Sau 18 năm, cậu bé H'Mông mồ côi cả cha mẹ, ông bà, bây giờ ra sao?
18 năm về trước khi lặn lội vào bản Háng Tầu cứu trợ và "bắt" Thào A Khay về thành phố đi học, nhìn thấy cháu mà tâm trí chúng tôi rối bời, thương cảm. Chúng tôi từng tự vấn: không biết tương lai của đứa bé mồ côi cả cha mẹ, ông bà, sẽ ra sao?
Thào A Khay về quê nhà đón Xuân Quý Mão
Mấy chục năm làm báo tôi đã đến nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của đồng bào bị thiên tai tàn phá. Nhưng, có lẽ đợt cứu trợ đồng bào ở tỉnh Yên Bái bị bão lũ tàn phá năm 2005 luôn ám ảnh tôi đến tận hôm nay.
Nhớ lại, khoảng trung tuần tháng 9/2005, trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian 9 ngày, địa phương này phải gánh chịu 2 cơn bão số 7 và số 8 kéo theo 2 trận lũ ống và lũ quét. Khốc liệt nhất là trận lũ quét đêm 27/9/2005 trải rộng trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Thiệt hại do trận lũ quét vô cùng nặng nề. Trận lũ quét đã cướp đi hơn 60 sinh mạng, tàn phá hàng ngàn ha hoa màu, cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn gia súc gia cầm. Cảnh tang thương bao trùm những làng bản, xóm thôn mà cơn lũ đi qua. Chỉ tính riêng xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) đã có 23 người thiệt mạng, 350 hộ mất hết tài sản, 165 hộ bị trôi, sập nhà cửa, 355 hộ mất hết ruộng vườn, hoa màu, người dân hầu như không còn gì để ăn trước mắt cũng như lâu dài…
Trước những thiệt hại vô cùng nặng nề của người dân, Báo Thanh Niên đã kêu gọi bạn đọc bằng tấm lòng của mình chung tay, góp sức chia sẻ, giúp đỡ bà con Yên Bái trong cơn hoạn nạn. Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, trường học… đã gửi tiền, hàng hóa qua báo để kịp thời cứu trợ.
Đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên không quản khó khăn, gian khổ đi đến trận nơi động viên, chia sẻ và trao tận tay tiền, hàng cho các gia đình có người thân bị trận lũ quét cướp đi sinh mạng. Có thể nói, 60 gia đình có người thân ra đi vĩnh viễn, hoàn cảnh nào cũng vô cùng khó khăn và rất thương tâm. Trong đó, gia cảnh bé Thào A Khay (dân tộc H'Mông) ở bản Háng Tầu, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu thương tâm nhất. Chưa tròn 6 tuổi, chưa biết nói tiếng phổ thông, nhưng đã mất cả cha mẹ, ông bà, bé Thào A Khay như con thú con yếu ớt, ngơ ngác giữa rừng sâu. Đoàn cứu trợ chúng tôi leo ngược con dốc Lụ gần như thẳng đứng mất gần 3 giờ đồng hồ (từ Uỷ ban Nhân dân xã Túc Đán lên bản Háng Tầu) vào cứu trợ 7 gia đình có người thiệt mạng, gặp được cậu của Thào A Khay là Lý A Tu (đã có vợ và đang học tại Trường nội trú huyện Trạm Tấu). Lý A Tu cho biết: "Thằng Khay nó cứ ngơ ngác cả ngày rồi hỏi tôi, cha mẹ, ông bà đâu? Tôi phải nói dối nó rằng cha mẹ cháu cùng ông bà đi làm nương chưa về"! Nhìn ngôi nhà như túp lều đứng chơ vơ trên núi nơi Thào A Khay tá túc sau cơn lũ, chúng tôi không ai cầm được nước mắt!
Sau đợt cứu trợ, qua Báo Thanh Niên biết được hoàn cảnh thương tâm của Thào A Khay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, trường học mong muốn được đỡ đầu nuôi Thào A Khay ăn học. Với sự hỗ trợ của những cá nhân, đơn vị hảo tâm, Báo Thanh Niên quyết định đưa Thào A Khay về Trường Trung học phổ thông dân lập Thanh Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) để nhà trường nuôi, dạy Khay học hết lớp 12.
Sau khi bàn bạc và được hỗ trợ rất tích cực của các ngành chức năng tỉnh Yên Bái, mà trực tiếp là Bí thư tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh Trà (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trạm Tấu Hoàng Thị Vĩnh (nay là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái), nhà báo Lê Đình Phiên (Báo Yên Bái), Bí thư huyện đoàn Quyền Đình Hiếu,... tất cả các thủ tục giấy tờ để đưa Khay vào Thành phố Hồ Chí Minh ăn học đã hoàn tất.
Ngày đón Thào A Khay là ngà đặc biệt. Bà con, học hàng tiễn cháu ra tận quốc lộ để cháu lên xe về Hà Nội. Bí thư huyện đoàn Trạm Tấu Quyền Đình Hiếu cùng đi và là "phiên dịch" giúp Thào A Khay suốt thời gian từ Trạm Tấu đến Trường Trung học phổ thông dân lập Thanh Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thào A Khay đã vào trường ăn ở, học hành trong vòng tay yêu thương của các thầy cô. Nhưng điều làm nhà trường lo lắng nhất là làm sao để dạy Thào A Khay biết nói tiếng phổ thông thành công khi mà "phiên dịch viên" Quyền Đình Hiếu- Bí thư huyện đoàn Trạm Tấu, đã về lại Yên Bái!
