Sri Lanka: Khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng, Tổng thống và Thủ tướng từ chức
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana cho biết Tổng thống Sri Lanka, ông Gotabaya Rajapaksa, đã đồng ý từ chức vào tuần tới. Ngày 9/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe thông báo sẽ từ chức vào ngày 13/7.
Thủ đô Colombo rung chuyển vì các cuộc biểu tình
Bạo lực đã bùng phát tại Sri Lanka kể từ ngày 9/4. Colombo - Thủ đô thương mại của Sri Lanka, đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình nhằm yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từ chức, do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung thiết yếu và làm ảnh hưởng sinh kế của người dân.
Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nước này.
Trước đó cùng ngày, một cuộc biểu tình lớn với quy mô lớn khiến cảnh sát Sri Lanka phải sử dụng hơi cay để giải tán. Trong cuộc biểu tình này, hàng nghìn người đã tập trung trên những xe buýt, tàu hỏa và xe tải tới từ mọi miền trên khắp Sri Lanka để tiến về Colombo nhằm bày tỏ sự bất bình trước việc Chính phủ không bảo vệ họ khỏi những tổn thất về kinh tế.
Ngày 9/7, Tổng thống Sri Lanka, ông Gotabaya Rajapaksa phải đi lánh nạn trong bối cảnh người biểu tình quá khích bao vây và tìm cách xông vào tư dinh yêu cầu ông từ chức. Cùng ngày, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe thông báo sẽ từ chức vào ngày 13/7 để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.
"Để đảm bảo sự tiếp tục của Chính phủ và sự an toàn của tất cả công dân, tôi chấp nhận lời khuyên tốt nhất của lãnh đạo các đảng trong hôm nay nhằm mở đường cho một chính phủ có sự tham gia của mọi đảng phái. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, tôi sẽ từ chức thủ tướng" - ông Ranil Wickremesinghe xác nhận trên Twitter ngày 9/7.
Theo Hãng tin TASS của Nga, ông Wickremesinghe công bố quyết định nói trên sau cuộc họp của lãnh đạo các đảng chính trị do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena chủ trì. Sau cuộc họp, ông Harsha de Silva - thành viên Quốc hội Sri Lanka và là một trong những người tham gia cuộc họp, cho biết hầu hết đại diện của các đảng chính trị Sri Lanka đều đồng ý rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nên từ chức.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948.
Đất nước này đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 5 vừa qua, khoảng 70% hộ gia đình tại quốc gia Nam Á này đã phải giảm khẩu phần lương thực. Nhiều gia đình trông chờ vào nguồn trợ cấp gạo của Chính phủ và các khoản từ thiện.
Do thiếu trầm trọng dự trữ ngoại tệ, ngày 12/4/2022, Sri Lanka đã phải chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD, tuyên bố đình chỉ kế hoạch trả 7 tỉ USD nợ nước ngoài đáo hạn trong năm nay. Những chủ nợ lớn nhất của đất nước này là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản nắm giữ 10% mỗi khoản nợ nước ngoài của Sri Lanka.
Thâm hụt thương mại liên tiếp và thâm hụt ngân sách khiến cho Sri Lanka nợ chồng nợ, trong khi lạm phát ở mức cao nhất của châu Á. Chính phủ Sri Lanka đã phải đề nghị với IMF cung cấp gói cứu trợ khác cho Sri Lanka cũng như đề nghị Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp gói tín dụng để quốc đảo này có thể trang trải các khoản nợ.
Tình cảnh này vì sao mà có?
Thứ nhất, do tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19. Sri Lanka là quốc đảo có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào du lịch. Du lịch đóng góp tới 13% GDP. Tuy nhiên vụ đánh bom vào Lễ Phục sinh năm 2019 và đại dịch COVID-19 khiến lượng kách du lịch giảm từ 2,3 triệu năm 2018 xuống còn 173.000 năm 2021. Đại dịch COVID-19 cũng làm giảm lượng kiều hối từ những người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài.
