga. Trong đó, chỉ một số ít chai LPG mini được phép nạp lại. Vật liệu chế tạo vỏ chai LPG nạp lại là inox 304 hoặc vật liệu chịu ăn mòn có cơ tính và thành phần hóa học tương đương để đảm bảo an toàn của chai.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai khí dầu mỏ hóa lỏng mini QCVN 02:2017/BCT, việc lưu hành loại bình gas nạp lại đã bị “đình chỉ”. Tuy nhiên, do nhu cầu của người tiêu dùng, một số cơ sở san nạp trái phép đã bất chấp các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để nạp lại gas và bán với giá rất rẻ. Các cơ sở này đã tận dụng những vỏ bình đã hết, hoen rỉ, cũ kỹ để san nạp lại nhiều lần bằng các loại khí gas dùng cho các bình chịu áp lực lớn (bình 12kg hoặc 45kg), vượt quá khả năng chịu áp của bình gas mini gây nổ và cháy khi sử dụng.

Biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ khi sử dụng khí gas tại hộ gia đình

Yêu cầu khi lựa chọn thiết bị

Bình gas chứa trong hộ gia đình phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn nguyên niêm phong đúng quy cách, hình dạng thiết kế ban đầu, đã được kiểm định và còn thời hạn sử dụng. Khí bên trong phải bảo đảm đúng khối lượng theo thiết kế, nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Ngoài ra, bếp gas và các phụ kiện nên chọn hàng chính hãng. Bếp gas cần có các thiết bị an toàn như: relay (rơle) an toàn khi tắt lửa, relay an toàn khi quá nhiệt, bếp gas mini có cụm van an toàn ngắt trực tiếp.

Yêu cầu khi lắp đặt, sử dụng

Bình gas không lắp đặt trong phòng kín, hầm kín tại các hộ gia đình, luôn đặt ở vị trí thẳng đứng. Trên tường nơi đặt bình gas phải có khe hở hoặc lỗ thông hơi. Vị trí đáy các khe hở và lỗ thông hơi này không được cao hơn sàn nhà 150mm. Khu vực xếp đặt bình gas phải thông thoáng, đảm bảo bất kỳ rò rỉ khí hóa lỏng nào cũng không có khả năng gây cháy. Bên cạnh đó, tất cả các thiết bị điện, nguồn có khả năng gây cháy trong hộ gia đình phải lắp đặt cách bình gas tối thiểu 1,5m. Không được lắp đặt, cất giữ bình gas ở khu vực cửa ra vào, ở nơi hay có người qua lại.

Mọi hình thức sang chiết nạp gas vào chai, bình tại các hộ gia đình đều bị cấm. Khi phát hiện bình gas mini không đảm bảo an toàn, có nguy cơ bị hở gây rò rỉ khí ra ngoài, người dân phải ngừng sử dụng, báo ngay cho cửa hàng đến khắc phục kịp thời, không tự ý sửa chữa, thay thế thiết bị. Ngoài ra, khi phát hiện cửa hàng bán bình gas mini kém chất lượng, người dân cần thông báo cho cửa hàng kinh doanh đầu mối, đại lý, hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý kịp thời. 

Quy trình xử lý sự cố rò rỉ ga

Quá trình sử dụng gas trong hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra độ kín của các thiết bị. Nếu phát hiện có rò rỉ gas cần phải thực hiện các thao tác sau:

- Báo động cho tất cả mọi người di chuyển ra nơi an toàn hoặc cùng tham gia xử lý đồng thời đóng ngay van bình gas, tìm chỗ rò rỉ để bịt lại bằng băng keo hoặc trát xà phòng.

- Tuyệt đối không dùng lửa hoặc làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, không bật, tắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa, không sử dụng điện thoại di động.

- Không đi giày, guốc có đế kim loại trên nền gạch, mở cửa ra vào, cửa sổ để thông gió khu vực gas bị rò rỉ hoặc sử dụng chai khí CO2, N2 để làm loãng nồng độ khí gas.

- Cảnh giới cấm lửa tại khu vực khí gas rò rỉ; thông báo ngay cho cửa hàng, đại lý cung cấp hoặc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy để có biện pháp xử lý kịp thời.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/su-dung-khi-gas-tai-ho-gia-dinh-nguyen-nhan-gay-chay-no-va-bien-phap-dam-bao-an-toan-179230815170007092.htm