Quảng trường Thời đại - nơi đón giao thừa tuyệt vời nhất thế giới
Đêm giao thừa hàng năm, hàng nghìn người đổ về Quảng trường Thời đại của thành phố New York (Mỹ) để ăn mừng, nhảy theo điệu nhạc và chiêm ngưỡng quả cầu pha lê được thả xuống từ tòa nhà 25 tầng.
Điều gì khiến Quảng trường Thời đại luôn chật kín vào đêm giao thừa?
Đại tiệc chào đón năm mới cùng với nghi thức hạ quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại là một trong những sự kiện luôn được khách du lịch và người dân địa phương ở thành phố New York, Mỹ mong chờ nhất.
Ban tổ chức cho biết: "Hàng năm, vào nửa đêm ngày 31/12, thế giới một lần nữa hướng về ánh đèn rực rỡ và năng lượng nhộn nhịp của Quảng trường Thời đại. Tất cả cùng háo hức đón chờ giây phút chuyển giao thiêng liêng. Từ lâu, đêm giao thừa tại trung tâm biểu tượng của thành phố New York không chỉ là một lễ kỷ niệm mà còn là một truyền thống toàn cầu".
Không khí náo nức, đám đông khổng lồ, cách tổ chức ấn tượng là lý do khiến Quảng trường Thời đại trở thành nơi tuyệt vời nhất để đón năm mới. Đặc biệt, hình ảnh quả cầu pha lê ánh sáng trong phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã trở thành biểu tượng của lễ đón giao thừa trên Quảng trường Thời đại.
Dự kiến 1 triệu người xem hạ quả cầu pha lê đón năm mới tại Quảng trường Thời đại
Theo ABC7 Chicago, năm nay, quả cầu đêm giao thừa mang tính biểu tượng của Quảng trường Thời đại sẽ có một chút thay đổi. Các nhà tổ chức tiết lộ, hàng trăm trong số gần 2.600 tấm pha lê của quả cầu đã được thiết kế đính kèm với họa tiết hình nơ hoa. Điều này làm gợi nhớ về thời Quảng trường Thời đại từng được biết đến với tên gọi "The Bowtie".
Bên cạnh đó, quả cầu pha lê năm nay sẽ có đường kính 12 feet và nặng gần 12.000 pound, theo CBS News.
Liên minh Quảng trường Thời đại dự kiến sẽ có 1 triệu người chiêm ngưỡng màn thả quả cầu pha lê biểu tượng để đánh dấu kết thúc năm 2023 và khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới theo dõi chương trình phát sóng trực tiếp.
Đêm giao thừa ở Quảng trường Thời đại
Theo ABC7 New York, vũ hội ở Quảng trường Thời đại - nơi được mệnh danh là "Ngã Tư Thế Giới" chính thức bắt đầu vào khoảng 6 giờ chiều và quả cầu pha lê ánh sáng sẽ được hạ từ từ trong một phút vào lúc 23:59 ngày 31/12.
Theo đó, quả cầu pha lê sẽ được hạ từ độ cao 43 met của tòa nhà One Times Square cao 25 tầng. Quả cầu sẽ chạm đất ở vào giờ khắc cuối cùng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Ngoài chứng kiến quả cầu pha lê được thả xuống, hàng nghìn người đổ về Quảng trường Thời đại của New York còn để ăn mừng, nhảy theo điệu nhạc và đắm chìm trong không khí sôi động của buổi lễ.
Lễ chào đón năm mới tại Quảng trường Thời đại là sự kiện miễn phí, dành cho tất cả mọi người, ai đến trước sẽ được phục vụ trước. Khi đến đây, mọi người sẽ được an ninh kiểm tra, do đó cần lưu ý không được mang những vật dụng sau: ba lô, túi lớn, ô dù, ghế, máy làm mát cỡ lớn, và rượu bia bởi tại New York, uống rượu bia ở nơi công cộng là bất hợp pháp, sẽ bị cảnh sát tịch thu.
Tại sao người Mỹ thả quả cầu khổng lồ ở Quảng trường Thời đại vào đêm giao thừa?
Lễ hạ quả cầu pha lê trong đêm giao thừa tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York đã có truyền thống từ hơn 1 thế kỷ.
Nghi thức này lần đầu được thực hiện vào năm 1904 bởi tờ báo New York Times có văn phòng đặt trong tòa nhà One Times Square ngày nay. Tại đây, họ đã tổ chức một bữa tiệc và bắn một màn pháo hoa, biến tòa trụ sở tờ báo trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người trong đêm giao thừa.
Bởi ông Adolph Ochs, chủ bút của tờ New York Times lúc bấy giờ, cho rằng giao thừa chính là thời điểm lý tưởng nhất để tổ chức "tân gia" cho trụ sở của tòa soạn. Lúc này, quả cầu ánh sáng vẫn chưa xuất hiện.
Năm 1907, khi chất nổ bị cấm ở New York, ông Adolph Ochs đã quyết tâm sáng tạo ra một cách mới để sự kiện đón giao thừa thường niên của tờ báo diễn ra vẫn rực rỡ.
Theo đó, chủ tờ New York Times đã yêu cầu kỹ sư điện và chuyên gia thiết kế của tờ báo cùng hợp tác để sáng tạo ra quả cầu khổng lồ, sau đó thả nó vào một thời điểm nhất định.
Được biết, quả cầu này được lấy cảm hứng từ quả cầu thời gian - thiết bị hàng hải được sử dụng phổ biến vào thế kỷ 19 để đánh dấu thời khắc giữa trưa, giúp cho các tàu thuyền cập cảng ở Mỹ thay đổi giờ trên đồng hồ cho khớp với thời gian bản địa.
Với thiết bị này, các đài quan sát nâng hạ một quả cầu kim loại vào một thời điểm nhất định để các thủy thủ đồng bộ thiết bị của họ. Từ ý tưởng này, một quả cầu làm bằng thép và gỗ, nặng gần 320 kg, được trang trí bằng hàng trăm bóng đèn, chế tạo bởi một thợ kim loại trẻ nhập cư tên là Jacob Starr, đã được thả từ cột cờ trên đỉnh Quảng trường Thời Đại.
Kể từ lần thả quả cầu đầu tiên đó vào năm 1907, ý tưởng thả các đồ vật để đếm ngược năm mới đã trở nên phổ biến trong ngày lễ. Các bang khác nhau sẽ tổ chức lễ hội với những món đồ khác nhau, như Georgia thả một quả đào, Maine thả một chiếc lá phong và Idaho thả một củ khoai tây khổng lồ...
Cho tới ngày nay, vào ngày cuối cùng của năm, người dân Mỹ vẫn tụ tập để cùng hân hoan chờ đón khoảnh khắc giao thừa cùng nghi thức hạ quả cầu pha lê từ nóc tòa nhà từng là trụ sở của tờ New York Times. Thực tế, tên gọi "Times Square" (Quảng trường Thời đại) cũng được sinh ra từ đây.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-truong-thoi-dai-noi-don-giao-thua-tuyet-voi-nhat-the-gioi-17923122822282996.htm