Quốc gia nào sẽ an toàn nhất thế giới khi xảy ra chiến tranh hạt nhân?
Chiến tranh hạt nhân có thể khiến hàng trăm triệu người chết ngay lập tức bởi các tác động từ vũ khí và thêm hàng tỷ người khác nữa từ nạn đói hình thành sau đó. Nhưng vẫn có một số quốc gia tiềm năng an toàn lớn hơn các đất nước còn lại.
6 kịch bản gần đúng nhất với "mùa đông hạt nhân"
Chiến tranh hạt nhân bắt đầu với một đám mây hình nấm duy mọc lên trên đường chân trời, hình ảnh duy nhất mà thế giới đã hy vọng sẽ không bao giờ nhìn thấy. Trả đũa là lý do và động lực để các bên có vũ khí hạt nhân thực hiện những đòn tấn công ăn miếng trả miếng nhằm vào nhau, với mỗi cuộc đều nhằm mục tiêu kết thúc "cuộc chiến tranh của mọi cuộc chiến" mới nhất này. Để rồi sau một tuần hoặc lâu hơn nữa, Trái đất bắt đầu run rẩy vì lạnh cóng, bên dưới một đống bồ hóng và khói bụi.
Các kịch bản tính toán sự tàn phá của mùa đông hạt nhân, hình thành sau chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, là điều không mới mẻ. Nhiều kịch bản đã được tính toán từ thời Chiến tranh Lạnh.
Nhưng sau nhiều thập kỷ, chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn về tác động của các hạt bụi trong khí quyển đối với ngành nông nghiệp. Và kịch bản chỉ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Sử dụng dữ liệu mới nhất về năng suất cây trồng và nguồn lợi thủy sản, một nhóm các nhà khoa học trên toàn cầu đã đưa ra 6 kịch bản gần đúng nhất với những gì có thể xảy ra với nguồn cung cấp lương thực, do hậu quả của một cuộc xung đột hạt nhân leo thang nhanh chóng giữa các quốc gia tham chiến.
Quét sạch phần lớn dân số thế giới
Bỏ qua thương vong trước mắt trong các cuộc tấn công, với con số có thể lên đến hàng trăm triệu người, chỉ riêng cuộc khủng hoảng thiếu lương thực sau chiến tranh đã đủ để quét sạch phần lớn dân số thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng Mô hình Hệ thống Cộng đồng Trái đất của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ để dự đoán các mô hình thời tiết có thể thay đổi như thế nào khi có thêm muội và bụi bay lên sau các vụ nổ hạt nhân.
Dữ liệu sau đó được sử dụng để đưa ra các ước tính về sản lượng cây trồng và trữ lượng hải sản sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi có sự thay đổi nhiệt độ bề mặt cũng như ánh sáng và lượng mưa. Kết quả dĩ nhiên không tốt đẹp gì.
Ví dụ trong cuộc chiến tranh hạt nhân "quy mô nhỏ" với khoảng 100 vụ nổ - tình huống có thể xảy ra khi Ấn Độ và Pakistan tấn công nhau, các nhà khoa học thấy rằng sẽ có 5 triệu tấn hạt bụi sẽ bốc lên bầu khí quyển. Để so sánh, các vụ cháy rừng thảm khốc ở California vào năm 2017 và ở Australia vào cuối năm 2019 đã phát đi 1 triệu tấn bụi trong mỗi trận.
Hậu quả từ việc này là tình trạng thiếu lương thực sẽ xảy ra, do các diện tích canh tác bị phá hủy và khí hậu biến đổi. Hầu hết chúng ta sẽ được tiếp cận với lượng calo ít hơn 8% so với mức bình thường. Khoảng 255 triệu người sẽ chết vì nạn đói trong những năm tiếp theo. Trớ trêu thay, những điều chỉnh trong cách thức chúng ta nuôi sống mình như thế nào có thể dẫn đến việc một số cộng đồng sẽ tăng cường tích trữ và có lượng thức ăn tăng thêm 5% so với bình thường.
Trong những cuộc chiến hạt nhân thảm khốc hơn, hậu quả sẽ cực kỳ ghê gớm. Ví dụ như khi Nga và Mỹ dùng hết hàng ngàn quả bom hạt nhân dự trữ, họ sẽ khiến khoảng 150 triệu tấn bụi bắn vào bầu khí quyển. Lượng calo mỗi người có thể tiếp cận sẽ giảm 3/4 so với mức bình thường.
