Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây

14:35 - 02/02/2023

Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) là một bản Mông nằm bên sườn dãy núi Sơn Bạc Mây, ở mức 1400m so với mực nước biển. Vì sao nơi này được mệnh danh là địa đàng trong mây của Tây Bắc, nơi phải đến ít nhất một lần trong đời?

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 1.

Sin Suối Hồ quanh năm chìm trong mây, bên sườn dãy núi điệp trùng Hoàng Liên Sơn. Ảnh: TTH

Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh nói với tôi rằng đã có rất nhiều người ở nơi khác đến đây với ý định học tập mô hình làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, khi đến đây rồi, họ mới hiểu rằng Sin Suối Hồ độc đáo và riêng có, là giấc mơ không dễ biến thành hiện thực. 

Hiện nay, Lai Châu có tới 11 bản du lịch cộng đồng, trong đó Sin Suối Hồ xâ xôi cách trở nhất, tuy nhiên lại là nơi khao khát muốn đến nhất của những người ưa thích du lịch khám phá. 

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 2.

Sin Suối Hồ là bản Mông quần tụ hình thành hơn 300 năm qua trên núi, lưu giữ kỹ thuật làm lúa nước ruộng bậc thang lâu đời. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 3.

Sin Suối Hồ được tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng năm 2015. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - vườn địa đàng mơ ước

Nét độc đáo riêng có đầu tiên của Sin Suối Hồ là bản nhỏ chênh vênh sườn núi này chỉ có 135 hộ dân Công giáo toàn tòng. Trước đây, Sin Suối Hồ cũng giống như nhiều bản làng người dân tộc thiếu số khác, cầm cự bằng một vụ lúa ruộng bậc thang, dặm thêm vụ ngô, thảo quả, sơn tra và vài thứ sản vật từ rừng.

Cộng thêm nỗi cách trở xa xôi địa hình hiểm trở, những bản làng trên núi rất dễ rơi vào đói nghèo với cây trồng năng suất thấp, uống rượu "tràn cung mây", thậm chí là lao động chính trong làng rơi vào say sưa với chất gây nghiện, hoặc phải biệt xứ làm thuê... 

Sin Suối Hồ được vực dậy từ thay đổi nhận thức và niềm tin. Người Mông ở đây không hổ danh là những cây táo gai kiên cường của Sơn Bạc Mây. Họ có niềm tin tuyệt đối rằng miền đất hạnh phúc không cần phải đi tìm đâu xa, mà ngay dưới chân mình. Thay vì di cư tìm miền sống mới thì cải tạo, mang sự trù mật trở lại nơi mình đang ở. 

Việc này có công lớn của Mục sư Hạng A Sà, một thanh niên người Mông trẻ tuổi tháo vát và thông minh đã dẫn dắt ý chí của cả bản. Chính anh đưa bản Sin Suối Hồ thành bản du lịch cộng đồng bằng cách xây dựng một miền đất hạnh phúc giống như tưởng tượng. Một vườn địa đàng có thật – theo cách họ nói, và họ tưởng tượng ra từ việc đọc Kinh Thánh. 

Họ dựng những cánh cổng vào nhà mình y hệt cổng vườn địa đàng. Sin Suối Hồ được thiết kế lại theo hình xoáy trôn ốc. Chính giữa bản là chợ, nhà thờ, tỏa ra xung quanh là các đường bán kính dẫn vào các cụm nhà. Rất nhiều điểm dừng chân, các lầu ngắm núi, ngắm thung lũng mây, điểm vui chơi dành cho trẻ em. Bọc quanh làng là các con đường đi bộ lên thác, xuống ghềnh, đi ra vườn sơn tra, vườn lan... Những mê lối sạch sẽ, đầy hoa trái mang lại hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác dành cho khách du lịch. 

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 4.

Chính giữa bản Sin Suối Hồ là chợ, cũng là trung tâm thông tin cho khách du lịch, nơi có thể ngồi quây quần thưởng thức đặc sản Tây Bắc. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 5.

Một phụ nữ Mông ngồi thêu bên hiên nhà đầy nắng rất thân thiện khi tiếp xúc với khách du lịch. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 6.

Ngôi nhà thờ y hệt một ngôi nhà ở vách gỗ lợp lá rừng của người Mông ở Sin Suối Hồ. Ảnh: TTH

Hiện nay, các hộ dân Sin Suối Hồ đều trồng cây địa lan (giống lan trần mộng) mỗi sản xuất hơn 5 vạn chậu bán đi làm nguồn thu nhập chính. Họ nói rằng, vài năm trước đi rừng thấy cây lan này đẹp thì mang về trồng làm cảnh bên hiên nhà. Khách du lịch tới cứ đòi mua lại. Sau đó thì gây giống dần ra và mỗi năm bán mấy vạn cây. 

Vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành đầu năm 2021, một thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh đã có chuyến du lịch đến Sin Suối Hồ để học hỏi cách làm du lịch cộng đồng. Anh bị kẹt lại đây vì lệnh giãn cách, sau đó gặp cô gái Mông ở Sin Suối Hồ tên là Hạng Thị Sú và quyết định ở lại đây lập nghiệp. Chuyện tình của họ gây chú ý trên mạng xã hội và nhận được nhiều lời ca ngợi của giới trẻ. Hiện nay, họ có một quán cafe trên núi, bên hiên nhà mình rất hút khách du lịch. Chia sẻ về chuyện của mình, cặp vợ chồng này nói họ không muốn đi đâu ngoài Sin Suối Hồ

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 7.

Các điểm vui chơi dành cho trẻ em rất nhiều ở Sin Suối Hồ. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 8.

Chiếc cổng vào nhà do chủ nhà tự làm, tự đặt tên là "Con ong bay lượn" theo những giấc mơ về vườn địa đàng trong Kinh Thánh. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 9.

Cánh cổng hình vòm tuyệt đẹp ghép bằng gốc cây ở Sin Suối Hồ. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ - địa đàng trong mây- Ảnh 10.

Một chủ homstay ở Sin Suối Hồ xây dựng mô hình du lịch táo bạo - phòng nghỉ tổ chim giữa vườn sơn tra. Ảnh: TTH

Sin Suối Hồ hiện nay có Hợp tác xã Trái Tim điều hành toàn bộ việc kinh doanh du lịch. Khi có khách tới làng, các hộ dân tự sắp xếp lần lượt các homstay bố trí ăn ở đón tiếp. Và đón chỉ vừa đủ, thừa ra là từ chối phục vụ. Chính họ chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách chọn con em các gia đình ở bản, đầu tư kinh phí để học làm du lịch cộng đồng, học nghiệp vụ nấu ăn, buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch, hát Thánh ca, múa và sử dụng nhạc cụ dân tộc... để trở về làm du lịch ở bản.  

Tự làm nên địa đàng dưới chân mình - đó chính là trường hợp của Sin Suối Hồ. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sin-suoi-ho-dia-dang-trong-may-17923020214323981.htm