Sinh viên Đàm Thị Thu - Dân tộc Tày: "Khát vọng được đi học luôn cháy bỏng trong tôi"

06:00 - 18/11/2022

Tạp chí Công dân và Khuyến học xin giới thiệu bài viết của sinh viên Đàm Thị Thu, dân tộc Tày- người được vinh danh tấm gương nỗ lực vượt khó tiêu biểu trong chương trình "Nâng bước em đến trường" do Bộ đội Biên phòng thực hiện.

"Tôi là Đàm Thị Thu, là sinh viên năm thứ năm, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sâu nghèo khó của tỉnh Cao Bằng, là con cả trong gia đình dân tộc Tày thuần nông tại Bản Lòa, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh. 

Quê tôi là vùng biên giới nghèo. nhà tôi là căn nhà sàn lụp xụp quây lại bằng nứa đập giập. Ngôi nhà quá cũ, nên nó nghiêng vẹo đi xé mái ngói ra nhiều kẽ hở. Mỗi lần mưa tôi phải lấy chậu hứng những chỗ dột để đỡ ướt chăn màn. Ngày tôi còn nhỏ, bà nội tôi lấy những mảnh nilon buộc khắp nhà để trú mưa. Tôi ám ảnh vì ý nghĩ nếu tôi đi mạnh chân, ngôi nhà có thể ngã nhào sang một bên. Tôi phải lớn thật nhanh để xây lại nhà - tôi luôn nghĩ thế. 

Khát vọng được đi học luôn cháy bỏng trong tôi - Ảnh 1.

Đàm Thị Thu (bên trái) cùng các sinh viên trong ca trực thực tập tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: NVCC

Hành trình của những câu hỏi tại sao

Tôi là một đứa trẻ không thông minh. Suốt từ lớp 1, lớp 2 đến những năm phổ thông cơ sở, tôi chỉ là học sinh trung bình. Đến năm học lớp 3, tôi đã phải đi giúp mẹ làm việc đồng áng, vun ngô, vun mía, lấy củi…. Tôi nhớ mãi tôi phải bừa ruộng, vỡ đất với mẹ. Tôi đi theo sau cái bừa, con trâu, người lấm len bùn đất, chẳng có chỗ nào là sạch cả, lúc đấy bạn tôi đi chơi ngang qua, tôi muốn đi chơi và tôi chạy lên bờ để đi theo các bạn. 

Mẹ tôi nói một câu: "con không giúp mẹ, thì ai giúp mẹ nữa". Tôi bừng tỉnh, quay xuống ruộng để bừa tiếp. Mãi sau này, tôi không bao giờ quên câu mẹ nói tôi không giúp mẹ, thì ai giúp đây. 

Lúc ấy, tôi chưa tự đeo bừa được, mẹ tôi phải một mình đeo 2 cái bừa, đuổi 2 con trâu về nhà. Trước khi về tôi và mẹ còn tranh thủ đi nhổ mạ đến trưa muộn với về. Có hôm mẹ tôi đi làm thuê, tôi tự đi nhổ mạ. Bó mạ rối tung, gãy hết mạ, mẹ nhìn thấy không mắng nhưng mẹ nhìn vào mắt tôi rất buồn. Tôi tự hỏi chính bản thân mình rằng sao tôi khổ thế, sao mẹ tôi vất vả thế. 

Tôi tự nghĩ rằng tôi phải học giỏi thì tôi mới thoát được cái vất vả ấy. Lớp 3, tôi được học sinh khá.

Khi tôi càng lớn, mẹ tôi càng yếu, bị đau khớp và tim. Mẹ tôi kêu đau ngực, đau chân, đau lưng, nhưng vẫn không một ngày nghỉ ngơi. Mẹ tôi bảo nếu nghỉ thì con lấy gì mà ăn. Bố tôi bị bệnh mất khả năng lao động, thêm gánh nặng cho mẹ. Cứ mỗi độ hè thu, năm nào mẹ tôi cũng lại phải đi bệnh viện. Tôi ở nhà tự đi vun mía. Lên lớp 5, lớp 6 khi mẹ tôi về thấy mía bị đổ, nhiều cây bị vàng úa, là do tôi chưa biết vun, do tôi đổ phân vào gốc quá nhiều. 

Năm sau, mẹ tôi đi bệnh viện, tôi ở nhà đi cùng cô hàng xóm hái chè dây ở trên rừng đem bán. Cả phiên chợ 5 ngày miệt mài, tôi bán được khoảng 50 nghìn. Số tiền ấy dành mua mỡ lợn, rán lấy mỡ để nấu ăn, còn tóp mỡ để ăn trong gia đình. 

