Phương pháp xây dựng trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số
Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới gắn chặt với ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sẽ tạo ra môi trường học tập bám sát nhu cầu của người học.
Trung tâm học tập cộng đồng phải thực sự là nơi khai thác, kết nối, hợp tác, lan tỏa, chia sẻ nguồn tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng tới từng người dân và cộng đồng vì sự phát triển và tiến bộ vững chắc của cộng đồng.
Cách mạng 4.0 đang làm biến đổi nhanh chóng mọi mặt của đời sống xã hội và chuyển đổi số quốc gia, với sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) đã hình thành hạ tầng giáo dục số.
Mạng internet đã phủ khắp mọi miền đất nước, kết nối đến 100% xã, phường, thị trấn và hơn 95% hộ gia đình. Tỉ lệ người dân có điện thoại thông minh, thiết bị thông minh, máy tính kết nối ngày càng cao. Chỉ với điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng người dân có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác sử dụng bất kì nội dung gì, bất cứ khi nào, ở đâu, mà không mất thời gian, kinh phí, lại dễ sử dụng và tiện ích.
Việc đổi mới phát triển trung tâm học tập cộng đồng ngày nay vừa phải kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của các mô hình truyền thống, vừa phải đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ số như AI, Big data, IoT, Cloud, blockchain... nhằm hỗ trợ đắc lực việc "cá nhân hóa học tập"; làm cho người dân tự học, tự truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng diễn ra nhanh chóng, dễ dàng góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện "Giáo dục cho mọi người" và "mọi người cho giáo dục".
Dù internet đã phủ sóng rộng khắp, vẫn còn chênh lệch đáng kể về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Song một bộ phận không nhỏ người dân thiếu kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ và phương tiện kỹ thuật số, gây khó khăn trong việc tham gia các chương trình học tập trực tuyến.
Đổi mới trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, các Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới còn đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng mềm cho người dân.
Thiết kế mô hình đổi mới trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số
Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới gắn chặt với ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sẽ tạo ra môi trường học tập bám sát nhu cầu của người học. Trung tâm học tập cộng đồng phải thực sự là nơi khai thác, kết nối, hợp tác, lan tỏa, chia sẻ nguồn tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng tới từng người dân và cộng đồng vì sự phát triển và tiến bộ vững chắc của cộng đồng.
1. Sứ mệnh: Trung tâm học tập cộng đồng là nơi khai thác, kết nối, hợp tác, lan tỏa, chia sẻ nguồn tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng tới từng người dân, tới cộng đồng vì sự phát triển và tiến bộ của cộng đồng.
2. Tầm nhìn: Trở thành Trung tâm học tập cộng đồng thông minh hoạt động chất lượng, hiệu quả. Trung tâm này sẽ giải quyết các rào cản hiện tại như thiếu thiết bị, kỹ năng công nghệ của người dân.
3. Triết lí: Mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt và hội nhập.
4. Giá trị cốt lõi: Tự học là nền tảng; hợp tác có sự tương tác trong học tập cộng đồng; kết nối tạo ra sức mạnh và giá trị; trách nhiệm với người học và cộng đồng; thay đổi và tiến bộ; trí tuệ và văn minh. Thực hiện "Bình đẳng trong tiếp cận tri thức" để thu hẹp khoảng cách số giữa các nhóm dân cư.
5. Mục tiêu: học tập để đánh thức, khai minh tiềm năng, để thay đổi, để phát triển, để tiến bộ mãi.
6. Phương thức hoạt động: là mô hình giáo dục "mở - đa nhiệm"; vừa trực tiếp, vừa trực tuyến; vừa thực, vừa ảo trên nền tảng giáo dục chuyển đổi số.
- Tự học, tự thực hành và tự làm;
- Học – Hỏi – Hiểu – Hành;
- Học mọi người, mọi nơi, mọi lúc, mọi nội dung, mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện;
- Thực hiện các chương trình đào tạo về kỹ năng sử dụng công nghệ (thao tác trên điện thoại thông minh, máy tính, cách truy cập tài nguyên số). Xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho người dân trong quá trình học tập.
- Hoạt động của Trung tâm mang tính chuyên nghiệp, có khả năng tự điều khiển, điều chỉnh trong hệ sinh thái giáo dục chuyển đổi số.
7. Nội dung hoạt động học tập cộng đồng: Đảm bảo tính khoa học, tường minh, thiết thực, làm ngay, hiệu quả.
Thư viện điện tử (thư viện số) là trái tim của Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới; Những tri thức, kĩ năng mới phải thường xuyên được cập nhật, khái quát, cụ thể, đầy đủ, kịp thời trên nền tảng số để người học có thể tự học, tự vận dụng, thực hành.
8. Quy trình hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới được triển khai từng giai đoạn cụ thể:
- Xây dựng hạ tầng số cơ bản (Wi-Fi miễn phí, máy tính công cộng).
