Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6, 7 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có kiến thức chưa chuẩn
Các giáo viên phản ánh trong quá trình giảng dạy, họ nhận thấy một số kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6, 7, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chưa chuẩn.
Trong quá trình dạy, một giáo viên dạy Lịch sử ở tỉnh Hải Dương cho biết, phân môn Lịch sử trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6, 7 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) có một số kiến thức chưa chuẩn.
Bà Triệu tên thật là gì?
Phần Lịch sử lớp 6, Bài 16 - Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu giành độc lập trước thế kỉ X, phần Em có biết (trang 73), có nội dung như sau:
"Bà Triệu (còn gọi là Triệu Thị Trinh) quê ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Năm 23 tuổi, bà lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Khi ra trận, bà thường cưỡi voi, khí thế rất oai phong, lẫm liệt. Quân Ngô từng gọi bà là "Lệ Hải Bà Vương" và truyền nhau câu nói:
Vung tay đánh cọp xem còn dễ
Đối diện Bà Vương mới khó sao."
Giáo viên dạy Lịch sử nêu quan điểm, lẽ ra sách giáo khoa phải viết "Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh" - chứ không phải là "còn gọi là Triệu Thị Trinh". Hoặc sách giáo khoa cũng có thể viết cách khác như: "Triệu Thị Trinh còn gọi là Bà Triệu" thì mới chính xác.
Bài viết tham khảo khác: "Bà Triệu - Dấu ấn khởi nghĩa trên vùng đất xứ Thanh" có nội dung: "Năm 226, vùng đất sơn thủy hữu tình này đã chứng kiến sự ra đời của người con gái mang tên Triệu Thị Trinh hay còn gọi là Triệu Trinh Nương, để rồi sau này trở thành vị liệt nữ làm rạng danh quê hương, đất nước."
Viết hoa, viết thường tùy tiện trong sách giáo khoa
Giáo viên dạy đến phần Lịch sử lớp 6, Bài 18 - Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X, nội dung 1 - Họ Khúc và họ Dương dựng quyền tự chủ (trang 82, 83), thì học sinh thắc mắc: "Tại sao tiết độ sứ của họ Khúc không viết hoa, còn Tiết độ sứ của họ Dương lại viết hoa?"
Cụ thể, sách giáo khoa viết: "... Nhân cơ hội đó, giữa năm 905, một hào trưởng địa phương ở Hải Dương là Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy đánh chiếm thành Đại La, lật đổ chính quyền đô hộ rồi xưng là tiết độ sứ, xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt. Và "Cuộc kháng chiến thắng lợi, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục xây dựng nền tự chủ nước nhà".
Tiết độ sứ lúc viết hoa, lúc viết thường tuỳ tiện trong sách giáo khoa.
Cần biết thêm, "Tiết độ sứ ban đầu là chức võ quan cai quản quân sự một phiên trấn có nguồn gốc vào thời nhà Đường, Trung Quốc khoảng năm 710-711 nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Dần dần theo dòng thời gian, Tiết độ sứ kiêm quản hành chính, tài chính địa phương và cuối cùng trở thành lãnh chúa cha truyền con nối."
Làm sao đặt ra được các quan?
Phần Lịch sử lớp 7, Bài 17 - Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), nội dung 2 - Tình hình kinh tế xã hội, sách giáo khoa viết: "Nhà Lê sơ đặc biệt coi trọng và khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đặt ra các quan chuyên trách như: Khuyến nông sứ, Hà đê sứ, Đồn điền sứ,..." (Trang 85).
Giáo viên nêu ý kiến, lẽ ra sách giáo khoa phải viết "đặt ra các chức quan", chứ làm sao mà đặt ra được các quan (nguyên văn trong sách: đặt ra các quan).
Rất mong tác giả sách và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam quan tâm rà soát, chỉnh sửa những sai sót trong các cuốn sách giáo khoa này.