Roi đánh tham nhũng, giơ cao đánh mạnh
Công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta, giơ cao đánh mạnh. Tại sao vẫn còn tình trạng cán bộ, Đảng viên không thấy "sợ" bị "cái roi đánh tội tham nhũng"?
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội chỉ trong vòng 3 năm đã có 2 giám đốc là Nguyễn Nhật Cảm và Trương Quang Việt bị bắt và xử lý vi phạm pháp luật do có liên quan đến các gói thầu y tế. Trong lúc toàn dân bị ảnh hưởng, đời sống kinh tế - xã hội bị gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19 thì họ liên tục tham nhũng. Người trước, lợi dụng mua sắm nâng khống giá thành vật tư y tế, xử phạt 10 năm tù. Người sau, lợi dụng "nước sôi lửa bỏng" nhận tiền "hoa hồng" từ mua sắm vật tư sinh phẩm kit test nhanh coi đó là số tiền đương nhiên tư túi.
Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta có từ rất sớm. Sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa 8, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đến Hội nghị Trung ương 3 khóa 10 đã ra Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Ngày 29/7/2006, Đảng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban. Ngày 1/2/2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập do Tổng Bí thư làm trưởng ban.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã đưa nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng được phát hiện, xử lý. Đặc biệt, những năm gần đây, việc chống tham nhũng, tiêu cực đã thật sự lấy lại niềm tin trong nhân dân khi khẳng định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" xử lý rất nhiều cán bộ cấp cao, từ Ủy viên Bộ Chính trị cho đến Ủy viên Trung ương; một loạt tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội, công an sai phạm cũng đưa ra xử lý. Gần nhất, Ban chấp hành Trung ương đã ra quyết định khai trừ 2 Ủy viên Trung ương ra khỏi Đảng.
Chủ trương của Đảng "kiên quyết" loại trừ tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, làm trong sạch nội bộ Đảng là rất "mạnh tay", không có "vùng cấm", "quân pháp bất vị thân". Tuy nhiên, chủ trương của Đảng sáng rõ như thế nhưng việc "đánh" tham nhũng cứ đánh, còn cán bộ "tham nhũng" cứ tham nhũng, như "chưa hề có chuyện xảy ra". Một vấn đề đặt ra: Tại sao lại xảy ra tình trạng cán bộ, Đảng viên không thấy "sợ" bị "cái roi đánh tội tham nhũng"?
Những cán bộ tham nhũng thực chất đã tự đánh mất bản lĩnh, chính trị tư tưởng, bản chất giai cấp của Đảng. Hay nói cách khác là "tha hóa" về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Họ là những cá nhân "cơ hội", vào Đảng nhằm mục đích có "cơ hội vơ vét" làm giàu cho bản thân và gia đình, không quan tâm đến mục tiêu lý tưởng đã từng giơ nắm tay thề khi đứng vào hàng ngũ những người cộng sản.
Mặt khác, đó chính là hiện tượng tha hóa quyền lực có hai phía. Một là từ chính các cá nhân đó, khi được giao vị trí đảm nhiệm, tự cho mình quyền "tối cao". Phần nữa do chính công tác tổ chức, thanh, kiểm tra của tổ chức Đảng, chính quyền buông lỏng kiểm soát quyền lực cá nhân khi được giao, tạo sơ hở cho thao túng.
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để chống được tham nhũng. Làm sao để cán bộ trong bộ máy không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. Đảng, Nhà nước cần có chế độ bảo đảm thỏa đáng để cán bộ không cần tham nhũng?
Muốn thế phải kiên quyết giảm nhẹ bộ máy "hưởng lương" cồng kềnh, thậm chí khoán lương và theo nhiệm kỳ. Còn nếu "tăng", người "đứng đầu" tự lo. Hết nhiệm kỳ, ai làm tốt thì tiếp tục, ai không tốt, thải loại. Người kế nhiệm tự lựa chọn ai ở, ai đi. Tránh tình trạng hiện nay, vào biên chế là "yên tâm", sáng cắp ô đi tối cắp ô về, "việc để đấy" nay chưa làm thì mai làm, "chưa chết ai", hết tháng nhận lương.
Do quỹ lương giới hạn, đồng lương thấp, thế là "xoay" ra tìm cách tham nhũng. Ngân sách như "cái túi" ai thò tay vào cũng được, miễn là khôn khéo biết cách lách luật. Việc tiếp theo, tất cả mọi hoạt động, chi tiêu đều công khai minh bạch (tất nhiên là ngoại trừ các bí mật quốc gia) để cán bộ không thể tham nhũng. Và cuối cùng là khi vi phạm tham nhũng, xử phạt kiên quyết, nghiêm minh, tịch thu tài sản có được từ tham nhũng để không dám tham nhũng. Hiện nay, cái roi đánh tham nhũng đã "đập ruồi", nhưng còn phải đập mạnh nữa, triệt tiêu tâm lý "hy sinh đời bố củng cố đời con", hạ cánh an toàn, nghỉ hưu xong là ôm đống "của nả" tham nhũng được chuồn khỏi cơ quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Vào Đảng là để cống hiến chứ không phải để làm giàu. Muốn giàu, xin mời ra ngoài làm nhà doanh nghiệp, nhà buôn. Đất nước còn khó khăn, còn nghèo, cán bộ phải gương mẫu, chấp nhận hy sinh, như ngày mới thành lập Đảng. Các Đảng viên sẵn sàng chấp nhận hy sinh để cách mạng giành thắng lợi. Bác Hồ cũng từng dạy: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân".
Chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Vẫn biết đây là cuộc đấu tranh lâu dài và phải có chiến lược, không thể ngày một ngày hai. Song, nếu không làm kiên quyết, triệt để, nghị quyết đấu tranh chống tham nhũng cứ ra, quán triệt cứ quán triệt, hướng dẫn cứ hướng dẫn, học tập cứ học tập, tổ chức cứ tổ chức nhưng thực hiện không phải "tôi", không phải cán bộ. Và khi đó, "căn bệnh tham nhũng" không phải "như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu", nó sẽ "đục" vào sâu bên trong, ẩn nấp ở "lục phủ ngũ tạng", tinh vi hơn, khôn khéo hơn để không bị phát hiện.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/roi-danh-tham-nhung-gio-cao-danh-manh-17922061709151871.htm