Số sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn còn rất thấp

16:24 - 19/10/2023

Ngày 19/10, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tiềm năng rất lớn 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. 

Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Số sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn còn rất thấp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. 

Vì vậy, mặc dù vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay song số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Ông Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Đề cập tới một số nhiệm vụ cụ thể, ông Hoàng Minh Sơn nhắc tới nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Cùng với đó là cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Đồng thời, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

Cần xây dựng hợp tác liên minh nhiều bên

Từ góc độ địa phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, thành phố Đà Nẵng có một nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. 

Đà Nẵng đã chủ động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, kể cả trong nghiên cứu thiết kế, đóng gói kiểm thử lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.

Số sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn còn rất thấp - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tin tưởng, sau Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, sẽ tạo dựng được liên minh gồm các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ để cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫn, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Cũng tại Hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã báo cáo tham luận với các chủ đề thời sự, xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn như: Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên yêu cầu công nghệ thiết kế và chế tạo chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội; Thiết kế chip bán dẫn: Đào tạo và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn - thực trạng và định hướng phát triển tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế chip tại Đại học Đà Nẵng; Tầm quan trọng của nhân lực thiết kế vi mạch đối với ngành thông tin và truyền thông Việt Nam.

Cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Báo cáo thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata…

Số sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn còn rất thấp - Ảnh 3.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%)

Các ngành phù hợp (điện tử - viễn thông, vi điện tử…) tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000/năm (gia tăng trung bình 7%/năm). 

Các ngành gần (cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…) tuyển mới khoảng 15.000 và tốt nghiệp khoảng 13.000/năm (gia tăng trung bình 10%/năm).

Để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn chính sách, theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; cần có cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại…; cần có chương trình đào tạo, học liệu, công nghệ giáo dục.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta sẽ nâng tầm được vị thế của đất nước. Câu chuyện này không phải chỉ là câu chuyện của một lĩnh vực sản xuất bình thường. 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức được sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh của ngành và xác định đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau".

Số sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn còn rất thấp - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là lĩnh vực công nghệ cao cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nhưng phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao. 

Đề cập tới việc "cần có các giải pháp đột phá", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ, mà phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

"Cần hướng đến tư duy toàn cầu, phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/so-sinh-vien-theo-hoc-nganh-vi-mach-ban-dan-con-rat-thap-17923101915544746.htm