Thứ hai, giá dầu tăng và chính sách giảm thuế. Gảm thuế làm giảm nguồn thu của Chính phủ. Chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa áp đặt các đợt giảm thuế sâu ngay sau khi ông Gotabaya Rajapaksa nhậm chức vào năm 2019, và chỉ vài tháng trước đại dịch COVID-19. Thâm hụt thương mại liên tiếp đặc biệt là thâm hụt trong chi tiêu của Chính phủ (thâm hụt ngân sách) dẫn đến nợ kép, làm trầm trọng hơn nợ công.
Thứ ba, chính sách trợ giá nhiên liệu và quyết định cấm nhập khẩu phân bón hóa học với mục tiêu chuyển từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác hữu cơ. Việc cấm nhập khẩu phân bón hóa học (từ tháng 4/2021) với ý tưởng là để ngăn chặn nhập khẩu làm cạn kiệt ngoại hối của đất nước. Điều này đã dẫn đến sản lượng gạo giảm 50% phải nhập khẩu, sản lượng chè cũng sụt giảm, làm mất đi một trong những ngành xuất khẩu chủ chốt.
Thứ tư, việc quản lý tài chính công kém hiệu quả đã khiến nguồn thu ngân sách nhà nước bị thâm hụt nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và dịch vụ trong nước. Chủ tịch Viện Tư vấn chính sách Advocata (trụ sở tại Sri Lanka) Murtaza Jafferjee cho biết: "30% do vận rủi. 70% do yếu kém trong quản lý…".
Để duy trì nền kinh tế, Chính phủ Sri Lanka buộc phải tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của mình, nên chỉ trong vòng 2 năm, nguồn dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 70%, và chỉ còn khoảng 1,93 tỉ USD tính đến cuối tháng 3/2022. Điều này khiến quốc đảo 22 triệu dân gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và nhiên liệu.
Nguyên nhân cuối cùng nhưng được cho là lớn nhất, Chính phủ Sri Lanka đã vay các khoản tiền khổng lồ từ các tổ chức cho vay nước ngoài, các quốc gia khác để tài trợ cho các dịch vụ công cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như Cảng quốc tế Hambantota với hy vọng rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng này gần như chưa tạo ra bất kỳ nguồn doanh thu thực sự nào. Trong khi đó lãi cho các khoản vay này vẫn phải trả. Tỷ lệ nợ trên GDP của Sri Lanka đã tăng vọt trong những năm gần đây, tăng từ 42% vào năm 2019 lên 104% vào năm 2021, dự trữ ngoại hối thấp chưa từng có.
Kinh tế khủng hoảng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã kéo quốc đảo này vào cuộc khủng hoảng chính trị, khiến cả Tổng thống và Thủ tướng phải tuyên bố từ chức.
Ngày 1-4: Tổng thống Gotabaya Rajapaksa quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ngày 3-4: Nội các từ chức
Ngày 5-4: Tổng thống Gotabaya Rajapaksa mất đa số ủng hộ trong Quốc hội
Ngày 12-4: Tạm dừng thanh toán nợ nước ngoài để tránh vỡ nợ
Ngày 19-4: Ghi nhận số thương vong trong cuộc biểu tình đầu tiên
Ngày 6-5: Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai.
Ngày 9-5: Đụng độ leo thang, áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn
Ngày 10-5: Binh sĩ được phép bắn bất kỳ ai gây mất ổn định
Ngày 10-6: "Tình trạng khẩn cấp nhân đạo"
Ngày 20-6: Đóng cửa trường học, dừng dịch vụ chính phủ vì cạn nhiên liệu
Ngày 27-6: Thông báo tạm ngừng bán mọi loại nhiên liệu trong hai tuần, trừ nhiên liệu phục vụ các dịch vụ thiết yếu, đồng thời kêu gọi đóng cửa một phần các dịch vụ xã hội.
Ngày 5-7: Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đã vỡ nợ, lạm phát phi mã lên gần 60%
Ngày 9-7: Tổng thống và Thủ tướng chấp nhận từ chức
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sri-lanka-khung-hoang-kinh-te-chinh-tri-tram-trong-tong-thong-va-thu-tuong-tu-chuc-179220710172048039.htm