Rút ngắn thời gian thực hành khám chữa bệnh - điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Một trong số những nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2024) là rút ngắn thời gian thực hành khám chữa bệnh, kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề đối với bác sĩ... Tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này, Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ 92 thủ tục hành chính.
Theo thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành. Nhiều nội dung mới, quan trọng trong triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2023.
Rút ngắn thời gian thực hành khám chữa bệnh của bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y
Thời gian thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh đã được rút ngắn. Cụ thể như sau: Thời gian thực hành đối với bác sĩ từ 18 tháng rút xuống còn 12 tháng; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y từ 9-12 tháng rút xuống còn 6-9 tháng, quy định cụ thể nội dung thực hành.
Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ 1/1/2027 đối với bác sĩ, từ 1/1/2028 đối với y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Với 3 chức danh hành nghề mới bao gồm: dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng đã được quy định cụ thể về thực hành, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép hành nghề để thực hiện cấp giấy phép hành nghề từ 1/1/2024, tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ 1/1/2029 theo lộ trình của Luật
Giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đối tượng thuộc diện cấp giấy phép hành nghề sẽ được cấp phép mà không phải qua kiểm tra đánh giá năng lực. Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề trước đây không phải kiểm tra đánh giá năng lực theo quy định của Luật.
Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Đối với cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu…
Điều kiện kinh doanh, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hoạt động cũng được đơn giản hoá. Cụ thể, bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật, không bắt buộc xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã trong sơ yếu lý lịch.
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh lưu động đã được quy định chi tiết. Đặc biệt, điều kiện, danh mục bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa một điểm mới trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được cụ thể hoá.
Xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế dựa theo năng lực
Điểm nổi bật trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP là xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học.
Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật không phụ thuộc vào cấp hành chính mà căn cứ vào năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định liên quan đến đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là căn cứ pháp lý cho việc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc từng dịch vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho việc áp dụng, thừa nhận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc nước ngoài, ra đời các tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Rút gọn quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới
Thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, theo quy định của Luật, chỉ có kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới mới được xem là kỹ thuật mới, phương pháp mới.
Trước đó, ngoài 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới nêu trên thì Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 còn quy định kỹ thuật mới, phương pháp mới đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, theo quy định mới, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật lần đầu tiên tại cơ sở đó, nếu không thuộc nhóm kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng trên thế giới hay tại Việt Nam thì chỉ áp dụng thủ tục bổ sung danh mục kỹ thuật hoặc áp dụng quy định về chuyển giao kỹ thuật, các quy trình đã được đơn giản hoá so với quy định trước đây.
Bổ sung quy định mới nhằm tháo gỡ bất cập đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch COVID-19
Một trong số những nội dung đã được bổ sung vào Luật và Nghị định mới là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp.
Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hóa Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới, thử nghiệm lâm sàng thiết bị y tế cũng được cụ thể hoá, tạo hành lang pháp lý cho việc đưa các kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế mới vào Việt Nam hoặc được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam có quy trình, hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, áp dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới được ban hành trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm.
Trước đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được thông qua vào ngày 9/1/2023 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Quốc hội giao Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan xây dựng nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh Nghị định số 96/2023/NĐ-CP do Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư quy định cụ thể một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 27, 28, 30, 32, 34) nhằm cụ thể hóa một số nội dung do Luật giao.
Các quy định liên quan đến phạm vi hành nghề, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hoạt động của nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế thuộc đơn vị, cơ quan, tổ chức, nội dung thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức và hoạt động của hội đồng chuyên môn trong giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, quy định mẫu hồ sơ bệnh án.
Theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn đã giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc đối với người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế huy động trong phòng chống dịch, vấn đề xã hội hoá, giá dịch vụ và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế dự kiến sẽ bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, ban hành 34 thủ tục hành chính mới, 3 thủ tục hành chính thay thế để thực hiện Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ.