Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao từ giá trị khác biệt
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định địa phương này đang hướng tới phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao từ những giá trị khác biệt của thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với đẩy mạnh chuyển đổi số.
Sáng 17/3, tại Thành phố Hạ Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tường Huy cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương dự Hội nghị.
Cùng dự có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức quốc tế; các chuyên gia kinh tế, du lịch; các nhà quản lý, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình du lịch Quảng Ninh, các tiềm năng, cơ hội, thách thức, hạn chế; đề ra các giải pháp trọng tâm, tạo đột phá về phát triển du lịch trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Đồng thời thông qua hội nghị, thực hiện công tác truyền thông mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách về quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc hoàn thành mục tiêu đạt 15 triệu khách du lịch trong năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, trong những năm qua, với sự tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, bứt phá phát triển toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh này kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương: Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.
Định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên....
Đồng thời, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố liên quan tổ chức hội nghị. Đây là chương trình mang ý nghĩa lớn, đúng thời điểm nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa qua, sau 1 năm chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch.
Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Để Quảng Ninh thu hút 15 triệu lượt khách, với 2 triệu khách quốc tế, tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà quản lý du lịch, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch cũng đã thảo luận về những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức của du lịch Quảng Ninh. Trong đó, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tận dụng cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, hiện đại cho phát triển triển du lịch; ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số trong phát triển du lịch Quảng Ninh.
Cũng tại hội nghị, Quảng Ninh đã công bố 4 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch biên giới, tận dụng thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đồng thời, ký kết các thỏa thuận hợp tác với Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai. Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã quyết tâm và cam kết cùng chung tay phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế địa phương và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nói chung.
Kết luận hội nghị, Quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Tường Huy trân trọng ý kiến của các đại biểu và nêu rõ: Từ những thế mạnh nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, các cơ hội, khó khăn thách thức đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, cùng các chia sẻ, gợi ý, đề xuất của các chuyên gia, các diễn giả và doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh xác định tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với thế mạnh của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch. Cơ cấu lại ngành du lịch, thị trường khách quốc tế; khai thác có hiệu quả các nguồn khách đến Quảng Ninh hướng đến chất lượng cao.
Thống kê của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cho thấy, đến nay Quảng Ninh có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng đã được xếp hạng; 133 công ty, chi nhánh lữ hành; 12/13 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch.
Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 11,6 triệu, trong đó có 304.000 lượt khách du lịch quốc tế. Mức độ đóng góp của GRDP du lịch đã tăng lên đáng kể, đạt 6% so với GRDP của tỉnh.
Quảng Ninh đứng thứ 2 trong Báo cáo đánh giá chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 đối với 15 tỉnh/thành phố theo các nhóm, trụ cột.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-phat-trien-san-pham-du-lich-chat-luong-cao-tu-gia-tri-khac-biet-179230317162351717.htm