Quảng Ninh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

13:30 - 02/11/2024

Tỉnh Quảng Ninh trong suốt thời gian qua luôn quan tâm, dành mọi nguồn lực để phát triển vùng dân tộc thiểu số, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Quảng Ninh: Dành mọi nguồn lực cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Trường THPT Bình Liêu (Quảng Ninh) được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Ảnh: Công Thành.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Quảng Ninh là 90,5%, cao hơn toàn quốc 31%

Với các chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, nguồn vốn dành đầu tư phát triển, đến nay sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những chuyển biến rõ nét.

Theo thành phố Hạ Long, nhằm tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số thuộc địa bàn được học tập tốt, năm 2023, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quảng La được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng sau 9 tháng thi công, giúp hơn 1.000 học sinh dân tộc ở các xã Quảng La, Dân Chủ, Tân Dân, Bằng Cả và Sơn Dương theo học.

Ngôi trường rộng gần 2,8ha với 2 khối nhà học 4 tầng, 1 khối nhà hiệu bộ 4 tầng, 2 nhà để xe. Ngoài ra, trường còn có khu nhà đa năng với diện tích 640m2. Tất cả cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh trong khu vực.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, ngôi trường hoàn thành không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 cho trường phổ thông có nhiều cấp học mà còn đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh, nhất là học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện được học tập trong môi trường tốt nhất, từ đó phát huy được năng lực của bản thân.

Không chỉ trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quảng La, thời gian qua, nhiều trường học thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, như: Trường Tiểu học Đông Ngũ (huyện Tiên Yên), Tiểu học Vạn Yên (huyện Vân Đồn), Phổ thông dân tộc Nội trú Ba Chẽ, Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ), Trường Trung học phổ thông Bình Liêu, Trường Tiểu học Tình Húc (huyện Bình Liêu)…

Quảng Ninh: Dành mọi nguồn lực cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Thầy giáo hướng dẫn một học sinh dân tộc Sán Dìu, học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long trong một tiết học ôn luyện chuyên sâu. Ảnh: TC

Hệ thống các cơ sở vật chất, trường học được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp đáp ứng tốt việc dạy và học tập của giáo viên, các em học sinh đồng bào dân tộc.

Tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ trường đạt trường chuẩn quốc gia của tỉnhQuảng Ninh là 90,5%, cao hơn toàn quốc 31%, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Qua đó, góp phần kéo gần khoảng cách chênh lệch về cơ hội học tập giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, Quảng Ninh đã quan tâm xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Đơn cử như: Chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, trong đó có chính sách miễn học phí, hỗ trợ ký túc xá, ưu tiên thu hút sinh viên, học viên người dân tộc thiểu số; Chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

Ngoài ra tỉnh Quảng Ninh còn hỗ trợ chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và một số chính sách ưu đãi đối với Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026 (học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo); chính sách hỗ trợ trẻ mầm non, học sinh phổ thông, cơ sở giáo dục ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và chính sách khác để phát triển giáo dục đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số ở xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… 

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã dành trên 31,3 tỷ đồng/năm hỗ trợ tiền ăn, kinh phí chăm sóc học sinh bán trú cho trên 13.600 trẻ em mầm non và học sinh phổ thông các vùng trên.

Quảng Ninh: Dành mọi nguồn lực cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Học sinh Trường THCS&THPT Quảng La (Thành phố Hạ Long) trao đổi kiến thức trong giờ ra chơi. Ảnh: T.C

Thống kê của ngành giáo dục Quảng Ninh cho thấy, đến nay 100% đơn vị xã, phường đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 165/177 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Đến nay 100% đơn vị xã, phường tại Quảng Ninh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 165/177 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh cũng đang duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ, tỷ lệ xóa mù chữ hiện đã đạt 99,77% và tiếp tục nâng cao chất lượng xóa mù chữ mức độ 2 (mức độ cao nhất). Trẻ em người dân tộc thiểu số bị khuyết tật đều được động viên đưa đến trường, góp phần tăng tỷ lệ giáo dục hòa nhập toàn tỉnh lên 99,74% số học sinh khuyết tật có khả năng tiếp cận giáo dục hòa nhập.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, từ việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giáo dục - đào tạo của Đảng và nhà nước, của tỉnh đồng hành với sự nỗ lực của ngành giáo dục, trong 5 năm qua, nhiều giáo viên, học sinh người dân tộc thiểu số phấn đấu đạt được các thành tích cao trong giảng dạy, học tập, rèn luyện. 

Cũng theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 411 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; có 1 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; 4 học sinh đoạt giải cấp tỉnh trong kỳ thi khoa học - kỹ thuật...

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-trien-khai-nhieu-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-179241102102052897.htm