Quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Sáng 17/2, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Động thái này thể hiện quyết tâm của Chính phủ sẽ giúp thị trường bất động sản vượt qua các khó khăn, vướng mắc để phục hồi trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi trong một bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đời sống nhân dân, an sinh xã hội được bảo đảm.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết. Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.
Điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời, giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí, quyết tâm để xử lý các vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc. Chúng ta không hoang mang, dao động, lo sợ trước mọi khó khăn, thách thức, biến độn, nhưng đồng thời cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?
Trước đó, Chính phủ yêu cầu các đơn vị bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, Ngành liên quan triển khai các cuộc họp lắng nghe, thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua. Nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra và tổng hợp đề xuất Thủ tướng để có thể khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Các Bộ trưởng tham gia hiến kế
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản lần này, Thủ tướng sẽ lắng nghe các báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp. Đồng thời, các ý kiến của các chuyên gia trong tổ tư vấn, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hòa Bình, Contecon... cũng sẽ góp ý, hiến kế để tìm giải pháp.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo chung về tình hình thị trường bất động sản, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản; ảnh hưởng của thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán đến thị trường bất động sản, các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về các khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai đặc biệt là các vướng mắc trong việc giao đất, tính tiền sử dụng đất ảnh hưởng đến triển khai các dự án bất động sản và đề xuất giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu.
Bộ Tư pháp sẽ cho ý kiến về giải pháp hoàn thiện thể chế và nội dụng đề xuất Nghị quyết Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Nhà ở xã hội.
Các ngân hàng lớn đồng loạt vào cuộc
Ngành Ngân hàng có các đại diện bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV cùng với 2 ngân hàng tư nhân là Techcombank và VPBank cũng có mặt tham gia trao đổi thảo luận.
Được biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ có báo cáo về các khó khăn, vướng mắc hiện tại liên, từ đó đề xuất giải pháp tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, Thống đốc sẽ cho ý kiến về đề xuất triển khai thực hiện gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Được biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quyet-tam-thao-go-kho-khan-cho-thi-truong-bat-dong-san-179230217085232373.htm