Lớn hơn một chút, tôi đi thăm mẹ ở bệnh viện mỗi khi mẹ ốm. Buổi sáng, các cô chú trong bệnh viện đi ăn sáng bánh cuốn, tôi cũng muốn đi. Tôi bảo mẹ con mình đi ăn bánh cuốn đi mẹ. Trước khi đi, mẹ tôi cúi xuống, lấy trong túi mấy cái bánh gai đã cứng mang theo để ăn, còn tôi thì ăn bánh cuốn. Tôi xấu hổ vì đến quán bánh cuốn mà mẹ còn ăn bánh gai tự mang theo để quán người ta nhắc nhở. Sau này tôi mới hiểu, mẹ ăn bánh gai để tôi ăn bánh cuốn nhiều hơn. 

Cứ như thế tôi cố gắng đến năm lớp 4, lớp 5 tôi được là học sinh giỏi. Lên lớp 6, tôi được thi học sinh giỏi Toán. Tôi cần có máy tính casio để đi thi, cô giáo nhắc trước một tuần máy tính có giá 159 nghìn đồng, tôi nhắc mẹ thu xếp tiền. Một tuần sau, mẹ tôi đưa cho tôi rất nhiều tờ tiền lẻ. Tôi hiểu rằng mẹ phải tiết kiệm lắm để có thể mua cho tôi máy tính. Thật may mắn năm ấy tôi đạt giải ba cấp huyện môn Toán.

Vào mùa đông lạnh giá hằng năm, tôi không có giầy để đi, tôi đi đôi dép tổ ong suốt những mùa đông. Đôi dép ấy rách, tôi phải dùng dây cước để buộc lại. Thầy giáo tôi trong lớp có hỏi bạn ngồi bàn đầu sao không đi giầy, thì các bạn trong lớp nói: "Bạn Thu còn không đi tất cơ". Lúc ấy tôi ngại quá. Mùa đông ở quê tôi mưa phùn, sương mù cả tháng, quần áo giặt cả tuần không khô. Có những hôm tất chưa khô, nên tôi không đi. Có những hôm quần không khô kịp, tôi mặc quần ẩm để đến trường, tôi nhẩm tính rằng trên đường tôi đi đến trường, quần sẽ khô, không ai phát hiện ra quần tôi còn ướt. 

Đến lớp 7, các bạn tôi đều có xe đạp để đi học, có mỗi tôi còn bước bộ đi trường. Đường đi học không quá xa, chỉ gần 2km thôi, nhưng tôi tủi thân lắm, cô đơn lắm.

Khát vọng được đi học luôn cháy bỏng trong tôi - Ảnh 2.

Đàm Thị Thu và cây đàn tính - niềm tự hào của người dân tộc Tày, Cao Bằng. Ảnh: NVCC

Đến năm lớp 8, tôi nhớ chắc chắn là lớp 8, vì đấy là mốc quan trọng trong đời tôi, tôi có xem một phóng sự trên ti vi về một bệnh viện huyện ở một tỉnh miền núi cao. Tôi nhớ như in nội dung phóng sự. Câu chuyện kể về bệnh viện chỉ có một bác sĩ, vì thiếu bác sĩ. Bác sĩ duy nhất của bệnh viện phải kiêm luôn cả giám đốc, sản khoa, nội khoa, nhi khoa…. 

Tôi tự hỏi mình: "Tại sao tôi không theo ngành Y nhỉ". Mà tôi cũng thích môn Sinh học, môn học này giúp tôi tự giải thích được những câu hỏi "tại sao". Tại sao ở những con đường bụi, thì lá cây non lại bám nhiều bụi hơn lá cây già. Tai sao tôi đau bụng, bụng cứ tự chuyển động được. 

Học năm lớp 12, tôi trả lời được câu hỏi lá non có quá trình chuyển hóa nhiều hơn, nên thoát hơi nước nhiều hơn, bám nhiều bụi hơn. Cũng khi đó tôi mới biết cấu tạo ở trong bụng, nhu động ruột co bóp nên bụng tôi chuyển động. 

Năm lớp 9, thầy giáo tôi tên là Tuấn dạy môn Sinh học, thầy động viên tôi thi học sinh giỏi môn Sinh học. Tôi từ năm lớp 6 đến năm lớp 8 đều thi học sinh giỏi Toán chứ không tự tin với Sinh. Tôi suy nghĩ vài hôm và ý muốn làm bác sĩ thôi thúc tôi quá nên tôi quyết định: "Thưa thầy, thầy cho em thi môn Sinh". Thầy Tuấn là một trong những thầy cô giỏi, chuyển từ một trường ở thành phố Cao Bằng về. Thầy dạy tôi môn Hóa học và Sinh học còn kèm thêm. Bài giảng của thầy rất lôi cuốn, làm cho tôi rất tập trung, hứng thú với bài học. Kỳ thi năm đó, tôi vượt qua vòng cấp huyện đến kỳ thi cấp tỉnh, và đứng thứ 3 toàn đoàn đi thi, được giải Nhì.

