Sáng tạo là lẽ sống
Người có đầu óc tư duy sáng tạo thường có tác phong và phương thức hoạt động như thế nào? Làm thế nào để nhận ra họ?
Bản chất cao quý của sáng tạo
Sáng tạo (Creativity) là quá trình tạo ra cái mới, hình thành ý tưởng mới, tìm ra cách làm mới để làm ra một sản phẩm vật chất hoặc tinh thần mang tính độc đáo.
Chí ít thì sự sáng tạo cũng phải cho ra sản phẩm có điểm khác biệt nào đó với các sản phẩm đã từng có. Đỉnh cao của sự sáng tạo là đem lại một sản phẩm giá trị cao, độc nhất vô nhị, có tác dụng tích cực đến đời sống xã hội.
Trong xã hội, sáng tạo là một phẩm chất quan trọng, một việc làm mang ý nghĩa với đời sống để con người khẳng định nhân cách của mình, xác định vị thế cái Tôi riêng biệt, độc lập, không phụ thuộc vào người khác, không lặp lại bất cứ ai, không là cái bóng của người nào đấy.
Người lao động trong xã hội nông nghiệp ít được học hành, do đó thiếu đi tính sáng tạo trong lao động sản xuất. Xã hội nông nghiệp ì ạch trong từng bước đi. Hơn 10.000 năm khai thác đất để sống, người làm nông lâu lâu mới cải tiến được chút ít về cách vỡ đất trồng cây. Người ta cần đến cả nghìn năm mới chuyển đổi cách cuốc đất sang việc dùng ngựa hay bò để kéo cày. Người ta cũng phải trải qua hàng nghìn năm để tiến từ cách sát học thóc bằng viên đá sang dùng cối xay lúa.
Andre Dazin, một thành viên của Câu lạc bộ Roma đã nói rằng: "Trong xã hội nông nghiệp, muốn biết trồng trọt thì đi theo một lão nông, còn muốn thành một người thợ thì tìm học một bác thợ cả."
Điều này rất đúng với hoàn cảnh nông nghiệp lạc hậu ở Việt Nam. Ngày xưa, để làm một thợ mộc, chàng trai phải đi theo ông phó mộc già. Công việc "sáng dũa cưa, trưa mài đục" và quẩy gánh đồ nghề theo thầy đến đóng bàn ghế, rửa mái nhà, làm chuồng lợn trong các xóm thôn… có khi cả chục năm mới vỗ về làm một sản phẩm mộc nào đấy.
Thiếu tri thức cần thiết, lại học hỏi lao động bằng phương thức truyền nghề, con người phải mất cả chục năm mới có năng lực tái tạo lại sản phẩm mà người đi trước làm ra. Họ cố bắt chước cách làm các sản phẩm. Vì thế, tay nghề của họ được đánh giá bằng kết quả của sự bắt chước, làm theo khuôn mẫu. Có lẽ tư duy giáo điều có nguồn gốc từ sự bắt chước rập khuôn như thế này.
Ngày nay, con người phải qua trường đào tạo để có nghề, nhưng sau khi có nghề trong tay, họ không làm ra sản phẩm mang tính khác biệt so với những sản phẩm cùng loại đã có thì chắc chắn sẽ không sống nổi bởi không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, người lao động buộc phải làm khác người khác.
Muốn lập thân, lập nghiệp phải có tinh thần khởi tạo doanh nghiệp (khởi nghiệp - Entrepreneurship), mà cốt lõi là làm ra cái mới khác biệt, không khác biệt sẽ thất bại.
Sáng tạo đã trở thành lẽ sống - bắt đầu từ tư duy
Tư duy sáng tạo được hiểu là việc tìm ra được những biện pháp hay những giải pháp phù hợp khêu gợi sự sáng tạo thông qua quá trình suy nghĩ. Xét từ góc độ Tâm lý học, tư duy sáng tạo là sự vận động trí tuệ của một cá nhân trên nền tảng những khái niệm mới để tìm ra một lời giải cho việc tạo ra một sản phẩm mới.
Xét từ góc độ lao động theo nhóm, khi nhận nhiệm vụ chung, mỗi thành viên cùng nhau thảo luận, chia sẻ tri thức, tìm ra một giải pháp mới mà nhờ đó, tập thể có được những sản phẩm mang chất lượng mới, kiểu dáng mới, giá trị mới. Người ta thường nói đó là khả năng tư duy của nhóm người (hay của tập thể) trong một việc làm chung.
Cơ chế tâm lý của tư duy sáng tạo là não bộ tiếp nhận những thông tin trước một tình huống có vấn đề, định ra những giả thuyết khác nhau rồi vận dụng những kiến thức, những khái niệm đã học để giải quyết bài toán. Trong quá trình giải bài toán thực tế, người ta phải kiểm tra kết quả của từng khâu đã thực hiện, phân tích kết quả và bổ sung những kiến thức mới để giải quyết, cho đến khi tìm ra được giải pháp tối ưu.
