Phương pháp gây hứng thú trong học Tiếng Anh cho sinh viên trường đại học không chuyên

06:05 - 18/03/2023

Làm thế nào để gây được hứng thú cho sinh viên trong giờ học ngoại ngữ luôn là câu hỏi lớn mà tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ đều muốn tìm ra câu trả lời. Nhất là đối với dạy và học ngôn ngữ thông dụng là Tiếng Anh.

Phương pháp gây hứng thú trong học Tiếng Anh cho sinh viên trường đại học không chuyên- Ảnh 1.

Trong các ngôn ngữ giao tiếp thông dụng trên thế giới, Tiếng Anh đang được coi là ngôn ngữ chung phổ biến nhất.

Ngày nay, khi nền kinh tế của các nước trên thế giới ngày càng phát triển thì sự giao lưu văn hoá chính trị, xã hội giữa các quốc gia ngày càng được mở rộng. Để giao tiếp được với nhau thì đòi hỏi các quốc gia khác nhau trên thế giới phải biết sử dụng thành thạo một ngôn ngữ chung ngoài tiếng mẹ đẻ của mình.

Tiếng Anh đang được coi là ngôn ngữ chung phổ biến nhất trên thế giới

Từ nhiều năm nay, việc học ngoại ngữ ngày càng được phổ biến rộng rãi và môn học này đang trở thành môn học bắt buộc trong các trường học. Bởi vậy yêu cầu đặt ra là làm thế nào để giờ dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao. Yêu cầu này đòi hỏi người giáo viên phải luôn hoàn thiện mình không chỉ về trình độ chuyên môn mà cả về phương pháp dạy học và thủ thuật dạy học. 

Vì vậy, làm sao cho sinh viên hiểu và phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong quá trình học môn ngoại ngữ là việc làm vô cùng cần thiết và có ý nghĩa lớn trong giáo dục và đào tạo hiện nay. Tiếng Anh là một môn học không còn mới nhưng tương đối khó đối với sinh viên, nhất là nững sinh viên không được đào tạo bài bản từ các cấp học trước đó. Đặc biệt là đối với sinh viên các trường đại học không chuyên nói riêng. 

Vấn đề "làm thế nào để gây được hứng thú cho sinh viên trong giờ học ngoại ngữ" luôn là câu hỏi lớn mà tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ đều muốn tìm ra câu trả lời.

Thực tế cho thấy ở một số tiết học đối với sinh viên năm thứ nhất, nếu như giáo viên áp dụng phương pháp dạy học theo lối áp đặt "thầy đọc - trò chép" thì chỉ có 15% - 20% sinh viên suy nghĩ và làm việc tích cực, số sinh viên còn lại cũng chỉ ghi bài và lắng nghe một cách thụ động, máy móc mà không hiểu được nội dung của bài. Như vậy hiệu quả học tập sẽ không đạt được như mục tiêu đề ra, nhất là đối với phương pháp dạy học theo tình huống với tính chất hướng dẫn, định hướng nghiên cứu cho sinh viên. 

Để khắc phục được tình trạng đó thì phương pháp hiệu quả nhất là mỗi giáo viên phải tự chọn ra cho mình phương pháp dạy phù hợp thông qua một quá trình tìm tòi, thử nghiệm và kinh nghiệm giảng dạy thực tế của bản thân trên cơ sở hiểu biết về lý thuyết của việc dạy học.

Qua nhiều năm học hỏi, tham khảo tài liệu và những kinh nghiệm được rút ra thông qua các giờ dạy thực tế ở trên lớp, bản thân tôi đã tìm ra được phương pháp dạy phù hợp, thu hút được phần lớn sinh viên tham gia bài học một cách chủ động, sáng tạo cũng như "Gây hứng thú cho các em mỗi khi đến tiết học ngoại ngữ". Phương pháp này tôi đã áp dụng trong quá trình giảng dạy của mình và thu được kết quả rất khả quan. Vì vậy, tôi mạnh dạn trình bày kinh nghiệm thực tế của mình trao đổi với các đồng nghiệp nhằm không ngừng nâng cao tay nghề với mục đích cuối cùng là làm sao cho sinh viên say mê hơn nữa đối với môn học tiếng Anh ở các trường đại học không chuyên hiện nay.

Trong quá trình học, sinh viên sẽ đạt được kết quả cao nếu như các em xác định được động cơ học tập của mình. Đối với sinh viên các trường đại học không chuyên, động cơ học tập sẽ có được khi các em cảm thấy có hứng thú đối với môn học và thấy được sự tiến bộ của mình qua các giờ học, cụ thể bằng các cách thức sau đây.