Những xáo trộn trong hoạt động cung ứng, khi nguồn thức ăn chăn nuôi được chuyển thành thực phẩm dự trữ khẩn cấp, cũng như việc ăn hết tất cả những gì chúng ta đang lãng phí hiện nay, cũng chỉ đủ để khiến nhân loại bước vào một cuộc chết đói từ từ. Cụ thể, khoảng 5 tỷ người trên toàn cầu sẽ phải đối mặt với cái đói trong 2 năm tiếp theo, khi họ phải vật lộn, giành giật và giết nhau để có đủ thức ăn tồn tại.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng khả năng dễ hay khó trong việc tiếp cận nguồn cung thực phẩm sẽ phụ thuộc khá nhiều vào nơi một người đang sinh sống. Trong một kịch bản với 250 vụ nổ hạt nhân xảy ra và khoảng 27 triệu tấn bụi sẽ bay vào bầu khí quyển, các vùng vĩ độ cao ở Bắc bán cầu sẽ chứng kiến lượng calo thu hoạch giảm hơn 50% và trữ lượng khai thác thủy sản giảm khoảng 20 đến 30%. Trong khi đó, với các quốc gia gần đường xích đạo, mức giảm calo trung bình sẽ ít hơn 10%.
Như đã chứng kiến trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, hoạt động buôn bán lương thực gần như chắc chắn sẽ bị gián đoạn. Các quốc gia phụ thuộc vào thực phẩm được vận chuyển từ nơi khác đến sẽ cần nhanh chóng điều chỉnh.
Hai nước thoát khỏi "chết đói từ từ"
Đối với một số cộng đồng, điều này có thể không tệ lắm. Ví dụ nếu không có hoạt động thương mại quốc tế bổ sung thực phẩm, dân số Australia vẫn có thể nhận được ít nhất một nửa lượng calo mà họ cần từ lúa mì trồng trong lãnh thổ.
Những kịch bản mô phỏng do các nhà nghiên cứu thực hiện cho thấy giống lúa mì Australia sẽ chỉ giảm rất ít năng suất hoặc thậm chí là tăng nhẹ khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. Mặc dù người Australia vẫn cần thắt lưng buộc bụng, họ có thể tránh được cái chết vì đói. Tương tự như vậy, nguồn cung cấp lương thực của New Zealand sẽ chịu tác động nhỏ hơn so với các quốc gia phụ thuộc vào những giống cây trồng như lúa gạo.
Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu lưu ý, sự hỗn loạn chính trị xã hội toàn cầu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động dự trữ và phân phối thực phẩm của các nước có "tương lai lạc quan" trong chiến tranh hạt nhân như Australia và New Zealand. Theo đó, hai nước này có thể sẽ chứng kiến một dòng người tị nạn khổng lồ từ châu Á và các quốc gia khác đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực.
Mặc dù nghiên cứu nâng cao các dự đoán trong quá khứ với dữ liệu chính xác hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều ẩn số mà chúng ta chưa biết về cách thức nhân loại sẽ xoay sở sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Những nghiên cứu khác trong tương lai có thể sẽ tận dụng các mô hình tính toán cải tiến liên quan đến nhiều loại cây trồng hơn, hoặc dự đoán cách thức hệ thống kinh tế và thương mại sẽ phân phối lại hàng hóa ra sao. Các yếu tố khác, chẳng hạn như tình trạng mất tầng ozone và cái chết của các loài thụ phấn, cũng sẽ ảnh hưởng đến những nguồn tài nguyên của nhân loại sau chiến tranh. Nếu tính tới cả những yếu tố này, tỷ lệ tử vong của con người sau chiến tranh sẽ còn tăng thêm nữa.
Trong bài viết về nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Nature Food, các tác giả nói rằng họ thực hiện công trình này không phải để thấy dự đoán của mình chính xác đến mức nào. Hiện tại, tất cả những gì thu được vẫn chỉ là một kết quả giả định. Tuy nhiên họ bày tỏ hy vọng lãnh đạo của các quốc gia hạt nhân hãy ghi nhớ về hậu quả khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân, để có thể đưa ra các quyết sách khôn ngoan, tránh không phải sử dụng thứ vũ khí khủng khiếp này và qua đó đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của nhân loại.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quoc-gia-nao-se-an-toan-nhat-the-gioi-khi-xay-ra-chien-tranh-hat-nhan-1792208181557101.htm