Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup công bố tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử năm 2022

14:30 - 25/10/2022

Ngày 25/10/2022, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) công bố tài trợ 90 tỷ đồng cho 19 dự án Khoa học Công nghệ và 05 dự án Văn hóa Lịch sử có những giá trị thực tiễn với cộng đồng, nâng tổng giá trị tài trợ trong 4 năm qua lên 530 tỷ đồng.

4 năm - tài trợ 530 tỷ đồng

Qua bốn năm triển khai, lần đầu tiên Quỹ VINIF mở rộng tài trợ các dự án Văn hóa Lịch sử sau thời gian đầu chỉ tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ.

Được triển khai từ năm 2019, Chương trình tài trợ dự án Khoa học Công nghệ của VINIF đã có những dấu ấn riêng trong ngành khoa học công nghệ nói chung và cộng đồng nghiên cứu khoa học nói riêng. Tính đến nay, sau bốn năm, Quỹ VINIF đã tài trợ 102 dự án khoa học công nghệ, với tổng kinh phí trên 530 tỷ đồng, góp phần xây dựng hơn 100 nhóm nghiên cứu xuất sắc tại các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước. Nhiều dự án trong số đó đã có được sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt có những dự án được thương mại hóa với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ, năm 2021, Quỹ VINIF đã khởi động Chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử, nhằm hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn các di sản của quốc gia và ứng dụng các giá trị văn hóa, lịch sử vào cuộc sống thường nhật. Quỹ VINIF hướng tới góp phần phát triển cộng đồng nghiên cứu toàn diện, không chỉ hiểu biết về lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn am hiểu các vấn đề chính trị, xã hội. Sau hai năm triển khai chương trình, Quỹ VINIF đã tài trợ 8 dự án và 13 sự kiện văn hóa lịch sử, với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, trải dài ở nhiều lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, điện ảnh, xuất bản…

Năm 2022, chương trình tài trợ dự án Khoa học Công nghệ và chương trình lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử đã tiếp nhận được 250 hồ sơ đề xuất. Trải qua ba vòng đánh giá khoa học, chặt chẽ, hội đồng khoa học công nghệ và hội đồng văn hóa lịch sử đã xét chọn được 19 dự án Khoa học Công nghệ và 05 dự án Văn hóa Lịch sử.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup công bố tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử năm 2022 - Ảnh 1.

PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành chia sẻ về Quỹ VINIF và các dự án năm 2022. Ảnh HM

Biến ý tưởng thành hiện thực

GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTECH, trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Dự án của chúng tôi ấp ủ từ năm 2013 nhưng chưa có kinh phí để thực hiện, để theo đuổi dự án, chúng tôi cần nhân lực và tài chính. Dự án của chúng tôi về in 3D, đây không phải là bài toán mới nhưng là xu thế phát triển công nghệ, vì vậy, tìm và chọn nhân sự cho dự án gặp nhiều khó khăn, xây dụng hệ cơ sở dữ liệu cũng gặp nhiều thách thức".

Ấp ủ giấc mơ nghiên cứu về công nghệ in 3D, nhằm mang lại cho các công ty ở mọi quy mô cũng như các cá nhân những phương tiện để thiết kế tối ưu và sản xuất hàng loạt sản phẩm với giá thành hợp lý, thuận tiện, nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu cụ thể, GS. TS. Nguyễn Xuân Hùng đã dành nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này và cho rằng: "Trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ in 3D đã trở thành yếu tố quan trọng, là công cụ có thể biến mọi ý tưởng của con người trở thành hiện thực".

Những ý tưởng nghiên cứu được hình thành từ năm 2013, nhưng cho đến khi anh và nhóm dự án tìm được nguồn tài trợ từ Quỹ VINIF năm 2019, dự án mới đạt được kết quả như kỳ vọng. Nguồn kinh phí tài trợ ba năm của VINIF đã rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu của dự án. GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh: "Ý tưởng của chúng tôi đã được hiện thực hóa. Dự án của chúng tôi đã hoàn thành đăng ký sáng chế ở nước ngoài, app thương mại và cơ sở dữ liệu".

