Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.
Dự thảo quy chế này gồm 5 chương với 16 điều. Trong đó, nêu rõ điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh bán trú; Nhiệm vụ và quyền hạn của trường phổ thông dân tộc bán trú; cách tổ chức và quản lý nhà trường; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, nhân viên và học sinh; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội…
Bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú
Theo dự thảo, để được học trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh phải đảm bảo điều kiện là ở trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Còn học sinh bán trú cần đáp ứng các điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, được cấp có thẩm quyền cho phép ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập trung trong tuần, do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.
Trường phổ thông dân tộc bán trú được Nhà nước thành lập cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trường phổ thông dân tộc bán trú bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:
Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ học sinh bán trú: Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học có ít nhất 20% học sinh bán trú; đối với trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở có ít nhất 45% học sinh bán trú.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú gồm có: Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học; Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở; Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở.
Tổ chức nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh, an toàn
Dự thảo cũng nêu rõ các hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc bán trú. Cụ thể, trường phổ thông dân tộc bán trú tham gia tổ chức phải xét duyệt học sinh bán trú theo quy định của Chính phủ.
Trường phổ thông dân tộc bán trú thực hiện chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông.
Đồng thời, trường thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông và các hoạt động giáo dục đặc thù sau:
- Giáo dục học sinh tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;
- Giáo dục học sinh lao động vệ sinh trường, lớp, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh;
- Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham quan, lễ hội, tết dân tộc, giao lưu văn hóa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc;
- Tổ chức nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quy-che-to-chuc-va-hoat-dong-cua-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-179220908190929882.htm