Kiến thức càng nhiều, tự tin càng lớn

Tuổi thơ của tôi không được đi tắm sông, không được đánh xích, đánh ống bơ, mà tuổi thơ tôi nằm trên đồng ruộng, sáng đi học, chiều ra đồng giúp mẹ, tối tự học. Tôi thích học, vì so với những việc đồng ruộng phải làm, tôi thấy việc học vui hơn nhiều, bổ ích hơn nhiều, và bớt mệt hơn nhiều. Bàn học của tôi là cái hòm cũ mà ông bà để lại đặt ở trên giường. Tôi tê chân và đau lưng nên tôi phải đứng lên suốt. Mỗi lần bước ra sân tôi thấy bản làng của mình đều đã đi ngủ im lìm, chỉ mỗi tôi còn thức, còn sáng đèn. 

Năm lớp 10, tôi có tiêu chuẩn đỗ vào Trường Hữu Nghị T78, là một nơi học tập cho con em dân tộc miền núi, nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên tôi đã chọn học ở trường huyện là Trường Trung học phổ thông Trà Lĩnh. Tôi vẫn thi học sinh giỏi môn Sinh và được giải cấp tỉnh. Tôi biết ơn cô giáo tôi, cô tên là Đàn, một giáo viên giỏi, nhưng nghiêm khắc, quan tâm, dạy dỗ tôi. Mỗi khi có thời gian, cô lại cho tôi lên nghe giảng của cô vào những buổi chiều. Cô dạy cho tôi nhiều kiến thức Sinh học giúp tôi ngày càng yêu thích môn này. 

Khát vọng được đi học luôn cháy bỏng trong tôi - Ảnh 3.

Đàm Thị Thu theo học năm thứ 5, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: NVCC

Năm lớp 11, các thầy cô giáo đã chọn tôi vào chương trình "Nâng bước em tới trường" của Bộ đội Biên phòng. Chương trình này hỗ trợ các học sinh nghèo ở địa bàn biên giới. Mỗi tháng tôi được các chú bộ đội cho 500.000 đồng. Nhờ số tiền đó, tôi được đi đôi dép mới, có giầy để đi vào mùa đông giá rét. Tôi được tặng thêm quần áo, không còn phải mặc quần chưa khô. Tôi có xe đạp để đi, mẹ tôi không phải lo tiền học phí của tôi nữa mà chú Bộ đội Biên phòng sẽ lo. 

Một khoảng thời gian sau, Bác Vượng (sau này tôi mới biết đó là Trung tướng Đỗ Danh Vượng, nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng) lên thăm gia đình tôi. Bác hỏi thăm tình hình học tập của tôi và sức khỏe của mẹ tôi. Bác nói "cố gắng lên nhé con, bác sẽ giúp đỡ con". Câu nói đó giống như quả núi trước nhà mà tôi được tựa vào. Tôi học điên cuồng, bất kể ngày đêm. 

Đến cuối năm lớp 11, tôi ôn thi đại học quyết định thi tổ hợp xét tuyển Toán, Hóa, Sinh. Tôi dành dụm mua thêm sách để học thêm và học ngày, học đêm. Buổi tối, ngồi học bài, tôi mệt quá ngủ quên, tỉnh chị lại học tiếp. Lúc dậy cũng chẳng biết bao nhiêu giờ, vì nhà không có đồng hồ. Có hôm học đến khi trời sáng, mọi người bắt đầu dậy, tôi lại chuẩn bị để đi học trên lớp. Cứ như thế ròng rã cả năm trời đến khi còn khoảng một tháng để thi, tôi xuống thành phố Cao Bằng ôn thi. Số tiền các chú Biên phòng cho, tôi dành nộp học phí. Tôi ăn nhờ và ở nhờ nhà họ hàng. 

Tôi khủng hoảng khi đi ôn thi vì những gì tôi biết rất ít ỏi so với các bạn ở thành phố. Thấy các bạn luyện giải đề trong 60 phút còn tôi lúi húi mãi không xong một nửa. Thế là tôi sợ, tôi lại học nhiều hơn, ngủ ít hơn. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia kết thúc, tôi lăn ra ngất. Đến bệnh viện, bác sĩ nói tôi lao lực quá độ nên bị ngất.