Đến nay, dự án "Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu (Additive manufacturing (3D printing) based on deep learning)" của GS. TS. Nguyễn Xuân Hùng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng và đang trong quá trình chuyển sang thương mại hóa.

Ghi dấu ấn trong giới khoa học xã hội và văn nghệ sĩ

Không chỉ dừng lại ở việc tài trợ các dự án khoa học công nghệ, năm 2021, Quỹ VINIF đã khởi động Chương trình Lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, nhằm hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn các di sản của quốc gia và ứng dụng các giá trị văn hóa - lịch sử vào cuộc sống thường nhật.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết, sách xuất bản về những bản nhạc viết cho nhạc đàn và giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam rất hiếm hoi. Với ý tưởng mong muốn lưu giữ và phổ biến rộng rãi với bạn bè quốc tế các tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp mang bản sắc văn hoá Việt Nam, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã viết bản thảo âm nhạc Tác phẩm viết cho Hợp xướng, Thính phòng, Giao hưởng. Những tác phẩm trong bản thảo này đã được biểu diễn ở Việt Nam và một số nước như Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Mỹ, nhưng chưa có bản in chính thức để lưu giữ và phổ biến.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, cố vấn chuyên môn của cuốn sách, nhận định rằng hiện nay âm nhạc chuyên nghiệp viết cho nhạc đàn và dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam vẫn còn khá xa lạ và chưa được phổ cập trong công chúng. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục âm nhạc, để Việt Nam khỏi tụt hậu với thế giới. Chúng ta phải có sách về âm nhạc do Việt Nam xuất bản. Sách xuất bản những bản nhạc viết cho nhạc đàn và giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam rất hiếm. Hàng chục năm nay không có. "Trong bối cảnh đất nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không có sách in chính thống, chúng ta khó có thể trao đổi với bạn bè quốc tế khi họ muốn tìm hiểu về các tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, việc xuất bản các cuốn sách về các tác phẩm truyền thống là thực sự cần thiết để bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam" - Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nhận định.

"Sự đồng hành của VINIF trong quá trình việc xuất bản các cuốn sách về các tác phẩm truyền thống là thực sự cần thiết để bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam. Điều này thực sự ý nghĩa và là nguồn động viên giúp các nghệ sĩ thực hiện các dự án phổ biến và bảo tồn giá trị nghệ thuật tới các thế hệ tiếp nối" - Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ. Dự kiến cuốn sách âm nhạc Tác phẩm viết cho Hợp xướng, Thính phòng, Giao hưởng của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sẽ chính thức ra mắt vào tháng 11 năm 2022.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup công bố tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử năm 2022 - Ảnh 2.

Giáo sư Vũ Hà Văn kết nối với Lễ công bố từ nước ngoài. Ảnh: HM

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup công bố tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử năm 2022 - Ảnh 3.

Giáo sư Bùi Quang Thanh và Giáo sư Lê Văn Lan tại Lễ công bố. Ảnh: HM

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup công bố tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử năm 2022 - Ảnh 3.

Thuyết trình về một dự án đã được VINIF tài trợ. Ảnh: HM

Những con số ấn tượng

500 tỷ đồng là số tiền VINIF đã tài trợ cho 83 dự án khoa học - công nghệ trong ba năm 2019 - 2021. Điểm chung của các dự án là nghiên cứu khoa học mũi nhọn hoặc có định hướng ứng dụng, cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại, cũng như mang tầm ảnh hưởng quốc tế.

430 bài báo khoa học đã được chấp thuận hoặc công bố tại các tạp chí Q1 và hội thảo hàng đầu thế giới. Đây là bước tiến đáng kể giúp khẳng định thành tựu nghiên cứu của Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế. Đồng thời, những công bố này cũng đặt tiền đề cho việc phát triển, cải tiến các sản phẩm ứng dụng trong tương lai.

60 nghiên cứu đã được chấp nhận và cấp bằng sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chương trình được triển khai phi lợi nhuận với mục tiêu khuyến khích sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam. Do đó, chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu, tổ chức chủ trì được giữ toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và các kết quả nghiên cứu khác.

