Rác thải "tấn công" vịnh Hạ Long
Trong khi đang dồn lực khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra, tỉnh Quảng Ninh lại phải đối mặt với tình trạng rác thải lớn đang "tấn công" vịnh Hạ Long.
Rác thải trôi giạt vào vịnh Hạ Long nhiều nhất từ trước tới nay
Bão số 3 quét qua để lại hậu quả nặng nề cho Quảng Ninh, hàng loạt tàu du lịch bị chìm, nhiều nhà đổ sập, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trắng tay, hàng trăm cột điện gãy đổ đến nay nhiều khu vực vẫn chưa có điện trở lại…
Toàn tỉnh Quảng Ninh đang dồn lực để khắc phục hậu quả, hàng loạt các giải pháp căn cơ được đưa ra để sớm ổn định tình hình. Thế nhưng, khó lại chồng khó khi tỉnh này phải đối mặt với tình trạng một lượng lớn rác thải đang trôi giạt về vịnh Hạ Long.
Theo ghi nhận của phóng viên Công dân và Khuyến học, sau bão Yagi, các vật dụng như tre, phao, xốp... từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân ở huyện Vân Đồn, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên... bị bão đánh tan đã trôi dạt tự do trên mặt biển và trở thành "mối đe dọa" đối với vịnh Hạ Long.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, lượng rác trôi dạt mặc dù chưa định lượng được nhưng có thể nói là nhiều nhất từ trước tới nay trên vịnh Hạ Long.
Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, lượng rác trên chủ yếu là phao xốp, lồng bè bị vỡ, cây, cành lá cây từ khu vực ven bờ, các đảo đá trên vịnh Hạ Long… gây ra tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan vịnh Hạ Long.
Để khắc phục sự cố trên, theo Ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ phải chia các giai đoạn và nhiệm vụ ưu tiên.
Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải xử lý toàn bộ lượng rác thải đang phát tán ở khu vực đón khách du lịch bao gồm các điểm du lịch và điểm trải nghiệm của khách.
Sau đó là xử lý lượng rác thải trôi dạt vào ven bờ, đặc biệt ven bờ thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn.
Cũng theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, sau khi đã xử lý các điểm ưu tiên sẽ tập trung làm sạch rác ở vùng lõi và vùng đệm vịnh Hạ Long nhất là trong các chân đảo, các bãi cát. Hiện nay ở những khu vực này cũng đang tồn đọng lượng rác tương đối lớn. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn rác theo thủy triều phát tán ra vịnh gây ảnh hưởng đến các điểm tham quan.
Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, sẽ nỗ lực, cố gắng để thực hiện việc thu gom, xử lý toàn bộ rác thải trên vùng lõi và vùng đệm của vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên việc thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long sau bão số 3 cũng gặp khó khăn, cần có phương tiện thu gom rác công suất lớn, tốc độ nhanh. Thực tế, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tham khảo ở nhiều địa phương trong nước, thậm chí cả các mô hình, mẫu hình trên thế giới nhưng do đặc thù của vịnh Hạ Long việc nghiên cứu, tìm hiểu cách thức, biện pháp cũng như phương tiện thu gom phù hợp phải kỹ lưỡng. Vì vậy qua tham khảo hiện chưa có phương tiện phù hợp.
Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long cùng Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu nghiêm túc, tổng thể để có đề xuất, giải pháp như một công trình khoa học cấp tỉnh, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, về lâu dài đối với các nguồn phát tán rác nguy cơ đe dọa vịnh Hạ Long như rác từ sông Cửa Lục, rác từ các đô thị giáp ranh vịnh như thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên, các điểm nuôi trồng thủy sản, các hệ thống nước thải ven bờ đổ xuống vịnh chắc chắn sẽ phải có giải pháp rất tổng thể, xử lý triệt để. Đó là các giải pháp căn cơ lâu dài, đòi hỏi có các biện pháp xử lý hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị thông tin báo chí thường kỳ ngày 24/9, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, ngay sau khi bão đi qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động triển khai các giải pháp khắc phục, huy động cán bộ, nhân viên trong đơn vị, phối hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn tổ chức thu gom, xử lý rác thải.
Từ ngày 14/9 đến ngày 23/9/2024, đã huy động 1.127 lượt người, trên 300 lượt phương tiện thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên Vịnh.
Tuy nhiên, hiện nay với lượng rác thải trên Vịnh bao gồm các loại bè mảng, tre nứa, phao xốp từ các khu vực nuôi trồng thủy sản, trong bờ, tuyến sông, vùng biển của các địa phương lân cận phát tán ra Vịnh Hạ Long rất lớn gây tổn hại đến hình ảnh di sản; trong khi đó, lực lượng của Ban Quản lý Vịnh mỏng, thiếu các phương tiện chuyên nghiệp nên hiệu quả không cao. Về lâu dài cần có giải pháp mang tính đột phá, chuyên nghiệp hơn để xử lý triệt để tình trạng này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/rac-thai-tan-cong-vinh-ha-long-179240925100731192.htm