Kết quả là tôi đỗ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Có thông báo, tôi vui lắm, nhưng mẹ tôi khóc. Lúc ấy, tôi chưa hiểu tại sao mẹ lại khóc trước tin vui. Thực ra là mẹ tôi lo quá phát khóc, vì mẹ biết chả lấy tiền đâu ra cho tôi ăn học. Tôi thì mơ mộng, tôi nghĩ nếu tôi đỗ đại học, tôi vừa đi học, vừa đi làm, và bây giờ cũng có nhiều chính sách để cho sinh viên vay tiền nên tôi sẽ quyết tâm đi học. 

Từ khi bác Vượng biết tôi, bác hay liên lạc với tôi. Tôi cũng hay hỏi thăm bác mỗi lễ tết. Bác hỏi thăm việc học tập và động viên tôi cố gắng học hành. Bác tư vấn cho tôi chọn trường. Khi có kết quả thi đại học, tôi gọi cho bác. Bác chúc mừng tôi và nói: "con cứ đi học đi, bác sẽ giúp". Tôi vỡ òa vì hạnh phúc mọi nút thắt, lo lắng được giải quyết. Dù chương trình "Nâng bước em đến trường" chỉ hỗ trợ học sinh nghèo biên giới đến hết lớp 12, nhưng bác Vượng đã nhận đỡ đầu tôi đi tiếp trên con đường đại học.

Khi xuống Hà Nội học, đó là lần đầu tiên tôi xa nhà. Các cô chú Biên phòng đón tôi ở bến xe và đưa về trường. Lúc xe đi cả đêm tới bến xe Mỹ Đình, tôi nghe tiếng hỏi bên ngoài: Có em Thu từ Cao Bằng xuống không? Tôi trả lời "có" mà nước mắt tôi trào ra. Các cô chú mặc áo mưa mà ướt hết quần áo. Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm ấy - buổi sáng cho cuộc đời mới của tôi. Các cô chú Biên phòng đưa tôi đến chỗ thuê trọ, tới trường nộp học phí. Có cô còn cẩn thận đưa tôi đi một vòng từ nhà ở đến trường học bằng xe buýt để tôi biết đường đến trường. 

Từ đó, tôi cũng được quen biết nhiều cô chú Biên phòng hơn. Bác Vượng nghiêm khắc, kỷ luật, dặn tôi cố gắng học tập, không được đua đòi như các bạn khác. Các cô chú dạy nấu ăn, nữ công gia chánh, làm việc nhà, dạy cả tôi biết bật bếp ga, đi vệ sinh phải giật nước - điều mà sống ở quê tôi không biết được. Các cô chú dạy tôi biết lắng nghe, vâng lời, tự lập, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. 

Tôi dành nhiều thời gian cho việc học nhưng cảm nhận rõ ràng ước mơ của tôi đang dần được thực hiện. Tôi được nghiên cứu y học cả về y học hiện đại và y học cổ truyền vì tôi học chuyên ngành Y học Cổ truyền. Gặp 2 năm dịch COVID-19, tôi càng hiểu tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Tôi sẽ trở thành một bác sĩ. 

Tôi được các cô chú Biên phòng chăm sóc, không phải tôi đã lớn thêm bao nhiêu kg mà là cao thêm bao nhiêu về tư duy, về tri thức. Tôi đã biết nấu cơm ngon hơn, biết dùng bếp ga, biết nói dạ vâng, nói chuyện có chủ ngữ, biết kính trọng, tôn trọng người lớn hơn, biết lắng nghe hơn, ngoan ngoãn hơn, bớt bản năng hơn, không còn tự nhiên như cỏ dại.  

Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta là những viên ngọc quý, những bông hoa, phải tự tìm thấy giá trị và hương thơm của chính mình. Tôi đã suy nghĩ: "Mình không được chọn nơi sinh ra, nhưng mình được chọn con đường mình đi" để cố gắng học tập và làm việc. 

Công lao dạy dỗ của thầy cô giáo với một đứa trẻ phải lấy sự chăm chỉ, cố gắng bù lại sự chậm chạp, thông minh như tôi vô cùng lớn. Điều tôi nhận thấy là, chỉ cần tôi muốn học, ai cũng là thầy để tôi thu nạp kiến thức từ họ.

Tôi chỉ mong câu chuyện của tôi sẽ giúp cho các em gái dân tộc miền núi trên mọi miền đất nước có thêm động lực để cố gắng. Tôi biết ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng tôi, cảm ơn các cô chú Biên phòng đã nâng đỡ và dạy dỗ tôi. Tôi mãi nhớ quãng đời học trò và các thầy cô ở trường đã kèm cặp, truyền dạy "cái giỏi" của các thầy cô sang cho tôi. Hành trình các câu hỏi vì sao của tôi sẽ không dừng lại vì các thầy cô đã đặt nền móng cho nó. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sinh-vien-dam-thi-thu-dan-toc-tay-khat-vong-duoc-di-hoc-luon-chay-bong-trong-toi-179221116175045437.htm