Nhưng với chuyên môn và tình yêu trẻ của các cô bảo mẫu và thầy cô trong trường, Thào A Khay được dạy tiếng phổ thông, bắt đầu từ những chữ đơn giản nhất. Tranh thủ ngày nghỉ các cô dẫn Khay đi chơi, cho Khay đến các tiệm bán đồ chơi trẻ em. Thấy Khay cứ quanh quẩn với mấy con trâu, bò, ngựa bằng nhựa, thế là các cô cầm từng con nói rồi yêu cầu Khay phải nói theo tên gọi chúng. Cứ thế, bằng đồ chơi trẻ nhỏ, các cô vừa cho Khay chơi vừa dạy Khay nói từng tên gọi các con vật, tiến tới phát âm ô tô, máy bay, nồi niêu, xoong chậu... Cứ thế, ngày qua tháng lại suốt một năm trời bằng tình yêu con trẻ và kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, các thầy cô trong trường kiên trì dạy để Thào A Khay nói được tiếng phổ thông…
Học xong năm thứ nhất tiếng phổ thông, Thào A Khay bắt đầu học tiểu học rồi trung học cơ sở. Khay học tập rất tiến bộ, đặc biệt học tiếng Anh khá tốt. Được thầy cô và các bạn yêu thương chăm sóc, Thào A Khay dần dần hết mặc cảm, tự ti, nên rất chăm lo học tập và tham gia các hoạt động tập thể. Học hết bậc trung học cơ sở, Thào A Khay bước vào năm học đầu tiên của bậc trung học phổ thông. Do tự tin và cố gắng trong rèn luyện học tập, Thào A Khay trưởng thành nhanh chóng. Năm lớp 11 và 12, Khay được bầu làm lớp trưởng. Kết thúc năm học cuối cùng bậc trung học phổ thông, năm 2019 Thào A Khay thi đỗ vào Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Chăm chỉ học tập, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội, Thào A Khay liên tục 3 năm đạt danh hiệu sinh viên giỏi và đảm đương trách nhiệm là cán bộ lớp. Hiện nay Khay đang học năm cuối đại học, cháu vừa học vừa tranh thủ làm thêm để trang trải chi tiêu và học tập…
Thật bất ngờ, ngày 8/1/2023 mới đây, tôi nhận được tin nhắn của Thào A Khay: "Con chào bác ạ. Thứ Hai (ngày 9//2023) con ra ngoài Hà Nội, có gì con ghé thăm bác được không ạ?". Tôi thực sự xúc động và lập tức gọi điện cho Thào A Khay hỏi thăm sức khỏe và giờ bay của Khay. Vì công việc tôi không có mặt ở nhà nên cung cấp các thông tin cần thiết cũng như số máy điện thoại của vợ tôi để Khay thuận tiện liên lạc.
Chiều tối 9/1/2023, từ Sân bay Nội Bài, Thào A Khay đón xe rồi tìm đến nhà tôi. Vợ tôi làm sẵn cơm chờ đón Khay về trong niềm vui như đón người thân lâu ngày gặp lại. Khi tôi bận công việc ở xa không về được, vợ tôi điện cho biết: "Bây giờ Khay trưởng thành, chững chạc lắm. Đó là một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô, ngoan, hiền và chăm học. 3 ngày ở nhà ta, con vẫn học online đều đặn. Khi em nấu cơm, nó còn bảo, bác có cần con trợ giúp gì không…?".
Quả thật, 18 năm về trước khi lặn lội vào bản Háng Tầu cứu trợ và "bắt" Thào A Khay về thành phố đi học, nhìn cháu mà tâm trí chúng tôi rối bời, thương cảm. Chúng tôi từng tự hỏi: không biết tương lai của đứa bé mồ côi cả cha mẹ, ông bà, sẽ ra sao? Nhưng rất may, cuộc đời này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, còn nhiều tấm lòng thơm thảo giúp đỡ những số phận từ đau thương, tuyệt vọng vươn lên. Mà trong trường hợp Thào A Khay, đại diện những cơ quan, đơn vị, trường học, các thầy cô Trường Trung học phổ thông dân lập Thanh Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), bạn đọc, cán bộ, phóng viên và người lao động của Báo Thanh Niên là những người có tấm lòng thơm thảo, nhân văn.
Xuân Quý Mão 2023 này, Thào A Khay đã 23 tuổi và chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Tương lai của Khay đang rộng mở. Tin rằng, chàng trai người dân tộc H'Mông bằng nghị lực và ham học hỏi của mình sẽ tiến bộ, chững chạc hơn nữa, và sẽ trở thành người có ích cho bản thân và xã hội…Tin rằng, cháu bé H'Mong như con thú con yếu ớt, ngơ ngác giữa rừng sâu năm xưa và chàng sinh viên người H'Mong chững chạc, tự tin ngày hôm nay là minh chứng thuyết phục nhất về những điều tốt đẹp của cuộc đời.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sau-23-nam-cau-be-hmong-mo-coi-ca-cha-me-ong-ba-bay-gio-ra-sao-179230131163439507.htm