Quy trình 7 bước ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ văn bộ Cánh Diều, lưu ý giáo viên về kĩ năng ôn luyện và quy trình ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025.
Những điểm kế thừa và đổi mới của đề thi năm 2025
- Điểm kế thừa: đánh giá kĩ năng đọc và viết; ngữ liệu phần đọc hiểu: văn bản ngoài sách giáo khoa; viết nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
- Điểm đổi mới: câu hỏi đọc hiểu: bám sát theo đặc trưng thể loại; nghị luận văn học: văn bản ngoài sách giáo khoa, cách hỏi không áp đặt; chống học thuộc lòng và chép văn mẫu.
Định dạng cấu trúc đề thi năm 2025
Hình thức: tự luận; thời gian: 120 phút; nội dung gồm 2 phần: Đọc hiểu văn bản (1 trong 3 loại văn bản: văn học, nghị luận, thông tin và Viết (nghị luận xã hội và nghị luận văn học).
Quy trình thiết kế đề thi
Bước 1: Xác định mục tiêu và yêu cầu đánh giá.
Mục tiêu: đánh giá năng lực đọc và viết. Yêu cầu: tuân thủ yêu cầu cần đạt đã nêu trong Chương trình môn Ngữ văn 2018, chủ yếu lớp 12.
Bước 2: Lập ma trận, cấu trúc đề.
Đọc hiểu văn bản (4 điểm): văn học, nghị luận, thông tin. Viết (6 điểm): nghị luận xã hội và nghị luận văn học (bài và đoạn), cách xác định:
- Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội/văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn, nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn.
- Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản văn học/văn bản nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết bài văn, nghị luận văn học yêu cầu viết đoạn văn.
- Lưu ý: trong Viết có đọc hiểu và 3 mức độ tư duy (biết, hiểu, vận dụng).
Bước 3. Lựa chọn và xử lí ngữ liệu.
1. Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu:
- Không trùng lặp với đoạn trích/văn bản đã học trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
- Đúng loại/thể loại, chủ yếu là các loại/ thể loại đã học ở lớp 12.
- Chứa đựng các yếu tố tiêu biểu cho loại/thể loại cần đánh giá.
- Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lí của học sinh.
- Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ, phản ánh được các thành tựu tiêu biểu của văn học dân tộc ở các giai đoạn khác nhau.
- Có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát... (Tính tư tưởng, tính giáo dục, tính thẩm mĩ...)
- Hợp lí về dung lượng (độ dài ngữ liệu); hạn chế dùng văn bản thơ dịch, đúng quy cách trích.
2. Xử lí ngữ liệu:
- Đảm bảo đủ dung lượng theo yêu cầu định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ sau năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (tổng độ dài của các ngữ liệu không quá 1300 chữ).
- Nếu ngữ liệu là đoạn trích (văn xuôi, kịch bản), cần có tóm tắt bối cảnh của đoạn trích. Chú thích những từ ngữ khó; giới thiệu tác giả (nếu cần).
Bước 4: Thiết kế câu hỏi.
1. Yêu cầu đối với câu hỏi đọc hiểu:
- Theo 3 mức độ (biết, hiểu, vận dụng).
- Số lượng câu hỏi: 5 câu (như đề minh họa; có ít nhất 01 câu hỏi tiếng Việt); các câu hỏi đảm bảo đánh giá được năng lực hiểu của học sinh về những yếu tố hình thức tiêu biểu theo đặc trưng thể loại và nội dung chính của văn bản.
- Nêu ngắn gọn và chính xác yêu cầu, rõ ràng về định lượng (nếu cần); hình thức trình bày câu hỏi phải nhất quán; linh hoạt trong việc sử dụng các động từ để diễn đạt các mức độ cho phù hợp với kiểu văn bản.
- Không được thoát li yêu cầu của chương trình; lệnh hỏi phải rõ ràng, không gây nhiều cách hiểu khác nhau; tránh nhầm lẫn giữa các mức độ…
2. Yêu cầu đối với câu nghị luận xã hội:
- Theo 1 trong 2 dạng: nghị luận về 1 vấn đề có liên quan đến văn bản đọc hiểu hoặc 1 vấn đề độc lập.
- Đề tài/nội dung nghị luận nên là những vấn đề gắn với tuổi trẻ.
- Hình thức: đoạn văn (200 chữ) hoặc bài văn (600 chữ).
- Với yêu cầu viết bài văn: lệnh hỏi cần rõ ràng về hình thức trình bày (theo bài văn nghị luận hoặc bức thư, bài phát biểu,…).
3. Yêu cầu đối với câu nghị luận văn học:
- Theo 1 trong các dạng: nghị luận về một đoạn trích/ tác phẩm (thơ, truyện, kịch, kí); so sánh, đánh giá hai đoạn trích/ tác phẩm (thơ, truyện, kịch, kí).
- Ngữ liệu: ngoài sách giáo khoa (có thể sử dụng ngữ liệu ở phần đọc hiểu hoặc ngữ liệu khác)
- Hình thức: đoạn văn (200 chữ) hoặc bài văn (600 chữ).
Bước 5: Soạn đáp án và hướng dẫn chấm.
- Theo đáp án và hướng dẫn chấm đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Lưu ý: Đáp án phần Viết được xây dựng yêu cầu theo quy trình viết: chuẩn bị (tìm hiểu đề), tìm ý, lập dàn ý, viết...
Bước 6: Lập ma trận đối chiếu.
- Mục đích: Đối chiếu đề thi đã biên soạn với mục tiêu, yêu cầu đánh giá và yêu cầu về định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
- Kiểm tra các câu hỏi đối chiếu với yêu cầu các mức độ tư duy để bảo đảm đúng cấu trúc đề đã thiết kế.
- Kiểm tra cách thể hiện, diễn đạt, sử dụng đúng và thống nhất các động từ chỉ mức độ,...
Bước 7: Thẩm định, chỉnh sửa đề.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quy-trinh-7-buoc-ra-de-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-179240802185007381.htm