Sử dụng đồ dùng trực quan nhằm gây hứng thú 

Theo quan điểm của tôi tất cả các phương tiện dạy học như băng, đài và các phương tiện trực quan như tranh, ảnh, đồ vật thật,… đều có thể gây hứng thú cho sinh viên trong học tập. Trong đó việc sử dụng đồ dùng trực quan là phương pháp gây hứng thú cho sinh viên hiệu quả nhất trong giảng dạy ngoại ngữ, vì phương tiện trực quan đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ý nghĩa, giúp người học liên tưởng được ý nghĩa của ngôn ngữ một cách trực tiếp, dễ dàng, dễ khắc sâu mà không cần phiên dịch.

Với các chủ đề gần gũi, sát thực với cuộc sống thường ngày của bộ sách giáo khoa Tiếng Anh dùng cho các trường đại học không chuyên hiện nay, giáo viên có thể giới thiệu từ mới hay tính huống thông qua các phương tiện trực quan như hình ảnh hay đồ vật thật.

Ví dụ: Khi dạy (English grammar in use 130 đề mục ngữ pháp tiếng Anh thông dụng). Để giới thiệu từ mới:
a door → một cái cửa (ra vào)
a window → một cái cửa sổ
a board → một cái bảng
Giáo viên có thể chỉ vào các đồ vật có thật ở trong lớp và giới thiệu:
"This's a board" or "This is a desk"

Sau đó giáo viên yêu cầu học sinh nhìn vào đồ vật và đoán nghĩa của từ. Phương pháp này cho các em hứng thú học tập và sự tập trung cao vì các từ mà giáo viên giới thiệu là những đồ vật rất gần gũi và dễ đoán nghĩa đối với sinh viên. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có sẵn đồ vật thật ở trường nên giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh để thay thế. Đây là cách dạy nhẹ nhàng nhất, dễ hiểu nhất nhưng kết quả đạt được rất cao và rất phù hợp với đối tượng sinh viên các trường đại học không chuyên.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng những tiết học thực tế tại khuôn viên nhà trường hoặc trên địa bàn khu vực của nhà trường để giới thiệu những cụm từ mới, những vấn đề thuyết trình liên quan đến nội dung bài học và chuyên môn học tập của sinh viên khi học tiếng Anh. Sau đó giáo viên đưa ra các câu hỏi để gợi mở cho sinh viên nói về chủ đề của bài. Ngoài việc sử dụng các đồ dùng trực quan để giới thiệu từ mới, chủ đề hay tình huống của bài, giáo viên có thể sử dụng chúng để củng cố bài học nhằm giúp cho học sinh khắc sâu hơn nội dung của bài và học sôi nổi hơn.

Gây hứng thú học tập bằng cách khêu gợi trí tò mò và tính ham hiểu biết của sinh viên

Đối với sinh viên các trường đại học không chuyên năm thứ nhất, sau khi rời ghế nhà trường trung học phổ thông sự tò mò và tính ham hiểu biết của các em rất lớn, nên các em dễ bị lôi cuốn vào những vấn đề mà chúng quan tâm. Do vậy, khi sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Newheadway tiếng Anh giao tiếp các nhà biên soạn sách hiện hành đã tập trung vào những chủ đề gần gũi, sát thực với sinh viên, phù hợp với trình độ, tâm lí lứa tuổi, nhu cầu, sở thích cũng như vốn sống của các em.

Ví dụ 1: Khi nói đến chủ đề về công việc hàng ngày trong Newheadway tiếng Anh giao tiếp (tập 1) có các chủ điểm sau:
A. My day (một ngày của tôi)
B. My routime (Công việc thường nhật của tôi)
Nói đến chủ đề về đồ ăn và đồ uống có các chủ điểm như:
- Food and Drink
- At the store
- Our food
Nói về chủ đề địa điểm (places)
- (A) Our house (Nhà của tôi)
- (C) Around the house (Xung quanh ngôi nhà)
hay Asking the way
Nói về chủ đề bạn bè - My friend.
Hay nói về chủ đề nghỉ ngơi:
A. Vacation destinations
B. A holiday in Nha Trang

Tất cả các chủ đề này đều gây hứng thú cho học sinh và khêu gợi được ở các em tính tò mò rất cao. Vì vậy giáo viên phải biết cách đưa ra các tình huống để lôi cuốn các em vào chủ đề của bài cũng như những hoạt động ở trên lớp. 

