Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Chiều 20/6, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 93,72%. Luật này gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Cần thiết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Ngày 26/5/2023, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngày 18/6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 498/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Về quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng: Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung (Chương II dự thảo Luật). Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này (các Điều 21, 28, 29 dự thảo Luật).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20); về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù (Chương III của dự thảo Luật), về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Chương V của dự thảo Luật).
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Điều 70 đến Điều 73), theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 70 đã được chỉnh lý, hoàn thiện như trong dự thảo Luật.
Quy định này đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quy định như vậy nhằm: (1) Thể hiện tính chất đặc thù của vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, phần lớn các vụ việc của người tiêu dùng đều có giá trị nhỏ, xảy ra thường xuyên, liên tục; (2) Phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế. Ngay tại các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển cũng áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ; (3) Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác ngoài trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, để bảo đảm tính xuyên suốt, liền mạch và thuận tiện trong tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Điều 78 được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Đồng thời, sau khi nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng và xin tiếp thu, thể hiện tại Điều 71 dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định việc công khai thông tin chỉ áp dụng đối với vụ án do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng. Việc công khai thông tin về vụ án là cần thiết nhằm bảo đảm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng có liên quan đến vụ án.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ quy định này, Điều 72 dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng: (1) Quy định rõ hơn nội dung công khai: chỉ công khai "thông báo về thụ lý vụ án của Tòa án" nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác của thông tin được thông báo; (2) Quy định rõ hơn hình thức thông báo: được thực hiện tại trụ sở và trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (3) Đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức xã hội tại khoản 3, Điều 72 dự thảo Luật về việc công bố, công khai kết quả giải quyết vụ án trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc vụ án để bảo đảm cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Điều 73 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã quy định Tòa án có thẩm quyền quyết định tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng tại bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, Tòa án không thể phán quyết việc sử dụng tiền bồi thường. Do đó, trong trường hợp này, tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ, không giao trực tiếp cho tổ chức xã hội khởi kiện vì còn nhiều quy định khác liên quan đến vấn đề này. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết là có căn cứ, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Về điều khoản chuyển tiếp, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 79 về điều khoản chuyển tiếp đối với giao dịch của người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh trước ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực và thời hạn chuyển tiếp của việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung để đảm bảo tính khả thi, tránh khoảng trống pháp lý xảy ra trên thực tế.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-179230620163314764.htm