Rủi ro an ninh mạng đe dọa trẻ em và những điều cha mẹ cần biết

19:20 - 25/01/2024

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, trẻ em làm quen với thế giới số ngày càng sớm hơn. Cùng với đó, các chiến lược được tội phạm mạng sử dụng để nhắm mục tiêu và khai thác người dùng Internet trẻ tuổi ngày càng tinh vi và nguy hiểm, rủi ro trực tuyến rình rập các em cũng tăng theo.

Rủi ro an ninh mạng đe dọa trẻ em và những điều cha mẹ cần biết - Ảnh 1.

Cha mẹ cần làm gì để hạn chế bảo đảm an ninh mạng, tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn cho con mình? Ảnh: Kaspersky

Theo các chuyên gia của Kaspersky, việc bảo vệ trẻ em khỏi các mối đe dọa an ninh mạng cần có các biện pháp chủ động từ phía phụ huynh. Bằng cách luôn cập nhật về các mối đe dọa mới nhất và tích cực theo dõi các hoạt động trực tuyến của con mình, cha mẹ có thể tạo ra một môi trường mạng an toàn hơn cho con mình. 

Điều quan trọng là cha mẹ phải trao đổi cởi mở với con mình về những rủi ro tiềm ẩn mà chúng có thể gặp phải trên mạng và thực thi các hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho con trước các mối đe dọa trực tuyến trong thời đại kỹ thuật số. 

Dưới đây là những vấn đề an ninh mạng đối với trẻ em các bậc phụ huynh cần lưu tâm trong năm 2024:

Các mối đe dọa an ninh mạng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI)

AI đang là xu hướng toàn cầu và nó cũng khơi gợi sự quan tâm và tò mò của trẻ em. Các em nhỏ có thể sử dụng các công cụ AI để làm bài tập về nhà hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện với các chatbot hỗ trợ AI. 

Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, khoảng 80% thanh thiếu niên tham gia cuộc khảo sát khẳng định rằng chúng tương tác với AI nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, các ứng dụng AI có thể gây ra nhiều rủi ro cho người dùng trẻ như mất quyền riêng tư dữ liệu, các mối đe dọa mạng và nội dung không phù hợp.

Với sự phát triển của AI, nhiều ứng dụng ít được biết đến đã xuất hiện với những tính năng tưởng chừng vô hại như tải ảnh lên để nhận phiên bản sửa đổi theo phong cách anime. Tuy nhiên, khi tải hình ảnh lên các ứng dụng như vậy, người dùng sẽ không bao giờ biết ảnh của họ cuối cùng sẽ được lưu trữ ở cơ sở dữ liệu nào hoặc liệu chúng có được sử dụng vào mục đích khác hay không.

Vì vậy, điều cần thiết là phải sử dụng các ứng dụng này thận trọng và đảm bảo không có thông tin cá nhân nào có thể nhận dạng danh tính của trẻ - như tên, kết hợp với địa chỉ hoặc dữ liệu nhạy cảm tương tự - trong các bức ảnh được tải lên. Phụ huynh cũng có thể cân nhắc việc tránh cho các con sử dụng những ứng dụng đó.

  • Bảo vệ trẻ em trước những cạm bẫy trực tuyến, tạo dựng môi trường mạng an toàn

    Ngăn chặn nguy cơ an ninh mạng nhắm đến trẻ em, tạo dựng môi trường mạng an toànĐỌC NGAY

Thêm vào đó, các ứng dụng AI - đặc biệt là chatbot - có thể dễ dàng cung cấp nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Điều này gây ra rủi ro an ninh mạng cao hơn vì thanh thiếu niên có thể cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ thông tin cá nhân với chatbot so với những người quen ngoài đời thực của họ, bằng chứng là các trường hợp chatbot đưa ra lời khuyên về cách che giấu mùi rượu cho người dùng tự xưng là 15 tuổi. Ở mức độ thậm chí còn không phù hợp hơn, có vô số chatbot AI được thiết kế đặc biệt để mang lại trải nghiệm "khiêu dâm". Đây là rủi ro an ninh mạng nguy hiểm vì một số trẻ có thể chọn cách nói dối về tuổi của mình trong khi các ứng dụng cũng không khắt khe trong việc kiểm tra chính xác tuổi của người dùng.

