Phóng sự: "Ngày kiêng hổ" của người Dao đỏ ở Mồ Sì San
Xã biên giới Mồ Sì San trên Cao nguyên Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) được ví như chiếc sừng nhô lên cao nhất trên trên bản đồ Việt Nam về phía Bắc.
Nơi đây được các nhà nghiên cứu văn hóa ví như "ốc đảo" của các nét văn hóa đặc sắc, trong đó có tục kiêng hổ vào mùa Xuân đã được lưu truyền hàng nghìn đời nay được ví như... "Ngày quốc tế lao động" theo phong tục.
Là xã vùng cao biên giới, Mồ Sì San có 4 bản gồm: Séo Hồ Thầu, Mồ Sì San, Tân Séo Phìn, Tô Y Phìn, cư dân toàn bộ là người Dao đỏ. Ở vùng đất "sáng tỉnh dậy núi đã đong đầy trong mắt" có độ cao trung bình 2.000m luôn bồng bềnh mây lượn và người Dao đỏ sinh sống nơi đây coi núi rừng, muông thú như một vị thần chở che cho cuộc sống.
Nếu tính theo lịch của người Dao để đến "ngày kiêng hổ" thì phức tạp vô cùng. Cứ giải thích đơn giản như thế này, vào ngày Dần đầu tiên và 2 ngày tiếp sau đó của tháng Giêng Âm lịch hàng năm thì nam phụ lão ấu, trai thanh giái lịch trong bản không ai dám cầm con dao hay vác cái cuốc vào rừng, lên nương. Vì theo phong tục từ xưa, trong những ngày này hổ sẽ xuất hiện chực chờ tha bất cứ ai. Lợn, gà, trâu, bò… thả rông như những ngày thường thì dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho chúa sơn lâm.
Cụ Lý Tẩn Phả, ở bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San đã 84 tuổi mà dáng vẻ vẫn khỏe như… Võ Tòng. Kể vể câu chuyện về tục kiêng hổ của bản, giọng cụ vẫn sang sảng như chuyện mới chỉ cách đây chưa lâu: "Thuở ấy, đỉnh cao Mồ Sì San u tịch trong đại ngàn mây phủ, sương giăng mù mịt, hổ nhiều hơn những con người trong bản, thân mình to như những cây lim cây, sến. Bụng loài thú ấy ăn vài con nai, con hoẵng vẫn chưa no. Những đàn bò mộng trong chuồng của dân bản chăn nuôi luôn là những món mồi ngon của hổ. Đàn gia súc cứ thưa dần sau mỗi buổi chiều lùa bò về chuồng. Bao phen mất bò, dân bản Mồ Sì San biết được khi nào con thú hoang hung dữ bị đói cái bụng thì gầm vang vọng núi rừng để kiếm mồi, thì là lúc ngày kiêng hổ bắt đầu".
Bây giờ, vào những ngày đầu năm mới hằng năm, người Dao đỏ ở xã Mồ Sì San vẫn coi tục kiêng hổ như sức mạnh tinh thần, mặc dù hổ ở núi cao mây mù Mồ Sì San thì khoảng 40 năm nay, không ai còn thấy nữa. Các già bản người Dao đỏ ở xã Mồ Sì San nói rằng, từ xa xưa cha ông họ đã có tục kiêng hổ vào mùa Xuân. Trong những ngày kiêng hổ, dân bản không lên nương, không lên rừng, nông cụ được xếp gọn gàng vào một góc nhà không ai được đụng đến và đặc biệt là không gây ra những tiếng động lớn trong nhà. Bà con cho rằng, nếu làm những việc ấy sẽ gặp điều rủi trong suốt cả năm. Vào "ngày kiêng hổ", các cụ già ở Mồ Sì San vẫn thường thư thái ngồi viết chữ mừng năm mới, nam thanh nữ tú tổ chức các trò chơi, phụ nữ thì may vá, thêu thùa, trẻ em được mặc những trang phục dân tộc đẹp nhất, mới nhất để vui chơi, giao lưu tìm bạn...
"Ngày kiêng hổ" ở Mồ Sì San là dịp để dân bản được quần tụ vui chơi sau những tháng ngày lao động trên nương vất vả. Họ gặp nhau để trao cho nhau những kinh nghiệm làm ăn để có được một những mùa nương rẫy ấm no, cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phong-su-ngay-kieng-ho-cua-nguoi-dao-do-o-mo-si-san-179230126182158554.htm