Sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn sử dụng nền tảng số, xây dựng trung tâm chuyển đổi số tại các địa phương
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước quý 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các nền tảng số. Đồng thời thành lập trung tâm chuyển đổi số ở các tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ những khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số.
Dự kiến ban hành cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số trong tháng 9/2023
Tại Hội nghị, là người phụ trách trực tiếp các lĩnh vực bưu chính, chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số,..., Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu vấn đề chung ở các 63 sở Thông tin và Truyền thông hiện nay là thiếu người làm, chỉ có khoảng 1-2 nhân sự cho tất cả các lĩnh vực trên. Song song với đó là nhiều lĩnh vực mới, các cán bộ ở các sở Thông tin và Truyền thông chưa rõ nội hàm và chưa biết làm thế nào, do đó chưa phát huy được vai trò tham mưu của quản lý Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, có 2 giải pháp. Thứ nhất, lĩnh vực kinh tế số - xã hội số là việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Bộ đã cùng các sở Thông tin và Truyền thông lựa chọn 30 nền tảng số cung cấp các chức năng miễn phí cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xuất bản cuốn cẩm nang hướng dẫn từng người dân, hộ dân, làng xã có thể sử dụng 30 nền tảng số này. Như vậy, người dân có thể xây dựng hộ kinh doanh số, làng số, xã số ngay lập tức mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nguồn lực nào.
Dự kiến, cẩm nang sẽ được xuất bản trong tháng 9/2023. Theo đó, cán bộ các sở Thông tin và Truyền thông cùng với Tổ Công nghệ số cộng đồng, nguồn nhân lực xã hội hóa sẽ tuyên truyền, phổ biến cẩm nang hướng dẫn sử dụng 30 nền tảng số với chức năng cơ bản, miễn phí này đến người dân, hộ gia đình, làng, xã.
Thứ hai, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, để giải bài toán thiếu cán bộ quản lý Nhà nước tại các sở, sẽ triển khai các nền tảng số quản lý Nhà nước dùng chung trong toàn ngành. Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định 16 nền tảng số sẽ dùng chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước các lĩnh vực của Bộ.
Theo Thứ trưởng, khi có các nền tảng số hỗ trợ dùng chung trong toàn ngành chia sẻ tri thức chung, các cán bộ có thể thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các nền tảng này. Dự kiến, 16 nền tảng số sẽ được công bố, tập huấn cho các sở dùng trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2023.
Thành lập trung tâm chuyển đổi số tại các địa phương
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Chuyển đổi số đã đến lúc cần phải làm, triển khai, ứng dụng cụ thể, mạnh mẽ, phải nhìn, sờ thấy được. Giai đoạn nghị quyết, chiến lược, kế hoạch đã hoàn thành. Trung tâm chuyển đổi số sẽ giải quyết các vấn đề thực tiễn đang còn khó khăn, băn khoăn của địa phương".
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Chuyển đổi số Quốc gia hình thành một trung tâm chuyển đổi số mẫu ở một tỉnh trong tháng 10/2023, sau đó sẽ triển khai rộng rãi ở các tỉnh còn lại.
Trung tâm chuyển đổi số sẽ là nơi giới thiệu những giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp, nơi thể hiện lời giải cho những vấn đề khó khăn của các tỉnh trong triển khai chuyển đổi số. Trung tâm không chỉ giới thiệu giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện diện tại tỉnh mà cả các giải pháp xuất sắc của các doanh nghiệp công nghệ số trên toàn quốc. Nhiều sở có vị trí rộng có thể phối hợp với các doanh nghiệp để làm ngay Trung tâm chuyển đổi số này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Trung tâm chuyển đổi số là nơi các sở, ngành, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số có thể đến tham quan trực quan, tìm hiểu. Người Việt Nam có thói quen trực quan. Trung tâm chuyển đổi số của tỉnh/thành sẽ là một sức mạnh của các sở Thông tin và Truyền thông”.
Về kết quả chuyển đổi số thời gian qua, tính đến ngày 4/9/2023, 63/63 tỉnh, thành phố cả nước đã thành lập 76.905 Tổ Công nghệ số cộng đồng và 356.914 thành viên tham gia Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.
Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà được khai trương từ đầu tháng 5/2022, tính đến 04/9/2023 đã có 18,053 triệu lượt truy cập.
100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 (22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0).
- Số bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về chuyển đổi số: 5/22 bộ, ngành; 63/63 địa phương.
- 100% bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
- 100% bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố).
Về Chính phủ số, tháng 8/2023, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình/tổng số dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình: 93,65%; tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến: 54,03%; tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 52,49%
Về kinh tế số, xã hội số, tỉ trọng kinh tế số/GDP Quý 2 năm 2023 ước tính đạt 15,26%, tỷ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%.
Tổng số lượng tải mới ứng dụng di động tháng 7/2023 đạt 339 triệu lượt, tăng 3% so với cùng kỳ tháng trước. Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về tổng số lượt tải mới, chiếm gần 2,5% tổng số lượt tải toàn cầu. Tổng thời lượng người dùng điện thoại thông minh dành để truy cập các ứng dụng Việt Nam đạt khoảng 7,65 giờ/tháng/thuê bao, tổng số tài khoản hoạt động trên các ứng dụng di động Việt Nam đạt gần 500 triệu tài khoản.