Quảng Ninh rà soát, bổ sung quy trình "4 tại chỗ" trong xử lý các tình huống tai nạn, sự cố trên biển

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng vừa chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy, thực hiện quy trình "4 tại chỗ" trong xử lý các tình huống tai nạn, sự cố và công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp để tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn đắm tàu trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Ngày 20/7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp để tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn đắm tàu trên Vịnh Hạ Long do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường. Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp đã nêu và làm rõ thêm các thông tin về vụ tai nạn đắm tàu trên Vịnh Hạ Long.
Cụ thể: sau 3 ngày nắng nóng 35-37 độ C, từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ ngày 19/7, ít nhất 7 tỉnh thành gồm: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Nguyên và Hà Nội hứng chịu giông lốc, sấm sét kéo dài 1-2 giờ. Tại tỉnh Quảng Ninh, mưa giông dữ dội kèm theo lốc xoáy, sấm sét và mưa đá gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh, trong đó đã làm lật và đắm tàu du lịch ở vịnh Hạ Long.
Thông tin ban đầu, tàu Vịnh Xanh 58 BKS QN-7105 đang chở khách du lịch tham quan trên Vịnh Hạ Long rời bến đi tham quan vào lúc 12 giờ 55 phút ngày 19/7, đi tham quan tuyến 2 (hang Sửng sốt - Đảo Titop) đến 13 giờ 30 phút cùng ngày tàu gặp giông bất ngờ, đến 14 giờ 05 phút cùng ngày mất kết nối tín hiệu GPS.

Trục vớt con tàu bị nạn. Ảnh: CTV
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo tỉnh và các lực lượng chức năng: Quân sự, Biên phòng, Công an, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan liên quan nhanh chóng đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc để tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã cử các lãnh đạo trực, chỉ đạo tại trụ sở Hải đội Biên phòng 2 - Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các bệnh viện để trực tiếp chỉ đạo tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và công tác khắc phục hậu quả.
Đồng thời, huy động tối đa gần 1.000 người và 100 phương tiện tàu, xuồng các loại, tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng hỗ trợ và xử lý các tình huống khi tìm kiếm được nạn nhân. Đồng thời, lập Sở chỉ huy để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Đến 1 giờ 40 phút ngày 20/7, các lực lượng chức năng trục vớt được tàu và tìm thấy 45/tổng số 49 người (trong đó 10 người sống và 35 người đã chết); 4 người mất tích chưa tìm thấy.

Huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: CTV
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiến hành các hoạt động động viên, thăm hỏi, chăm lo cho người bị thương và các gia đình người bị nạn; hỗ trợ tiền mai táng phí 25 triệu đồng/người để thân nhân đưa nạn nhân về gia đình lo hậu sự; hỗ trợ cho 10 gia đình nạn nhân bị thương 5 triệu đồng/người. Đồng thời, bố trí nơi ở và hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn nghỉ cho gia đình nạn nhân khi ở Quảng Ninh.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục tích cực triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích trên biển còn lại.
Cùng với đó, tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật tàu; khắc phục sự cố, động viên thăm hỏi gia đình nạn nhân theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng bày tỏ chia sẻ sâu sắc với các gia đình bị nạn, đồng thời nhấn mạnh, đây là sự việc đặc biệt đau thương, xảy ra do yếu tố diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết.
Trước tình huống khẩn cấp, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ sự quan tâm, sẻ chia và tấm lòng của tỉnh đối với người dân.

Lực lượng chức năng mở rộng tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ảnh: CTV
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung cao độ cho công tác tìm kiếm, không bỏ sót bất kỳ khả năng nào, tranh thủ từng giờ, từng phút để tìm kiếm những người còn mất tích.
Yêu cầu các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, động viên kịp thời các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng, người bị thương và những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của sự cố, nhằm giúp các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy, thực hiện quy trình "4 tại chỗ" trong xử lý các tình huống tai nạn, sự cố và công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Cùng với đó, rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động; tập trung phòng chống cơn bão số 3 một cách hiệu quả.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Tập đoàn Sun Group hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho các nạn nhân vụ lật tàu du lịch.
Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn đắm tàu trên Vịnh Hạ Long, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Sun Group hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho các nạn nhân vụ lật tàu du lịch
Chiều 20/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp cùng Tập đoàn Sun Group trao hỗ trợ cho các nạn nhân trong vụ tai nạn lật tàu du lịch chiều 19/7 trên vịnh Hạ Long.
Chia sẻ mất mát cùng gia đình các nạn nhân, Tập đoàn Sun Group đã quyết định hỗ trợ 10 nạn nhân bị thương, mỗi trường hợp 25 triệu đồng; hỗ trợ 39 trường hợp tử vong, mỗi trường hợp 45 triệu đồng. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group đã tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, các đoàn cũng đến chia buồn và trao hỗ trợ cho thân nhân các nạn nhân tử vong cư trú tại phường Hạ Long, phường Hà Lầm và phường Việt Hưng.
Đối với các nạn nhân còn lại trong vụ lật tàu du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Sun Group nhanh chóng hoàn tất việc trao hỗ trợ, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình sâu sắc với các gia đình gặp nạn.