- Tổ chức lớp học "Kỹ năng công nghệ số cơ bản".
- Phát triển thư viện số với các nội dung được tổ chức theo cấp độ từ dễ đến khó.
- Thử nghiệm AI trong cá nhân hóa học tập (chatbot hỗ trợ học tập).
- Đánh thức tiềm năng, xác định nhu cầu học tập của người dân và cộng đồng; thiết kế nội dung học tập trên nền tảng số; sắp xếp thứ tự các hoạt động, công việc; tổ chức thực hiện và phát triển chương trình, nội dung học tập; điều phối, điều hành, quản trị, hiệu chỉnh nội dung hoạt động học tập phù hợp nhu cầu học của người dân và cộng đồng; từng bước thực hiện: trải nghiệm (thực và ảo), tối ưu hóa, tạo ra môi trường học tập cộng đồng thông minh.
9. Kết nối các nguồn lực
Hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để cung cấp nội dung chuyên môn chất lượng.
Xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hướng dẫn người dân trong quá trình sử dụng công nghệ.
Thu hút, huy động, kết nối nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề và các nguồn tài nguyên, học liệu số trong và ngoài nước để thực hiện và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới.
Những giải pháp cơ bản xây dựng trung tâm học tập cộng đồng số
1. Đổi mới phong trào tự học của công dân và cộng đồng nhằm biến quá trình học tập có hướng dẫn thành quá trình tự học, tự học suốt đời.
2. Xây dựng và phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng thành một hình thái xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội chuyển đổi số và phù hợp sự phát triển bền vững của đất nước
3. Đổi mới nâng cao năng lực tổ chức, quản lý hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số
4. Đổi mới cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực,… cho hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo định hướng thúc đẩy phát triển bền vững xã hội học tập, học tập suốt đời.
5. Trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng.
Với truyền thống hiếu học, trọng học, ham học hỏi của người Thái Bình, trung tâm học tập cộng đồng đổi mới trên nền tảng số phải là một phương thức học tập có trách nhiệm cung ứng, tạo môi trường thuận lợi, là cơ hội học tập công bằng để mọi người dân ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, kịp thời và học tập suốt đời.
Ứng dụng công nghệ để phát triển trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số
- Lập, kết nối website với các trang mạng xã hội khác nhau của trung tâm.
- Xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên "Giáo dục mở" gắn với hình thành thư viện điện tử, thư viện số.
- Chuyển đổi số các tài liệu văn bản, số hóa chuyên đề, cơ sở dữ liệu dùng chung, thiết kế nội dung học tập trên Website và mạng xã hội.
- Hướng dẫn người dân ứng dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet, thiết bị thông minh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh truyền thông về Trung tâm trên Website và mạng xã hội.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới.
Triển khai thực hiện mô hình trung tâm học tập cộng đồng đổi mới trên nền tảng số tại tỉnh Thái Bình
Thái Bình chọn 4 địa điểm để ứng dụng công nghệ triển khai thực hiện đổi mới trung tâm học tập cộng đồng tại Đông Thọ (Thành phố); Thị trấn Tiền Hải; Vũ An (Kiến Xương); Trọng Quan (Đông Hưng).
1. Việc học tập trực tiếp các chuyên đề tại 4 trung tâm học tập cộng đồng: các giảng viên hướng dẫn học tập trực tiếp trên lớp 25 chuyên đề (do người dân và cộng đồng đề xuất). Các lớp học được kết nối wifi để người dân truy cập học liệu số. Kết quả có 2273 học viên tham gia học tập trực tiếp. Ngoài ra, các lớp học còn được tiếp phát sóng FM trên đài truyền thanh, phát thanh của các địa phương để hàng vạn người dân được nghe, lĩnh hội.
2. Người dân có nhu cầu học tập được tham gia học trực tuyến qua zoom, facebook, fanpage… Các Trung tâm thành lập các lớp, nhóm zalo học tập trực tuyến qua zoom để người dân không có điều kiện đến lớp vẫn được học tập. Học viên trong lớp, nhóm zalo nắm vững được những kiến thức, kĩ năng cơ bản. Trung bình mỗi chuyên đề có vài trăm người học trực tuyến.
3. Việc tự học, thảo luận và ứng dụng: Học viên có thể tự học, tự nghiên cứu, tự thực hành, tự làm theo hướng dẫn qua lớp, nhóm zalo. Nhờ đó, nhiều người học biết áp dụng tri thức, kĩ năng vào thực tiễn và cuộc sống.
4. Việc học tập qua website, thư viện điện tử, học online... Bài học được quay video, biên tập tải lên website: hoikhuyenhocthaibinh.vn; trang Trung tâm học tập cộng đồng; mục lớp học online và thư viện điện tử.
