Quảng Ninh "gỡ khó" cho giáo dục vùng cao
Tại các vùng sâu, vùng xa - nơi phần đa học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Quảng Ninh - nhiều biện pháp "gỡ khó" được áp dụng nhằm đưa giáo dục vùng cao phát triển toàn diện.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao tại Quảng Ninh
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Quảng Ninh với 96% dân số là người dân tộc thiểu số nên công tác giáo dục mầm non của địa phương gặp khá nhiều trở ngại. Đơn cử như: Tỷ lệ nhóm, lớp ghép cao; số lượng các điểm trường lẻ nhiều, phân bố rải rác; cơ sở vật chất một số trường chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia theo quy định mới, đặc biệt một số cơ sở giáo dục mầm non còn thiếu thiết bị đồ dùng, đồ chơi tối thiểu theo quy định; nhận thức của một bộ phận cha mẹ trẻ là người dân tộc thiểu số còn hạn chế; công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn ở mức độ chưa cao...
Để gỡ khó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu đã có nhiều giải pháp hợp lý, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trong đó hàng đầu là nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ, lực lượng nòng cốt để phát triển chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường.
Đội ngũ giáo viên được yêu cầu đạt tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất nhà giáo, về tay nghề sư phạm, giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với trẻ, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số.
Một nội dung quan trọng khác cũng được ngành giáo dục đào tạo huyện áp dụng là tăng cường tỷ lệ huy động trẻ em đến lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ tại nhóm, lớp mầm non. Năm học 2023-2024, 100% trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trên địa bàn huyện hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và được chuẩn bị tốt tiếng Việt khi bước vào lớp 1.
Tại huyện miền núi Tiên Yên, tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50% số trẻ đang học tại các trường mầm non; đa số trẻ người dân tộc thiểu số có kỹ năng còn hạn chế, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động, đặc biệt là hoạt động tập thể; một số trẻ mới ra lớp kỹ năng nghe và nói tiếng Việt chưa tốt. Nhận thức của một bộ phận phụ huynh vùng miền núi còn hạn chế, còn trông chờ nhiều vào các chính sách của Đảng và Nhà nước nên công tác huy động trẻ ở một số thôn, bản còn gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ các khó khăn trên, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non.
Trong đó, phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện các nội dung phối hợp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ; chỉ đạo các trường mầm non xây dựng quy chế phối hợp với trạm y tế xã để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã điều chuyển đảm bảo 100% trường mầm non đều có nhân viên y tế trường học.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng thực hiện có hiệu quả phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trong đó tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường tiếng Việt phong phú trong và ngoài lớp học, đặc biệt quan tâm góc sách, truyện. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh dạy tiếng Việt cho trẻ ở nhà, giúp trẻ em người dân tộc thiểu số kế thừa tiếng mẹ đẻ trong việc học ngôn ngữ tiếng Việt.
Đến nay, 100% trường mầm non trên địa bàn huyện Tiên Yên tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường; 100% trường mầm non bổ sung sữa trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ; 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần; 100% trường mầm non trên địa bàn được công nhận đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích; các bếp ăn đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường.
Không chỉ Bình Liêu, Tiên Yên nhiều địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số cũng đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác huy động các tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh, cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường mầm non đảm bảo các điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ.
Nhờ đó đến nay, tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp đạt 95,4%, 100% trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-go-kho-cho-giao-duc-vung-cao-179240930093151218.htm