Quy định thời lượng dạy thêm cho học sinh chưa đạt yêu cầu khó giúp các em thoát yếu

Trần Văn Tâm
09:47 - 20/04/2025

Làm sao để đảm bảo học sinh yếu kém nhận được sự hỗ trợ hiệu quả tại trường không chỉ là vấn đề của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, mà còn liên quan trực tiếp đến mục tiêu phát triển năng lực cho mọi học sinh của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 14/02/2025, là văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Thông tư được cụ thể hóa từ Luật Giáo dục 2019, là cơ sở pháp lý để công tác quản lý dạy thêm, học thêm dễ dàng hơn.

Mục đích của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là nhằm chấn chỉnh các hoạt động dạy thêm, học thêm có dấu hiệu tiêu cực như ép buộc học sinh học thêm, cắt xén chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, gây bức xúc trong xã hội thời gian dài. 

Đồng thời, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT còn đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của học sinh, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.

Khi vừa ra đời, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nhận được sự đồng thuận cao từ phụ huynh, học sinh, các nhà quản lý giáo dục và nhà giáo. 

Tuy nhiên, khi thực hiện, có một quy định trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã được bàn luận nhiều, đó là giới hạn thời lượng thống nhất là không quá 02 tiết/ môn học/ tuần cho tất cả các nhóm đối tượng học sinh.

Quy định đồng nhất thời lượng dạy thêm cho tất cả các đối tượng học sinh

Điều 5 của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định rõ 3 nhóm đối tượng được tổ chức dạy thêm trong nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp.

Điều 5 cũng quy định: “Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/ tuần”. Điều đáng nói là giới hạn này được áp dụng đồng nhất cho cả 3 nhóm đối tượng học sinh (chưa đạt, học sinh giỏi, ôn thi cuối cấp), không có sự phân biệt về nhu cầu học tập khác nhau của từng nhóm học sinh.

Quy định này, dưới góc độ sư phạm, có thể chưa phù hợp. Bởi vì, đối với học sinh chưa đạt yêu cầu thì cần tỉ mỉ, lặp đi lặp lại, củng cố kiến thức; đối với học sinh giỏi thì cần gợi mở, định hướng tự học; đối với học sinh cuối cấp thì cần hệ thống hóa, luyện đề. Mỗi đối tượng, giáo viên có một phương pháp dạy khác nhau. Tất nhiên, đối với nhóm học sinh chưa đạt yêu cầu, phải mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Dạy học sinh chưa đạt yêu cầu không chỉ là dạy lại bài cũ, mà cần một quy trình sư phạm bài bản. Trước hết, giáo viên phải tìm hiểu những “lỗ hổng” kiến thức, kỹ năng của từng em; sau đó là thiết kế nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng tiếp thu; giao bài tập thực hành và tạo cơ hội để các em được làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi nắm vững kiến thức đó. Dạy nhóm học sinh này, giáo viên cần phải kiên nhẫn vì tốn nhiều thời gian cho một kiến thức và mềm mỏng vì học sinh hay mau quên bài.

Nhiều nhà giáo và chuyên gia cho rằng, 2 tiết (tương đương 90 phút) mỗi tuần cho một môn học là khoảng thời gian quá ngắn ngủi để thực hiện hiệu quả quy trình phụ đạo nêu trên, đặc biệt với những học sinh bị hổng kiến thức nghiêm trọng. Thời lượng này có thể chỉ đủ để giáo viên điểm lại kiến thức một cách lướt qua hoặc giải đáp một vài thắc mắc, trong khi đó, học sinh yếu tinh thần tự học thêm thường chưa có.

Cần thiết tăng thời lượng dạy thêm học thêm cho học sinh chưa đạt yêu cầu

Có thể thấy, quy định giới hạn đồng nhất 2 tiết/ tuần/ môn học là chưa phù hợp về mặt sư phạm. Cần xem xét, điều chỉnh quy định này cho phù hợp với thực tế và cấp thiết để đảm bảo hoạt động dạy học sinh yếu kém trong nhà trường được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Xuất phát từ những bất cập về thời lượng của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và phụ huynh học sinh đã có những ý kiến đề xuất tăng thời lượng dạy thêm trong nhà trường cho nhóm học sinh chưa đạt yêu cầu lên 4-5 tiết/ môn/ tuần.

Khi thời lượng được tăng thêm, giáo viên sẽ thực hiện đầy đủ các bước cần thiết trong quy trình phụ đạo: từ chẩn đoán, giảng lại kiến thức nền, luyện tập sâu, đến kiểm tra, đánh giá và củng cố. Có thêm thời gian, giáo viên sẽ quan tâm sát sao hơn đến từng học sinh, phát hiện khó khăn riêng và áp dụng phương pháp phù hợp hơn, thay vì chỉ dạy lướt qua. Có như vậy, giáo viên mới có đủ thời gian và cơ hội để hướng dẫn học sinh thực sự hiểu bài và nắm vững kiến thức cơ bản, tạo nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức mới và tự học sau này.

Cần nhìn nhận rằng, mục tiêu của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là đúng đắn, tiến bộ, xác lập lại trật tự trong hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời chấn chỉnh các tiêu cực trong hoạt động này. Tuy nhiên, quy định giới hạn thời gian cứng nhắc có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu quan trọng là hỗ trợ sư phạm đầy đủ và cần thiết cho những học sinh chưa đạt yêu cầu của bộ môn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quy-dinh-thoi-luong-day-them-cho-hoc-sinh-chua-dat-yeu-cau-kho-giup-cac-em-thoat-yeu-179250420094723623.htm