Để lôi cuốn sự chú ý của siinh viên vào bài học, giáo viên vừa hành động (uống nước) vừa nói. "I'm thirsty" - cô khát. Sau đó, giáo viên hỏi sinh viên "How do you feel?" - Em cảm thấy thế nào? Sinh viên có thể trả lời "Em nóng", "em mệt",…⇒ Giáo viên giới thiệu bài. Như vậy sinh viên sẽ nhanh chóng hiểu được yêu cầu của giáo viên và dễ dàng thực hành.

Ví dụ 2: Khi dạy: "Sports and Pastime" Thể thao và các trò giải trí để thu hút được sự chú ý của sinh viên vào hoạt động trên lớp, giáo viên đưa ra câu hỏi:
T: Do you like sports? (Các em có thích thể thao không?)
Ss: Yes, we do (có)
T: Vậy hôm nay chúng ta sẽ nói về chủ đề: "Thể thao và các trò giải trí".
Sau đó giáo viên giới thiệu cho sinh viên một số từ mới nói về các môn thể thao và hướng dẫn cách đọc cho các em. Tiếp theo, để lôi cuốn sinh viên vào hoạt động thực hành, giáo viên có thể làm mẫu:
T: I play volleyball và hỏi: Which sport do you play?
(Tôi chơi bóng chuyền) (Em chơi môn thể thao nào?)
Sinh viên sẽ dễ dàng hiểu được yêu cầu của giáo viên và thực hành.
Student 1: I play soccer.
Student 2: I play badminton,...

Sau khi học xong phần Unit 4: "Take it easy" về những hoạt động mà học sinh thường làm sau giờ học chắc chắn học sinh sẽ rất thích thú và tò mò muốn biết các bạn học sinh Mỹ thường tham gia hoạt động gì lúc rãnh rỗi, hoặc có sự so sánh, đối chứng các hoạt động đó với nhiều hoạt động của các sinh viên trong nước và nước ngoài bằng những nội dung điển hình được giáo viên định hướng.

Gây hứng thú học tập bằng thúc đẩy động cơ học tập của sinh viên

Như đã nói ở trên, sinh viên chỉ có được động cơ học tập khi các em cảm thấy hứng thú đối với môn học và thấy được sự tiến bộ của mình. Do vậy, ngoài việc sử dụng các tình huống thách đố nhằm hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên vào những hoạt động trên lớp, giáo viên còn phải biết khích lệ, động viên các em trong học tập. Để giúp các em nhận thấy được sự tiến bộ trong học tập, giáo viên cần phải chú ý đến tính vừa sức trong dạy học, tránh không nên đưa ra những yêu cầu quá cao đối với học sinh. Ngoài ra giáo viên cần khuyến khích sinh viên học theo phương châm thử nghiệm và chấp nhận mắc lỗi trong quá trình thực hành, nhằm biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.

Thực tế cho thấy, có những sinh viên biết nhưng không dám nói vì sợ bị mắc lỗi, do khả năng nắm bắt nội dung còn nhiều khiếm khuyết, hạn chế nhất là trông sử dụng vốn từ, ngữ pháp làm cho sinh viên ngại nói, ngại giao tiếp. Theo tôi, đây chính là yếu tố tâm lí mà giáo viên dạy ngoại ngữ cần phải xem xét để giúp các em có được hứng thú học tập hay ít ra là tích cực hơn trong các giờ học. Trong quá trình dạy, giáo viên không nên quá khắt khe với những lỗi mà sinh viên mắc phải (Ví dụ: lỗi phát âm, lỗi chính tả, thậm chí là lỗi ngữ pháp) để tránh cho các em tâm lí sợ mắc lỗi khi thực hành.

Ví dụ: Trong khi thực hành, sinh viên nói: (She play badminton; hoặc We has a dog). Thay vì ngắt lời khi các em để sửa lỗi, giáo viên có thể để cho sinh viên trả lời xong, giáo viên khích lệ hay cổ vũ các em bằng những câu như: "Very good", "thank you" or "not bad",… Sau đó giáo viên gọi sinh viên khác nhận xét và sửa lỗi cho bạn hoặc giáo viên sửa lỗi để tránh làm cho các em nhụt chí hay mất hứng thú luyện tập.