Các trung tâm chủ động chuyển đường link đến các nhóm, lớp zalo, cổng thông tin điện tử của xã để mọi người dân đều có cơ hội tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi; mỗi buổi học có hàng trăm người tham gia học trực tuyến, hàng vạn người dân tải các chuyên đề để tự học, tự nghiên cứu. Số người truy cập website đến nay đã lên đến 1.986.159 người.
5. Liên kết, phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Thái Bình thông qua chương trình 1H với RADIO Thái Bình tổ chức một số chuyên đề học tập cộng đồng trực tuyến và được phát trên các nền tảng số: facebook, fanpage, zalo, youTube..., kết quả hàng chục vạn người theo dõi chương trình, tương tác các nội dung học tập cộng đồng.
6. Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng thư viện điện tử (học liệu số dùng chung). Chuyển đổi số các văn bản về Trung tâm học tập cộng đồng; chuyển đổi số các chuyên đề, tài liệu học tập cộng đồng thành tài liệu điện tử, học liệu số (165 chuyên đề, 45 video, 50 bài giảng trực tuyến) dưới 6 dạng cơ bản Scan, PDF, PowerPoint, video, AI, bản sao số, sau đó được tải lên thư viện điện tử, lớp học online của Trung tâm học tập cộng đồng trên website để người dân các nơi tự học.
7. Kết nối nguồn lực thực hiện đổi mới Trung tâm học tập cộng đồng: Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để có phòng học, phương tiện học tập, lớp học được kết nối wifi đảm bảo cho việc học tập diễn ra đạt hiệu quả cao nhất; Phối hợp với Hội Khuyến học các cấp và phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức, điều phối, quản trị hoạt động học tập cộng đồng; Phối hợp với các nhà giáo, chuyên gia khoa học công nghệ trên địa bàn để tổ chức các hoạt động học tập của Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới.
Những tác động của trung tâm học tập cộng đồng đổi mới trên nền tảng số
Trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số đã phát hiện, kích hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và cộng đồng địa phương.
- Việc triển khai thực hiện mô hình Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới đã xác định nhu cầu học tập về kiến thức, kĩ năng mới của người dân là rất lớn, nhất là các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, phát triển kinh tế, sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, kĩ năng sống và hội nhập; ...
- Qua điều tra cho thấy khoảng hơn 50% người dân có mặt tại địa phương có nhu cầu học tập thiết thực.
- Mô hình Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ học tập của nhân dân và cộng đồng.
Thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng đô thị văn minh hiện nay.
- Thông qua các nội dung học tập các chuyên đề nhân dân các địa phương đã nắm vững, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương;
- Thúc đẩy ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số vào mọi lĩnh vực của cuộc sống cộng đồng;
- Củng cố, tạo niềm tin cho nhân dân về các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, về phát triển làng nghề, doanh nghiệp, vùng kinh tế đạt hiệu quả cao;
- Tác động đến hoạt động thu gom, xử lí rác thải, xây dựng phong trào gia đình văn hoá, thôn làng văn hoá, phát triển các câu lạc bộ nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân;
- Nhân dân các địa phương đã tích cực hưởng ứng các chủ trương đầu tư, kiến thiết các công trình phục vụ dân sinh và đáp ứng được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và khu dân cư, đô thị văn minh ở địa phương.
Tác động mạnh mẽ phong trào xây dựng các mô hình học tập ở địa phương.
- Thông qua các hoạt động học tập cộng đồng, lớp chuyên đề, lớp/nhóm zalo, lớp học online, trang webside, mạng xã hội; ... các đơn vị sản xuất, tổ chức hội, cá nhân, ...đã làm đa dạng hóa, phong phú các loại hình học tập cộng đồng.
- Xác định được vị trí, vai trò của trung tâm học tập cộng đồng đổi mới trong thực hiện xây dựng các mô hình học tập góp phần thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học suốt đời trong nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Tác động và phát triển kĩ năng, năng lực tự học, tự làm cho người học tại cộng đồng.
- Người học được tiếp cận với những kiến thức mới, được tương tác, được hướng dẫn sử dụng các phương tiện hiện đại vào trong cuộc sống.
- Học qua website, qua không gian mạng xã hội và công nghệ số người học tăng cường kĩ năng tự khai thác, tự học, tự vận dụng, tự làm ở mọi lúc, mọi nơi.
- Phát triển kĩ năng, năng lực tự học suốt đời cho người học.
- Tác động và làm thay đổi tư duy của người quản lí trung tâm học tập cộng đồng.
Sự học ngày nay của trung tâm học tập cộng đồng gắn kết sự thay đổi mỗi người học trong từng công việc.
Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới trên nền tảng số được thực hiện đã làm lan tỏa nguồn tri thức, kinh nghiệm mới tới từng người dân, tới cộng đồng, thúc đẩy sự tự học, học tập suốt đời của người dân và cộng đồng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phuong-phap-xay-dung-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-tren-nen-tang-so-179250107132155542.htm