Sáng kiến “chia sẻ nhân viên” mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Trung Quốc
Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đang tham gia sáng kiến "chia sẻ nhân viên", nhằm phân bổ nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp một cách sáng tạo và tối ưu nhất.
Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cho nhiều doanh nghiệp trên thế giới và tại Trung Quốc bị đình trệ sản xuất phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, hiện nay, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, một số công ty đang dần trở lại hoạt động bình thường lại gặp khó khăn về thiếu hụt nhân sự. Để ứng phó với tình trạng này, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đang tham gia sáng kiến "chia sẻ nhân viên", nhằm phân bổ nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp một cách sáng tạo và tối ưu nhất.
Sáng kiến "chia sẻ nhân viên" cho phép những công ty ở Trung Quốc đang thiếu nguồn nhân lực, được phép sử dụng các lao động đang phải chờ việc ở những doanh nghiệp khác.
Những công ty tham gia vào mạng lưới này thường là các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc các nền tảng thương mại điện tử, hoặc các nhà máy, dây chuyền sản xuất, với tổng số nhân viên trong diện trao đổi lên tới hơn 1 nghìn người. Anh Liu Libing, nhân viên của một nhà máy sản xuất cánh quạt gió, vốn phải ở nhà do công ty vẫn chưa hoạt động hết công suất trở lại, nhưng nhờ có sáng kiến "chia sẻ nhân viên", anh vẫn có thể làm việc tại một nhà máy sản xuất máy điều hòa đang thiếu nhân lực trong thời gian chờ đợi này.
Anh Liu Libing chia sẻ: Tôi kiếm được hơn 6 nghìn nhân dân tệ một tháng ở công ty đang thuê mình, cộng với 1 nghìn tiền phúc lợi từ nhà máy cũ. Như vậy tổng cộng là khoảng gần 8 nghìn tệ một chút, cao hơn hẳn so với mức lương trước đây khi đại dịch vừa bùng phát.
Hay anh Xie Min, cũng đang tạm thời làm việc tại nhà máy sản xuất điều hòa, cho biết: Bằng cách tham gia sáng kiến "chia sẻ nhân viên", thu nhập của gia đình tôi tăng lên trông thấy. Trong khi đó, tôi cũng học được thêm nhiều kỹ năng làm việc mới. Chúng tôi đã thu được nhiều lợi ích đáng kể từ chương trình này.
Ý tưởng "chia sẻ nhân viên" thực tế đã xuất hiện từ giai đoạn đầu khi dịch COVID-19 xảy ra. Khi làn sóng dịch đầu tiên tạm lắng xuống tại Trung Quốc, chuỗi siêu thị Hema Xiansheng thuộc Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, nhà bán lẻ Suning, siêu thị Carrefour, đã bắt đầu thuê lại nhân viên từ các nhà hàng đã đóng cửa hoặc chưa mở cửa trở lại hoàn toàn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hoạt động này mới chỉ thực hiện theo hình thức nhỏ lẻ, và thường là sự trao đổi riêng giữa các công ty với nhau, do đó gây ra nhiều lo ngại về việc đảm bảo quyền lao động của người dân.
Hiện nay, sáng kiến "chia sẻ nhân viên" đã được thực hiện rộng rãi hơn, và nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Các công ty tham gia sáng kiến đều làm rõ trách nhiệm đóng phí bảo hiểm và các quyền lợi khác thuộc về công ty cũ, nhưng tiền lương sẽ do chủ lao động tạm thời chi trả. Trong khi đó, bộ phận nhân sự địa phương sẽ thực hiện các cuộc khảo sát về nhu cầu việc làm, thu thập dữ liệu về lý lịch của nhân viên và quản lý số lao động này, từ đó hỗ trợ các công ty phân bổ nhân lực hợp lý.
Theo ông Yu Hongjian, giám đốc Phòng Nhân sự và An sinh xã hội thành phố Ninh Hương, Trung Quốc, sáng kiến "chia sẻ nhân viên" khi được triển khai sâu rộng, có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Bằng cách này, chúng ta đạt được mục tiêu ba bên cùng có lợi. Trong đó, người lao động được đi làm và tăng thu nhập, người sử dụng lao động sẽ không mất công nhân lành nghề, và các ngành công nghiệp cũng có thể phục hồi và tiếp tục phát triển ổn định.
Thời gian này, các doanh nghiệp vẫn chưa muốn tuyển mới do các hạn chế đi lại, nhằm phòng tránh dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương hơn. Do đó, sáng kiến "chia sẻ nhân viên" là một giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo thu nhập cơ bản cho người lao động, vừa giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân công tạm thời tại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc./.