400 sản phẩm, bao gồm dạng thiết bị, máy móc, phần mềm máy tính, quy trình công nghệ, cơ sở dữ liệu, sách chuyên khảo, được thiết kế và ra đời từ các dự án đồng hành cùng VINIF. Quỹ hướng tới đưa các ý tưởng nghiên cứu vào thực tế, ứng dụng sản xuất nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt.

Một số chia sẻ về chương trình tài trợ của VINIF

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: "Sự thành lập của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nền Khoa học - Công nghệ Việt Nam đang đi đúng hướng so với tất cả các quốc gia đã phát triển trên thế giới, ở đó, doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ trong việc tạo thêm nguồn lực thúc đẩy Khoa học - Công nghệ phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để có nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam học theo mô hình của tập đoàn Vingroup, hình thành ra những quỹ đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học".

PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội: "Việc VINIF tài trợ cho các đề tài, dự án góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. Các tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước".

PGS.TS. Trần Đình Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học USTH, chủ nhân của Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018: "Chúng ta cần những quỹ tài trợ như VINIF để đủ sức giữ các bạn trẻ ở lại nhóm nghiên cứu".

GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF: "Mục đích của VINIF là tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhưng quan trọng hơn là VINIF luôn mong muốn các nhà khoa học Việt có cơ hội tốt nhất để chuyên tâm nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả, từ đó tạo ra sự khác biệt, đổi mới cho môi trường nghiên cứu khoa học tại Việt Nam".

PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành Quỹ VINIF, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: "Quỹ VINIF cố gắng xét chọn và quản lý các dự án theo những chuẩn mực quốc tế để phát triển khoa học một cách thực chất, và khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo bằng tâm huyết của mình. Vì vậy việc xét chọn dựa vào thực lực của đội ngũ các nhà khoa học của dự án, về đóng góp mà họ dành cho dự án; kết quả của dự án được hội đồng khoa học đánh giá dựa trên kết quả nghiên cứu, ý nghĩa khoa học công nghệ, chất lượng của các sản phẩm, chứ không chạy theo số lượng công bố. Để thực hiện được điều đó, hội đồng khoa học của quỹ phải làm việc rất cẩn trọng, khoa học, với các chuyên gia am hiểu lĩnh vực của chuyên ngành của mỗi dự án.

Quỹ đã mở rộng thêm Chương trình văn hóa lịch sử do hiểu rõ tầm quan trọng của việc lữu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, việc lan tỏa các giá trị ấy trong cuộc sống hôm nay, và cũng do nhận thấy nhu cầu của nhiều tổ chức, trường đại học, hiệp hội và các nhóm nghệ sĩ có những đề xuất được hợp tác và ủng hộ để họ được thực hiện các dự định sáng tạo và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử".

Ký kết thỏa thuận tài trợ cho các dự án năm 2022

Trong ngày 25/10, VINIF đã ký kết thỏa thuận tài trợ năm 2022 giữa Viện nghiên cứu dữ liệu lớn, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup cùng các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án. Bao gồm:

- Dự án "Nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản và lưu giữ những giá trị văn hóa – lịch sử của người Chăm Việt Nam". 

- Dự án "Nghiên cứu hệ thống trang trí trên chuông đồng tại khu vực Miền Trung phục vụ công tác bảo tồn di sản mỹ thuật Phật giáo – Nghiên cứu điển hình tại 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam". 

- Dự án "Chuông và minh chuông chùa Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến đời Lê". 

- Dự án "Bảo tồn nghi lễ và dân ca nghi lễ của người Dao ở Việt Nam". 

- Dự án "Lưu giữ và phát triển nhạc ngũ âm trong đời sống người Khmer khiếm thị tỉnh Sóc Trăng". 

- Dự án "Thiết kế, tổng hợp và đánh giá tác dụng sinh học của các dẫn chất tetrazol đa chức năng mới hướng dùng điều trị bệnh Alzheimer". 

