Sẽ xây dựng chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài
Sau hơn 4 năm (từ tháng 6/2017 đến 6/2022), số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào khu vực Nhà nước làm việc chỉ đạt 258 người.
Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài
Sáng 5/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Trả lời về vấn đền thu hút nhân tài làm việc ở khu vực công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về vấn đề này.
Tuy nhiên, triển khai từ năm 2018 đến nay, số lượng sinh viên xuất sắc, nhà khoa học thu hút được mới đạt 258 người, so với mục tiêu là 1.000. Trong đó, ở cấp trung ương thu hút được 130 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, còn lại ở địa phương.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ thừa nhận việc thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP còn hạn chế, dù đây là chính sách rất tốt. Theo bà, công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân, các đối tượng có thể tiếp cận được chính sách này còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, một số bộ ngành, địa phương chưa quyết tâm tuyển dụng các sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ theo tinh thần Nghị định 140 của Chính phủ.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Tài chính cũng là một trong những cơ quan quan tâm thu hút đối tượng theo Nghị định 140. Đối với Bộ Nội vụ, cơ quan này đã tổ chức tuyển dụng 2 lần, lần gần nhất vào cuối năm 2021, tuyển dụng được 7 sinh viên xuất sắc.
"Các cháu sinh viên làm việc tốt, tiếp cận công việc nhanh, đây thực sự là nguồn lực chất lượng cao, nổi trội. Chúng ta cần quan tâm đến các đối tượng này trong khu vực công nói chung"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết sẽ đánh giá toàn diện Nghị định 140. Cùng với đó xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài, Chính phủ sẽ sớm ban hành chiến lược này.
"Đề nghị các bộ ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn nữa cho thu hút nhân lực chất lượng cao. Chúng ta không thể so sánh với khu vực tư về việc thu hút nhân lực, nhưng chúng ta sẽ có những chính sách để tạo môi trường tốt nhất, có điều kiện để những người được tuyển dụng có cơ hội thể hiện năng lực, trình độ" - bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và cho biết Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định, cụ thể hóa chiến lược thu hút trọng dụng nhân tài với các chính sách đãi ngộ đặc thù, hấp dẫn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho rằng việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế, do tỉ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương. Trong khi các tỉnh miền núi biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. "Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới?"- đại biểu Hương chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo quyết định của Bộ Chính trị, các địa phương giảm 5% công chức và 10% viên chức cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Tuy nhiên, việc này có căn cứ vào đặc thù từng vùng miền.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh: "Chúng ta không cắt giảm biên chế viên chức mà giảm viên chức hưởng lương ngân sách. Các địa phương miền núi có khó khăn hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế để tháo gỡ". Trước mắt, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, các địa phương chấp hành theo quyết định của Bộ Chính trị.
TInh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng
Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất về vấn về lĩnh vực Nội vụ sáng ngày 5/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu về vấn đề tinh giản biên chế được nhiều đại biểu quan tâm.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đây cũng là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.
Riêng về giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cũng là bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/se-xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-179221105104113288.htm