Sẽ có Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội về khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc giữa Thành ủy Hà Nội với Hội Khuyến học Việt Nam vào ngày 11/7.
Tại Hội nghị, Hội Khuyến học Việt Nam và Thành ủy Hà Nội đã trao đổi tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư (khóa 13) về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa 10) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có các thành viên Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Công tác khuyến học – khuyến tài của Thủ đô đạt nhiều kết quả tốt
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện tốt Đề án 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Các sở, ban, ngành thành phố đã có sự phối hợp tích cực và đạt được những kết quả, thành tích tốt trong giai đoạn vừa qua, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô, góp phần hoàn thành các mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Các cấp, các ngành chủ động, tích cực và trách nhiệm trong thực tiễn triển khai các đề án thành phần. Bên cạnh đó, gắn việc xây dựng xã hội học tập với các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo của địa phương thông qua nhiều nội dung hoạt động, hình thức tuyên truyền, học tập ngày càng đa dạng, phong phú.
Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tính cấp thiết của công tác xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hà Nội đã đạt được những kết quả, thành tích tốt, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô.
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tỉ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỉ lệ 98,49%. Hà Nội có 579 trung tâm học tập cộng đồng. Các trung tâm đã đi vào hoạt động có nề nếp, nhiều trung tâm hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện tốt hơn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của nhân dân với nhiều chuyển đề, hình thức hoạt động phong phú, đổi mới, thiết thực, phù hợp.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức, quản lý tại trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm nhiều công việc và thường xuyên thay đổi do có sự điều động về nhân sự; công tác vận động, mở lớp xóa mù chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi còn gặp trở ngại do phần lớn người học phải tham gia lao động sản xuất, đi làm ăn xa hoặc mặc cảm về tuổi tác.
Đối với lao động đã qua đào tạo, người lao động vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Một số đơn vị doanh nghiệp chưa bố trí thời gian, kinh phí và hỗ trợ cho người lao động tích cực tham gia học tập.
Một bộ phận công chức, viên chức và người lao động chưa nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia học tập nên vẫn còn có tư tưởng ngại khó. Vì vậy, mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030 cần được ban hành để kịp thời triển khai trên địa bàn.
Gần 1,6 triệu người dân Hà Nội là hội viên hội khuyến học
Báo cáo công tác của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số đơn vị thành viên của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội là 60. Trong đó có 30 đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã và 30 đơn vị là trường đại học, cao đẳng.
579 hội khuyến học thuộc xã, phường, thị trấn; 6.585 số chi hội; 11.462 ban khuyến học. Tổng số hội viên là 1.589.425, chiếm 19.5% dân số toàn thành phố.
Hằng năm, kết quả các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" đều đạt và vượt chỉ tiêu định hướng của Trung ương Hội giao. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ gia đình học tập đạt 67,4%; tỉ lệ dòng họ học tập đạt 59%; tỉ lệ cộng đồng học tập đạt 77%; tỉ lệ đơn vị học tập đạt 89% (theo bộ tiêu chí mới).
Hội khuyến học thành phố Hà Nội thường xuyên làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyển, phát huy vai trò nòng cốt, liên kết phối hợp với các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội thực hiện nhiệm vụ khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hội đã có nhiều cố gắng nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài. Đến năm 2022, quỹ khuyến học các cấp hội toàn thành phố đạt trên 314 tỉ đồng, đạt bình quân 45.600 đồng/người dân. Từ đó, số người được trao học bổng trong năm đạt gần 600.000 suất với số tiền trên 138 tỉ đồng.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Hà Nội còn gặp một số hạn chế. Hoạt động của một số chi hội, ban khuyến học, hội cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới, chậm đại hội nhiệm kỳ.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng vận động xây dựng quỹ khuyến học song nguồn quỹ còn thấp so với tiềm năng của thành phố; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn nhiều khó khăn ở cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội kiến nghị đề xuất đưa các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (trong đó có hội khuyến học) thành một cụm thi đua thành phố.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết một số vướng mắc khó khăn của hội khuyến học cấp quận, huyện, thị xã.
