Quảng Ninh: Đầu tư, phát triển giáo dục phải được ưu tiên đi trước
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là lần đầu tiên hội nghị được triển khai quy mô lớn với đầy đủ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ quản lý giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, các nhà giáo được nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng.
Mặc dù năm học 2022-2023 phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo và học sinh tỉnh Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 89,19%. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với các năm học trước. Học sinh Quảng Ninh tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi đều đạt kết quả tốt. Nổi bật, số học sinh của tỉnh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia chiếm 65,56% số thí sinh dự thi, cao nhất trong 5 năm qua. Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 13/69 đơn vị dự thi với tổng số 59 giải, tăng 11 giải so với năm học 2021 – 2022. Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao.
Hiện nay, Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục – Đào tạo cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn như: tình trạng thiếu giáo viên; sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền; sự chênh lệch về điều kiện học tập và chất lượng giáo dục giữa hệ thống các trường công lập và hệ thống các trường tư thục; kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn khoảng cách không nhỏ giữa các loại hình trường, các vùng miền, các môn học…
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, biểu dương, ghi nhận những thành tích vượt khó và kết quả đạt được trong đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và năm học vừa qua. Đồng thời cũng bày tỏ trân trọng, sự tri ân sâu sắc những cố gắng, nỗ lực và cống hiến của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục của tỉnh; chúc mừng các điển hình tập thể nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, các học sinh, sinh viên có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước "dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt" theo lời Bác Hồ dạy.
Ông Nguyễn Xuân Ký cũng chỉ rõ, bên cạnh thành quả rất đáng trân trọng nêu trên, phải thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế liên quan đến chất lượng giáo dục phổ thông dù đạt kết quả tích cực nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đầy đủ toàn diện chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh đối với giáo dục đào tạo, trong đó có đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; việc tồn tại bệnh thành tích, bệnh hình thức; việc quản lý chất lượng giáo dục còn là khâu yếu…
Để giải quyết các mâu thuẫn, thách thức và thực hiện mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, toàn tỉnh phải kiên trì thực hiện các quan điểm phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.
Đặc biệt, đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, Khu Công nghiệp và các đối tượng chính sách.
Kết luận hội nghị, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tường Huy yêu cầu ngành giáo dục cùng các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các bất cập trong lĩnh vực giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục phẩm chất tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, nhất là thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã vinh dự được đón nhận các hình thức khen thưởng.
Cụ thể, bà Lê Thị Huệ, nguyên giáo viên trường Trung học phổ thông Hòn Gai được nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long và Trung học phổ thông Nguyễn Bình được nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021-2022 của tỉnh Quảng Ninh, 9 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen, cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-dau-tu-phat-trien-giao-duc-phai-duoc-uu-tien-di-truoc-179230820192703007.htm