Người có đầu óc tư duy sáng tạo thường có tác phong và phương thức hoạt động với mấy đặc điểm sau đây:
Làm khác đi cái đã làm
Nhà Tâm lý học về hành vi con người – ông Peter Hollins – cho rằng, những người có xu hướng tìm tòi cái mới luôn muốn được vượt ra khỏi "vùng an toàn" (vùng đã ổn định đối với đời sống) nhờ mô thức tư duy tăng trưởng (Growth Mindset) hay còn gọi là tư duy cầu tiến.
Ngược lại với người này là những con người ngại thay đổi, làm việc theo thói quen thường ngày, không dám bước ra "vùng an toàn" của mình. Loại người này thường không bao giờ đạt kết quả tốt hoặc xuất sắc trong công việc, thậm chí còn tụt hậu.
Người có tư duy sáng tạo không tuân theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Họ luôn nghĩ đến việc tạo ra những sản phẩm tốt hơn nữa, tìm ra cách làm hợp lý hơn nữa, tìm ra những hướng đi mới không chỉ để nâng cao khả năng thích ứng với cái mới mà còn để kiến tạo cái mới, bảo đảm công việc phát triển và phát triển bền vững.
Làm tốt hơn cái đã làm
Đây là vấn đề cơ bản trong việc làm khác cái đã làm. Với sản phẩm đã làm, ta không thể giữ mãi sự bằng lòng về nó, mà phải làm cho nó khác đi về hình dáng, mẫu mã, màu sắc, kích thước…, mà quan trọng hơn là làm cho nó có nhiều tiện ích hơn, chất lượng cao hơn, bền đẹp hơn, hiện đại hơn, dễ sử dụng hơn, dễ bảo quản hơn… Tóm lại, sản phẩm mới phải tốt hơn.
Muốn làm tốt hơn cái đã làm, cần nhất là phải tích lũy tri thức để sản phẩm mới có hàm lượng chất xám cao hơn. Mặt khác, lại phải có sự đầu tư vào công nghệ mới vào việc làm ra sản phẩm (Thực ra, đầu tư vào công nghệ cũng là đầu tư tri thức). Làm tốt cái đang làm, tức là làm tốt hơn cái đã làm, vừa để cá nhân có thêm kinh nghiệm, vừa để công việc sẽ bền vững hơn. Làm tốt hơn là một văn hóa lao động.
Làm nhanh hơn cái đã làm trước đó
Cùng làm một sản phẩm, nhưng so với trước đây, người có năng lực sáng tạo không chỉ làm tốt hơn, mà còn làm nhanh điều đang làm. Điều này có nghĩa là đã sáng tạo ra cách làm để nâng cao năng suất lao động, đồng thời có điều kiện chiếm lĩnh thị trường nhanh hơn.
Trước đây, trong kinh doanh, người ta thường nói đến nguyên tắc "Cá lớn nuốt cá bé". Ngày nay trong điều kiện phát triển Internet và hệ thống truyền thông, người ta lại rút ra một nguyên tắc cạnh tranh khác, đó là "Cá nhanh ăn cá chậm". Chậm sẽ mất cơ hội, là không chớp kịp thời cơ và để người khác nhanh hơn có lợi thế cạnh tranh hơn mình.
Làm nhanh là việc làm đòi hỏi chủ thể hoạt động rất nhạy bén trong tư duy, sớm phát hiện vấn đề, ứng dụng nhanh những công nghệ phù hợp. Và nói cho cùng, không cập nhật nhanh tri thức mới thì không bao giờ nhanh hơn người khác.
Làm trước cái người khác cũng định làm
Với một sản phẩm mới chưa từng có, một số người cùng lúc có kế hoạch thực hiện. Ai làm trước cái sẽ làm sẽ là người có lợi thế nhất.
Người đi trước luôn hiểu rằng, sẽ có nhiều người muốn vượt mình trong việc làm ra cái mà mình vượt họ. Họ sẽ cải tiến, bổ sung hàm lượng trí tuệ vào sản phẩm mà ta vượt họ, hoặc họ sẽ tìm một hướng đi khác, một loại sản phẩm khác, chất lượng khác, mẫu mã khác, tác dụng khác.
Vì vậy, khi đã đi trước được nhiều người cũng không quên nguyên tắc "làm khác trước", "làm nhanh hơn trước", "làm tốt hơn trước", và tiếp tục đi trước khi bắt gặp một xu thế mới, một nhu cầu mới của thị trường.
Làm hơn cái muốn làm
Làm hơn cái muốn làm thể hiện tinh thần cống hiến của mình. Ngay lúc có ý tưởng, việc thử nghiệm không chỉ dừng lại khi thành công lần đầu, mà vẫn có thể phải tiếp tục nhiều phương án trong gia công vào sản phẩm. Một bài toán có nhiều đáp số, sớm thỏa mãn với việc tìm ra một đáp số mà quên câu hỏi nó còn có đáp số khác hay không cũng là một sai sót. Mặt khác, bài toán có một đáp số, ta tìm ra cách giải, nhưng đừng vội thỏa mãn. Hãy suy nghĩ xem có cách giải nào hay hơn không.
