Số nhiên liệu hóa thạch chưa khai thác đang lưu giữ 3.500 tỉ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Ghi chép nhiên liệu hóa thạch toàn cầu (GRFF) cho thấy, nếu đốt toàn bộ trữ lượng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới hiện nay sẽ làm phát thải 3.500 tỉ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Con số này cao gấp 7 lần “ngân sách CO2” còn lại để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Hoạt động của con người kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, chủ yếu sử dụng than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, đã làm toàn cầu nóng thêm 1,2 độ C và kéo theo những đợt hạn hán, bão và lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy.
Liên hợp quốc ước tính “ngân sách CO2 còn lại” (tức là lượng ô nhiễm mà chúng ta có thể thải vào khí quyển trước khi nhiệt độ tăng đến mức phá vỡ giới hạn 1,5 độ C trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu) là khoảng 360 tỉ tấn CO2 hoặc 9 năm với mức thải khí như hiện nay.
Vào năm 2021, Liên hợp quốc đã tiến hành đánh giá và phát hiện rằng kế hoạch của các quốc gia tăng hơn gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 sẽ có thể khiến toàn cầu nóng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhưng đến nay, chưa có thống kê toàn cầu nào mang tính toàn diện về việc lượng khí thải cho phép còn lại là bao nhiêu trước khi vượt quá giới hạn trên.
GRFF tìm cách làm rõ hơn về trữ lượng dầu, khí và than đá nhằm lấp đầy những khoảng trống thông tin về nguồn cung toàn cầu và giúp các nhà hoạch định chính sách quản lý tốt hơn các mục tiêu giảm khí thải của mình.
GRFF thống kê hơn 50.000 khu vực chứa nhiên liệu hóa thạch tại 89 quốc gia và phát hiện rằng một số nước có trữ lượng nhiên liệu tương đương mức CO2 đủ để phá vỡ “ngân sách CO2” còn lại của toàn cầu. Ví dụ, trữ lượng than đá ở Mỹ tương đương 520 tỉ tấn CO2.
Trung Quốc, Nga và Australia cộng lại có đủ trữ lượng để làm cả thế giới nóng thêm hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tổng cộng trữ lượng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu có thể thải ra lượng CO2 cao gấp 7 lần mức “ngân sách CO2” còn lại mà toàn cầu được phép thải ra để đảm bảo giới hạn mức tăng nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C.
Theo GRFF, trong số 50.000 khu có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch được thống kê, nguồn khí thải lớn nhất là ở mỏ dầu Ghawar tại Saudi Arabia, nơi có thể thải ra khoảng 525 triệu tấn CO2/năm. 12 địa điểm ô nhiễm nhất nằm tại vùng Vịnh và Nga.
Phó Giám đốc Sáng kiến Hiệp ước Không phổ biến nhiên liệu hóa thạch (FFNP), bà Rebecca Byrnes cho biết thống kê trên có thể giúp tạo sức ép đầu tư tại các nước có trữ lượng hydrocarbon lớn, song bà bày tỏ rất ít hy vọng gây sức ép để người dân thay đổi thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu với báo giới, bà Byrnes cho biết thêm rằng thống kê GRFF cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt lớn về giá thải khí CO2 giữa các quốc gia. Iraq đánh thuế phát thải khí gần 100 USD/tấn, trong khi con số này ở Anh chỉ là 5 USD/tấn.
Ngoại trưởng của Tuvalu, ông Simon Kofe cho biết các số liệu thống kê trên có thể “giúp nói không với sản xuất than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, giúp các chính phủ, công ty và nhà đầu tư đưa ra quyết định nhằm gắn sản xuất nhiên liệu hóa thạch với mức giới hạn 1,5 độ C trong Hiệp định Paris, và nhờ đó ngăn chặn ngày tận thế của quốc đảo chúng tôi cũng như tất cả các quốc gia trong cộng đồng toàn cầu”.
Nhiên liệu hóa thạch là các loại nhiên liệu được tạo thành bởi quá trình phân hủy kỵ khí của các sinh vật chết bị chôn vùi cách đây hơn 300 triệu năm. Các nguyên liệu này chứa hàm lượng carbon và hydrocarbon cao.
Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 21,3 tỉ tấn CO2 hàng năm, nhưng các quá trình tự nhiên có thể hấp thu phân nửa lượng khí thải trên. Vì vậy hàm lượng CO2 sẽ tăng 10,65 tỉ tấn mỗi năm trong khí quyển (1 tấn carbon tương đương 3,7 tấn CO2). CO2 là một trong những khí nhà kính làm tăng lực phóng xạ và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, làm cho nhiệt độ trung bình bề mặt của Trái Đất tăng.