Ước tính chỉ riêng trên Facebook Messenger đã có hơn 300.000 chatbot đang hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả chúng đều an toàn. 

Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là phụ huynh phải thảo luận với trẻ về tầm quan trọng của quyền riêng tư và sự nguy hiểm của việc chia sẻ quá mức, cũng như thường xuyên nói chuyện với trẻ về trải nghiệm trực tuyến của chúng. 

Cha mẹ cũng nên thiết lập mối quan hệ tin cậy với con cái để đảm bảo rằng chúng cảm thấy thoải mái khi xin lời khuyên từ phụ huynh thay vì tìm đến chatbot để được hướng dẫn.

Các mối đe dọa an ninh mạng tấn công game thủ trẻ

Theo thống kê, 91% trẻ em ở Anh từ 3-15 tuổi chơi trò chơi điện tử trên các thiết bị thông minh. Thế giới trò chơi rộng lớn mở ra cho trẻ cũng khiến chúng dễ bị tội phạm mạng tấn công. Vào năm 2022, các giải pháp bảo mật của Kaspersky đã phát hiện hơn 7 triệu cuộc tấn công liên quan đến các trò chơi phổ biến dành cho trẻ em.

Điều làm dấy lên nhiều lo ngại hơn nữa là đôi khi trẻ em thích giao tiếp với người lạ trên nền tảng chơi game hơn là trên mạng xã hội. Trong một số trò chơi, trò chuyện thoại và văn bản không được kiểm duyệt tạo thành một phần quan trọng trong trải nghiệm của trẻ. Tội phạm có thể dụ dỗ, xây dựng lòng tin với trẻ qua mạng, sau đó đánh cắp thông tin cá nhân, gợi ý trẻ nhấp vào liên kết lừa đảo, hay thậm chí hướng dẫn trẻ thực hiện các nhiệm vụ hack - những hành vi vi phạm pháp luật.

An ninh mạng và các mối đe dọa liên quan đến xã hội vẫn là những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm trong việc chơi game của trẻ em. Cha mẹ phải luôn cảnh giác với hành vi của con mình và duy trì giao tiếp cởi mở để giải quyết mọi mối đe dọa tiềm ẩn. Việc xác định các nguy cơ bao gồm việc quan sát những thay đổi đột ngột trong thói quen chơi game của trẻ. 

Để giữ an toàn cho trẻ, ngăn chúng tải xuống các tệp độc hại trong quá trình trải nghiệm trò chơi điện tử, phụ huynh nên cài đặt giải pháp bảo mật đáng tin cậy trên tất cả các thiết bị của con mình.

Rủi ro an ninh mạng đe dọa trẻ em và những điều cha mẹ cần biết - Ảnh 3.

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, trẻ em làm quen với thế giới số ngày càng sớm hơn. Cùng với đó, rủi ro an ninh mạng rình rập các em cũng tăng theo. Ảnh: Kaspersky

Các mối đe dọa an ninh mạng liên quan đến tài chính đối với trẻ em

Ngày càng có nhiều ngân hàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chuyên dụng dành cho trẻ em, như thẻ ngân hàng cho trẻ từ 12 tuổi. Những dịch vụ này hỗ trợ phụ huynh giám sát chi tiêu của con mình, thiết lập giới hạn chi tiêu hàng ngày hoặc chuyển tiền từ xa cho con mình.

Tuy nhiên, khi được sử dụng thẻ ngân hàng, trẻ em có thể trở nên nhạy cảm với những kẻ đe dọa an ninh mạng có động cơ tài chính và dễ bị lừa nhập thông tin thẻ lên một trang web lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật tinh vi, tội phạm mạng có thể khai thác lòng tin của trẻ em bằng cách giả làm bạn bè của chúng và yêu cầu thông tin thẻ hoặc chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Khi công nghệ tài chính dành cho trẻ em tiếp tục phát triển, điều quan trọng là phải giáo dục trẻ em cả về kiến thức tài chính chứ không chỉ an ninh mạng. Để tránh việc trẻ bị mất thẻ hoặc chia sẻ thông tin ngân hàng, phụ huynh cần giải thích rõ với trẻ về cách sử dụng chúng an toàn.