Công tác khuyến học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết: "Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, trực tiếp là Thường vụ Thành ủy, sự điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trong thành phố đã triển khai nghiêm túc Kết luận của Trung ương, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hội Khuyến học thành phố Hà Nội từng bước được củng cố, tổ chức hội phát triển, hội viên ngày một tăng, đổi mới hơn trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền để triển khai phong trào học tập, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng trong từng gia đình, cộng đồng, tầng lớp nhân dân. Công tác khuyến học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.
Thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thì không chỉ tác động đến thành phố Hà Nội mà còn có ý nghĩa lớn với sự phát triển của cả nước. Vì ở đây tập trung nhiều cán bộ, đội ngũ khoa học, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, là trung tâm đào tạo khoa học lớn của cả nước", ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để hoạt động khuyến học - khuyến tài của thành phố Hà Nội phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đề nghị Thành ủy Hà Nội có Nghị quyết chuyên đề về công tác này.
Thứ hai, đề nghị xem xét lại giao hội khuyến học địa phương cho ngành nội vụ để quản lý về Nhà nước.
Thứ ba, thành lập cụm thi đua dành cho các hội chuyên ngành và giao Ban Tuyên giáo chỉ đạo, hướng dẫn nội dung.
Thứ tư, Hội Khuyến học Việt Nam là hội đặc thù, các chi hội khuyến học cũng là hội đặc thù. Do đó, đề nghị thành phố xem xét đưa các chi hội khuyến học chưa được xét là hội đặc thù trở thành hội đặc thù.
Thứ năm, đề nghị Bí thư chỉ đạo để đưa Hà Nội vào mạng lưới thành phố học tập của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO).
Thứ sáu, đề nghị lãnh đạo thành phố củng cố, phát triển ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập.
Hội nghị đã được nghe chia sẻ của lãnh đạo các sở của thành phố Hà Nội và đại biểu của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về những khó khăn về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố.
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đắc Quang
Hội Khuyến học Việt Nam là nòng cốt trong liên kết phối hợp thúc đẩy thực hiện xây dựng xã hội học tập
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan khẳng định muốn xây dựng xã hội học tập, khuyến học - khuyến tài, thúc đẩy học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt phải đảm bảo 3 yếu tố: cam kết của lãnh đạo các cấp về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; cam kết vận động nguồn kinh phí cho hội hoạt động; phải có sự tham gia của tất cả tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương.
Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập từ năm 1996, trên cơ sở đề nghị của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để thúc đẩy giáo dục thường xuyên, giáo dục không chính quy và phi chính quy. Hội hỗ trợ đắc lực cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác khuyến học.
Trong tất cả văn bản của Đảng và Nhà nước nêu rõ: Hội Khuyến học Việt Nam là nòng cốt trong liên kết phối hợp thúc đẩy thực hiện xây dựng xã hội học tập.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo nhiều của thành phố Hà Nội về khuyến học - khuyến tài nhưng thiếu căn cơ.
Để công tác khuyến học - khuyến tài của thành phố phát triển hơn nữa, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đề nghị thành phố Hà Nội cần có sự lãnh đạo thống nhất, có sự cam kết chính trị về khuyến học - khuyến tài bằng nghị quyết. Thứ hai, tăng cường lãnh đạo và quản lý Nhà nước đối với công tác khuyến học. Thứ ba, thống nhất về tổ chức bộ máy của hội khuyến học.
Tiếp theo, nghiên cứu lại vấn đề hội đặc thù cho đúng, thù lao, kinh phí cho hội hoạt động và kinh phí theo chương trình, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đề nghị thành phố Hà Nội thành lập quỹ khuyến học; nghiên cứu đưa hội khuyến học về đơn vị nào dễ quản lý phong trào thi đua; củng cố ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của thành phố. Cùng với đó, đưa thành phố vào mạng lưới thành phố học tập của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO).
Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác khuyến học – khuyến tài
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội luôn nhận thức được tầm quan trọng, dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Cụ thể hóa chương trình, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" đã xác định: "Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng "thế hệ trẻ sáng tạo"; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội".
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định sẽ lưu ý những kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, các ý kiến của lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, coi đây là những hạn chế tồn tại mà thành phố phải quan tâm, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Hà Nội xác định rõ công tác khuyến học - khuyến tài và xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng phải làm để có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định sẽ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về công tác khuyến học - khuyến tài và xây dựng xã hội học tập để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác này và phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.