Sinh viên lo lắng vì học phí đại học tăng trong năm học mới

20:13 - 20/05/2023

Theo lộ trình tự chủ tài chính, nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng học phí tiếp tục trong năm học 2023-2024. Học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất từ chính sách này.

Các cơ sở giáo dục đại học tăng học phí đồng loạt

Cùng với việc công bố phương án tuyển sinh năm học 2023-2024, các trường đại học cũng thông báo về mức học phí giúp thí sinh, phụ huynh cân nhắc chọn trường phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ, mức cũ là 1,3 triệu đồng.

Học phí đại học tiếp tục tăng trong năm học mới, học sinh, sinh viên hoang mang - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng học phí tiếp tục trong năm học 2023-2024. Ảnh: CJC

Học phí Học viện Tài chính năm học 2023-2024 tăng tối đa 20%, dao động từ 22–24 triệu đồng/năm học; học phí chương trình chất lượng cao từ 48–50 triệu đồng/năm học; học phí diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42–44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Học viện cũng nêu chính sách học phí đối với sinh viên học chương trình liên kết quốc tế.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến mức học phí là 25 triệu đồng/năm đối với chương trình đại trà; học phí chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. Như vậy, so với năm học 2022-2023, học phí của trường dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm. Còn học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng.

Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra mức học phí tăng so với các năm học trước.

Ở khu vực phía Nam, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thông báo áp dụng khung học phí mới từ năm học 2023-2024.

Áp lực chi phí đè nặng sinh viên

Học phí tăng khiến những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn loay hoay tìm cách thích ứng. Nguyễn Lan Ngọc - sinh viên Học viện Ngoại giao tâm sự: "Mức chi tiêu trung bình một tháng của tôi khoảng 4 triệu đồng, hầu hết là do bố mẹ hỗ trợ.

Khi trường tăng học phí, để không gây thêm áp lực cho gia đình, tôi đã phải chắt bóp chi tiêu rất nhiều, điều đó gây không ít khó khăn. Hiện tôi chưa kiếm được một công việc làm thêm ưng ý do thời gian học trên trường không cố định".

Nỗi lo lớn nhất của nữ sinh này là việc không thể làm gì mà chỉ chờ đợi nguồn trợ cấp từ gia đình và chưa biết việc thắt chặt chi tiêu có thể duy trì được bao lâu. Thậm chí, Lan Ngọc cho biết đã phải đấu tranh rất nhiều giữa việc có nên tiếp tục theo học hay không.

Sinh viên lo lắng vì học phí đại học tăng trong năm học mới - Ảnh 2.

Đỗ Huy Hoàng - sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Cùng chung nỗi lo với Lan Ngọc, Đỗ Huy Hoàng - sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bộc bạch: "Việc tăng học phí khiến kinh tế gia đình tôi thêm khó khăn, vấn đề tiền nong luôn bị đặt nặng". 

Huy Hoàng cho rằng việc tốt nhất có thể làm hiện giờ là cố gắng giành được học bổng và làm thêm một công việc khác vào thời gian rảnh để hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, để hoàn thành 2 việc cùng một lúc là rất khó, đều phải đánh đổi sức khỏe nhiều.

Nam sinh Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc tăng học phí, cơ sở vật chất của nhà trường cũng đang được cải thiện như kì vọng, với không gian phòng học và phòng thí nghiệm đều được nâng cấp đáng kể, thiết bị học tập và bàn ghế cũng được thay đổi khang trang hơn.

Sinh viên lo lắng vì học phí đại học tăng trong năm học mới - Ảnh 3.

Vương Thu Phương - sinh viên năm nhất, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC

Năm tới, Trường Đại học Ngoại thương cũng dự kiến tăng mức học phí lên 25 triệu đồng/năm, điều đó khiến Vương Thu Phương - sinh viên ngành Tiếng Anh thương mại gặp nhiều lo lắng: "Việc tăng học phí khiến tôi cảm thấy bố mẹ sẽ phải chịu áp lực lớn về tài chính và tạo nên áp lực học tập đối với tôi.

Tôi đang cân nhắc tìm kiếm một công việc làm thêm hay tập trung vào việc giành được học bổng để giảm gánh nặng cho bố mẹ".

Ngoài ra, Thu Phương cũng bày tỏ nỗi lo về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu ra trường làm trái ngành hoặc không có công việc ổn định, mọi cố gắng của bản thân và gia đình bị đổ sông đổ bể.

Sinh viên lo lắng vì học phí đại học tăng trong năm học mới - Ảnh 4.

Nguyễn Nhật Linh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Còn với Nguyễn Nhật Linh - sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã đi làm thêm để tự trang trải chi phí sinh hoạt và chỉ nhận trợ cấp một phần từ bố mẹ, do đó, việc nhà trường tăng học phí khiến nam sinh không khỏi áp lực.

"Ngoài việc phải thích nghi với môi trường hoàn toàn mới khi lên đại học, tăng học phí cũng là vấn đề đau đầu đối với tôi. Mỗi tháng mức chi tiêu của tôi vào khoảng 2 triệu đồng. Để cân bằng chi tiêu khi tăng học phí, tôi đã phải đi làm nhiều hơn và nó vô tình ảnh hưởng đến việc học. Cứ mỗi khi gần đến ngày nộp học phí, tôi lại cảm thấy căng thẳng".

Cùng với việc tăng học phí, nam sinh trường báo cũng kì vọng cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên được nâng cao xứng đáng với những gì sinh viên bỏ ra.

Thông tin về học phí cũng là yếu tố mà nhiều thí sinh cân nhắc kỹ khi thí sinh đưa ra quyết định chọn trường. Đỗ Mai Linh - học sinh lớp 12D1, Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 3 (Bắc Ninh) cũng đang loay hoay trong việc tìm kiếm ngành học yêu thích mà vẫn phải phù hợp với kinh tế gia đình.

"Tôi muốn theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Học viện Tài chính. Tuy nhiên, học phí năm tới cũng tăng lên đáng kể nên tôi nghĩ mình cần phải xem xét ngành học này ở các trường có học phí thấp hơn. Nếu học tập ở một trường có mức học phí quá cao thì không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của tôi mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình", Mai Linh tâm sự.

Nữ sinh lớp 12 cũng chia sẻ thêm, bản thân không muốn bố mẹ lo lắng nhiều về vấn đề học phí và làm việc quá vất vả để nuôi mình ăn học.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sinh-vien-lo-lang-vi-hoc-phi-dai-hoc-tang-trong-nam-hoc-moi-179230519000537601.htm