Các mối đe dọa liên quan đến thiết bị nhà thông minh

Trong thế giới kết nối của chúng ta, ngày càng có nhiều vật dụng hàng ngày trở nên "thông minh" hơn bằng cách kết nối với Internet. Tuy nhiên, khi các thiết bị này trở nên phức tạp hơn, chúng cũng trở nên dễ bị tấn công mạng hơn. 

Số lượng thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT) được sử dụng trong hộ gia đình đang ngày càng tăng lên. Ví dụ, với thiết bị thông minh giám sát trẻ ở nhà một mình, tội phạm mạng có thể liên hệ với trẻ thông qua thiết bị và yêu cầu những thông tin nhạy cảm như tên, địa chỉ hoặc thậm chí số thẻ tín dụng của cha mẹ. Trong trường hợp này, ngoài việc hack thiết bị, các đối tượng xấu còn có thể tới tấn công trẻ trực tiếp.

Tuy nhiên, rất khó để hạn chế trẻ em sử dụng các thiết bị nhà thông minh nên trách nhiệm của phụ huynh là tối đa hóa tính bảo mật của các thiết bị này như điều chỉnh cài đặt bảo mật mặc định, đặt mật khẩu mạnh và giải thích các quy tắc an ninh mạng cơ bản cho trẻ em sử dụng thiết bị IoT.

Bảo đảm quyền riêng tư của trẻ

Khi trẻ trưởng thành, chúng phát triển khả năng tự nhận thức cao hơn, bao gồm hiểu biết về không gian cá nhân, quyền riêng tư và dữ liệu nhạy cảm, cả ngoại tuyến và trong các hoạt động trực tuyến của chúng. Khả năng tiếp cận Internet ngày càng tăng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều trẻ em có xu hướng nhận thức được điều này. Do đó, khi cha mẹ quá nghiêm khắc và kiểm soát chặt chẽ các thiết bị của con mình, không phải mọi trẻ em đều bình tĩnh chấp nhận.

Do đó, các bậc cha mẹ cần có kỹ năng thảo luận về vấn đề an ninh mạng và trải nghiệm trực tuyến của con mình, đồng thời tôn trọng không gian riêng của trẻ. Điều này liên quan đến việc thiết lập các ranh giới và kỳ vọng rõ ràng, thảo luận lý do sử dụng các quyền kiểm soát ứng dụng đối với trẻ. 

Bên cạnh đó, việc kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh các hạn chế cũng nên được thực hiện khi trẻ trưởng thành hơn và nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ bản thân. 

Cảnh giác với các ứng dụng giả mạo độc hại

Nếu một ứng dụng không có sẵn tại khu vực sinh sống của trẻ, chúng có thể bắt đầu tìm kiếm một ứng dụng thay thế, nhưng đây có thể là một bản sao độc hại. Ngay cả khi trẻ tìm kiếm trong cửa hàng ứng dụng chính thức như Google Play, chúng vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. 

Từ năm 2020 đến năm 2022, các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã phát hiện hơn 190 ứng dụng bị nhiễm mã độc Trojan Harly trên Google Play, khiến người dùng đăng ký các dịch vụ phải trả phí mà không hề hay biết.

Đây là lý do vì sao việc phụ huynh và trẻ em cần phải nắm vững các nguyên tắc cơ bản về an ninh mạng. Khi có ý định tải một ứng dụng, điều quan trọng là phải chú ý đến các quyền mà ứng dụng yêu cầu khi cài đặt, ví dụ như quyền truy cập vào vị trí hoặc danh sách liên hệ của bạn.

Khảo sát gần đây của Kaspersky về trẻ em và an ninh mạng cho thấy:

- 73% thanh thiếu niên không thể tưởng tượng cuộc sống không có điện thoại thông minh và một nửa trong số họ mang điện thoại đi ngủ.

- 44% trẻ em từ 8 đến 16 tuổi trực tuyến liên tục, ưu tiên các ứng dụng giải trí và mạng xã hội.

- 40% trẻ em tiết lộ thông tin nhạy cảm trên mạng, bao gồm cả địa chỉ nhà.

- Có đến 1/3 thanh niên nói dối về tuổi của mình trên mạng.

- 37% trẻ em từng gặp phải những mối nguy hiểm trực tuyến, bao gồm bắt nạt, đe dọa tài chính và nội dung không phù hợp.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/rui-ro-an-ninh-mang-de-doa-tre-em-va-nhung-dieu-cha-me-can-biet-179240125161949593.htm