- Dự án "Phát triển hệ đưa thuốc kéo dài tại dạ dày chứa levodopa và carbidopa sử dụng công nghệ in 3 chiều ứng dụng trong cá thể hóa điều trị bệnh Parkinson". 

- Dự án "Asen trong lúa gạo Việt Nam: Hiện trạng, dự báo xu hướng trong tương lai và các giải pháp giảm thiểu". 

- Dự án "Nghiên cứu phát triển hệ thống tự động hóa quy trình trưởng thành noãn trong ống nghiệm tăng cường trên chip". 

- Dự án "Mã vạch di truyền tiên tiến và cơ sở dữ liệu tích hợp - Ứng dụng trong giám sát trứng cá cá con và quản lý nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam". 

- Dự án "Ứng dụng vật liệu cấu trúc nano thấp chiều phát triển cảm biến sinh học phát hiện vi khuẩn và vi rút trong không khí trên cơ sở công nghệ sắc ký miễn dịch dòng chảy bên và công nghệ khuếch đại gen phiên mã ngược".

- Dự án "Nghiên cứu điều khiển ánh sáng bởi ánh sáng dựa trên hiệu ứng trong suốt cảm ứng điện từ đa tần số trong suốt". 

- Dự án "Phân tích các dẫn liệu hình thái và di truyền về 50 loài vi tảo hai roi có khả năng gây hại trong vùng Việt Nam". 

- Dự án "Giải pháp nhận dạng tích hợp để phát hiện sớm đột quỵ não cấp và hướng dẫn phục hồi phục di chứng sau tai biến mạch não". 

- Dự án "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm chitinase tái tổ hợp bằng kỹ thuật agroinfiltration và thử nghiệm ứng dụng bảo quản rau quả phòng bệnh thán thư do nấm Colletotrichum spp. gây ra". 

- Dự án "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị kiểm tra, phát hiện sai hỏng, khiếm khuyết bên trong sắt thép không phá hủy dựa trên công nghệ đo từ thông dò độ nhạy siêu cao tích hợp công nghệ tự động cảnh báo thông minh và lắp đặt thử nghiệm trên dây chuyền sản xuất thép". 

- Dự án "Vật liệu từ vĩnh cửu trên nền tảng carbon - vật liệu từ vĩnh cửu thế hệ mới". 

- Dự án "Học chuyển giao giải các bài toán tối ưu tổ hợp". 

- Dự án "Sử dụng các dấu ấn ghi nhận từ trầm tích nhằm dự báo tác động môi trường của sự phát triển công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam". 

- Dự án "Dự đoán, phân tích và thiết kế một số vật liệu tiên tiến bằng mô phỏng phiếm hàm mật độ kết hợp với các phương pháp học máy". 

- Dự án "Đánh giá mức độ methyl hóa DNA ở các yếu tố vận động LINE-1 và Alu nhằm phát triển chỉ thị phân tử ngoại gen (epi-biomarkers) để chẩn đoán ung thư sử dụng mẫu máu ngoại vi". 

- Dự án "Phát triển phương pháp mới để phát hiện Clostridium botulinum và độc tố thần kinh botulinum trong thực phẩm, Pha 1: Phát triển phương pháp mới để phát hiện Clostridium botulinum serotype A-G và độc tố thần kinh botulinum type B trong thực phẩm". 

- Dự án "SMART CEM - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thiết bị theo dõi sự chú ý thị giác để thiết kế và quản lý trải nghiệm khách hàng tuyệt vời cho ngành khách sạn". 

- Dự án "Giải pháp nhận dạng tích hợp để phát hiện sớm đột quỵ não cấp và hướng dẫn phục hồi di chứng sau tai biến mạch máu não".

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup công bố tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử năm 2022 - Ảnh 5.

Các vị quan khách chụp ảnh lưu niệm cuối buổi ký kết các dự án năm 2022. Ảnh HM

 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quy-doi-moi-sang-tao-vingroup-cong-bo-tai-tro-cac-du-an-khoa-hoc-cong-nghe-va-van-hoa-lich-su-nam-2022-179221025164038524.htm