Bùi Quang Tuyến – tác giả của cuốn sách "Hành trình tri thức thời Kinh tế số" cho rằng, "Làm hơn cái muốn làm" là yếu tố cốt lõi nhất, và đưa ra công thức: Làm hơn = Làm khác + Làm nhanh + Làm tốt + Làm trước
Những yếu tố cần thiết để phát triển tư duy sáng tạo
Để trong hoạt động có những sáng tạo, không phải là việc dễ dàng đối với mọi người, nhưng trong thực tiễn, bất cứ lao động trong lĩnh vực nào ta cũng thấy có những người rất sáng tạo. Các nhà khoa học đúc kết công việc của mình, đã rút ra mấy yếu tố sau đây, mà thiếu chúng, ta không thể có sáng kiến, phát minh, đổi mới được. Đó là:
1. Sự hứng thú với công việc đang đảm nhiệm
Trong công tác hướng nghiệp, nhà tư vấn bao giờ cũng tìm hiểu xem, người chọn nghề có hứng thú với nghề định chọn hay không. Lao động với một công việc mà ta không thích thì thường gây nên sự chán nản.
Aleksey Maksimovich Peshkov (Maksim Gorky) – Đại văn hào Nga – cho rằng, một việc gì đơn giản đến đâu, nếu hứng thú với nó, người ta cũng sẽ làm cho nó trở nên sáng tạo.
2. Có trí tưởng tượng phong phú
Người lưu trữ được nhiều hình ảnh trong cuộc sống sẽ tạo nên cho bản thân một kho tàng những biểu tượng trong đầu óc. Sự lắp ghép các biểu tượng theo một cấu trúc khác sẽ cho ta một hình ảnh mới chưa từng có. Sáng tạo chính là việc tạo ra những hình ảnh mới đó.
Con Kỳ lân (con nghê) mà ta thường thấy các nghệ nhân gắn nó trên chiếc đỉnh đồng là con vật không có thật. Nó là một linh vật mà nghệ nhân tạo ra do sự lắp ghép đầu của con sư tử, có sừng trên đỉnh đầu như sừng tê giác, thân nó giống như thân con báo nhưng lại đầy các vẩy như vẩy cá v.v… Nó là biểu tượng mới, tượng trưng cho một sinh vật đầy uy lực.
Những cuốn tiểu thuyết, các bộ phim viễn tưởng, những bản nhạc đi cùng năm tháng, những bức tranh trong nhà thờ về các thánh, thần, sự trang trí tinh vi trên màn hình điện thoại di động… tất cả đều là sản phẩm của tư duy sáng tạo.
3. Sự kiên trì mục đích và lòng say mê công việc
Một sản phẩm khoa học, một tác phẩm văn học, một bản nhạc giao hưởng, một chiếc điện thoại thông minh… tất cả đều là kết quả của tư duy sáng tạo. Những kết quả đó bao giờ cũng xuất phát từ một ý tưởng, tiếp theo đó là sự tích lũy tư liệu, sự tham khảo kinh nghiệm liên quan, và rồi đến khâu thử nghiệm, chế tạo. Công việc không thể tính bằng tuần lễ, lại càng không thể tính bằng ngày được.
Có thi sĩ viết xong một áng thơ bất hủ qua một đêm thức trắng, song bài thơ đó đâu phải là sáng tác đột xuất trong một đêm, mà trong tiềm thức của nhà thơ, ý tứ trong đó đã được nung nấu, ấp ủ qua không ít thời gian.
Trong nghiên cứu khoa học cũng như trong chế tạo các công cụ, máy móc kỹ thuật, công việc thường kéo dài nhiều ngày, nhiều năm tháng. Người ta thường mô tả ngắn gọn công việc đó là "việc làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Không kiên trì theo đuổi mục đích, không nản lòng, dồn hết tâm trí cho công việc mới gặt hái được những sản phẩm sáng tạo.
4. Sự giàu có về tri thức
Trên thế giới, mọi sản phẩm đều có nguồn gốc từ tri thức. Muốn sáng tạo, trước tiên phải tích lũy tri thức. Tri thức cần tích lũy có trong các kho tư liệu của nhân loại, có trong kinh nghiệm của từng cá nhân hoặc của cả cộng đồng xã hội, có trong từng việc làm cụ thể. Càng tích lũy tri thức thì càng thuận lợi hơn trong sáng tạo.
Không một sự sáng tạo nào chỉ sử dụng một loại tri thức, mà bao giờ cũng cần đến những tri thức tổng hợp.
Để đưa một ca khúc lên sân khấu, đâu có phải chỉ cần tìm đến một ca sĩ có chất giọng và phong cách phù hợp với ca khúc đó. Nó còn phụ thuộc vào kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, cách bài trí sân khấu, và người dẫn chương trình.
Vì thế, tri thức tổng hợp là cần thiết, nhưng cũng cần phải hiểu rằng, tri thức tổng hợp ấy không phải trong bộ óc của một người, mà là tri thức của một nhóm người hợp tác với nhau. Đó là hướng phát triển cho sự sáng tạo trong xã hội hiện đại.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sang-tao-la-le-song-179240218150252104.htm