Gây hứng thú học tập bằng sử dụng các trò chơi trong giảng dạy ngoại ngữ

Việc biết sử dụng các trò chơi trong giảng dạy Ngoại ngữ nhằm tạo cho học sinh có hứng thú trong học tập đối với môn học. Vì vậy giáo viên cần phải biết vận dụng các trò chơi trong các bài dạy để cho học sinh "học mà chơi, chơi mà học". Tuy nhiên, tuỳ vào từng bài cụ thể mà giáo viên có thể chọn ra trò chơi phù hợp với mục đích của bài học.

Ví dụ 1: sử dụng trò chơi "Bingo" được dùng để kiểm tra vốn từ vựng của học sinh đồng thời kiểm tra độ nhanh nhạy và kĩ năng nghe của các em. Khi dạy phần: "The world of the work" trong sách giáo khoa Tiếng Anh giao tiếp (tập 1) Newheadway, giáo viên chuẩn bị sẵn một dãy số bất kì không theo thứ tự từ 1 đến 20. Giáo viên yêu cầu sinh viên vẽ một bảng gồm 9 ô vuông và viết vào mỗi ô vuông 1 số bất kì nào đó trong nhóm từ 1 đến 20. Giáo viên đọc lần lượt các con số trong dãy số mà mình đã chuẩn bị sẵn. Sinh viên lắng nghe và đánh dấu vào ô con số mà giáo viên vừa đọc. Sinh viên nào có 3 ô liên tục được đánh dấu thì hô to "Bingo". Sinh viên nào "Bingo" bảng số của mình trước là người chiến thắng.

Ví dụ 2: sử dụng trò chơi: "Jumble words" được dùng để kiểm tra từ vựng. Khi dạy xong chủ đề "Food you like" trong Tiếng Anh giao tiếp (tập 1) Newheadway. Để kiểm tra xem sinh viên có thuộc từ vựng và nhanh mắt hay không giáo viên có thể viết một số từ bị xáo trộn lên bảng: (eronga; awtre; riutf; ppael; iol - kcoigno) và yêu cầu học sinh xếp lại thành từ có nghĩa: (orange (quả cam); water (nước); fruit (hoa quả); apple (quả táo); cooking oil (dầu ăn)).

Ví dụ 3: sử dụng trò chơi "Slap the board" dùng để kiểm tra từ vựng hoặc củng cố lại kiến thức. Khi dạy bài 8 - "Places" trong sách tiếng Anh lớp 7, giáo viên viết các danh từ nói về địa điểm vào các mảnh giấy nhỏ và gắn lên bảng. Giáo viên gọi từng cặp học sinh một lên bảng. Giáo viên hô to từ Tiếng Việt, học sinh vỗ vào từ được gọi bằng Tiếng Anh ở trên bảng. Em nào vỗ nhanh và đúng nhiều hơn sẽ là người chiến thắng.

Ví dụ 4: sử dụng trò chơi "Guessing game". Khi dạy bài 2 - "Names" trong sách Tiếng Anh Listen carefully phần Listening practice for elementary students, giáo viên có thể lồng ghép trò chơi hỏi đoán như sau: Sau khi sinh viên được kể tên và mô tả hình dáng bên ngoài của các nhân vật, giáo viên cho một sinh viên lên bảng và ghi tên của một bạn trong lớp mà các em muốn miêu tả vào một mảnh giấy mà không cho các bạn khác biết. Sau đó giáo viên cho sinh viên tả bằng Tiếng Anh và yêu cầu các sinh viên khác đoán xem bạn đó là ai: This girl is tall and thin. She has an oval face. She has long black hair. Who's she? Nếu em nào đoán đúng thì được lên thay thế người trên bảng.

Qua thực tế giảng dạy ngoại ngữ ở khối các trường đại học không chuyên, có thể nói rằng, việc gây hứng thú cho sinh viên đối với môn học là vô cùng quan trọng, nhất là Tiếng Anh. Vì nếu như các em có được hứng thú đối với môn học thì các em mới nỗ lực phấn đấu hết mình để đạt được kết quả cao trong học tập. Do đó, để gây được hứng thú học tập cho sinh viên cần kết hợp sử dụng giáo cụ trực quan, các trò chơi cũng như khích lệ các em tham gia thực hành trong quá trình giảng dạy, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo hiện nay.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phuong-phap-gay-hung-thu-trong-hoc-ngoai-ngu-doi-voi-sinh-vien-cac-truong-dai-hoc-khong-chuyen-179230317224208023.htm