Phòng, chống cháy nổ: Biện pháp bền vững vẫn là ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân
Trong 5 năm, cả nước xảy ra 17.055 vụ cháy, 433 người chết, 790 người bị thương, 6.786 người được cứu thoát, 3.350 thi thể nạn nhân cháy, đuối nước được tìm thấy.
Theo báo cáo của Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy ngày 12/9, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm hơn 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.
Về công tác Cứu nạn cứu hộ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn cứu hộ với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy.
Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân các cấp đã tổ chức 145 hội nghị tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; trong đó có 02 hội nghị do Chính phủ chủ trì tổ chức, 08 hội nghị do Bộ Công an tổ chức, 135 hội nghị do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ban, ngành chủ trì.
Cả nước đã xây dựng, phát triển, nhân rộng trên 4.000 mô hình điển hình, hơn 14.000 điển hình tiên tiến về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo phương châm "Bốn tại chỗ". Trong đó có 1.077 điểm mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và 470 điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư.
Cũng trong 5 năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên 23 triệu lượt hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Đã phát hiện trên 1.100.000 tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp.
Trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, 8 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ đã hy sinh nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Những con số trên cho thấy, Nhà nước và chính quyền cùng lực lượng chức năng các cấp đã quan tâm tổ chức, tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, cố gắng giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ và các tai nạn khác.
Để phá được bức tường dày đến 30, 40 cm, tạo lỗ thủng thoát khói, đưa vòi nước dập lửa vào, phải mất hàng nửa tiếng. Trong nửa tiếng ấy, thảm hoạ đã nhân lên nhiều lần. Nhiều chiến sỹ trực tiếp cứu hộ đã bật khóc khi không thể làm nhanh hơn, trong lúc đồng bào đang cận kề cái chết.
Tuy nhiên, như nhận định của Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ còn nhiều bất cập. Bất cập từ khâu quy hoạch, quản lý đến tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm cho đông đảo người dân. Bất cập từ nhận thức, ý thức của cộng đồng về vấn nạn này.
Hằng năm, khu chung cư nào cũng tổ chức tập huấn cho dân cư về công tác phòng cháy chữa cháy, nhưng tỷ lệ người dân đi dự họp rất thấp, có chung cư cả nghìn dân, chỉ có chục người đến dự, nhiều người trong số đó là người giúp việc, đi để điểm danh cho chủ nhà.
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ đã được trang bị nhiều loại thiết bị, từ những chủng loại hiện đại như xe ô tô chuyên dụng có thể chứa hàng chục mét khối nước, các loại quần áo, mũ bảo hộ bằng vật liệu cách nhiệt, mặt nạ phòng độc… cho chiến sỹ cứu hoả, các loại bình bọt, bình khí CO2 dập lửa, thang cứu hộ có thể vươn đến nhà cao 15 tầng để dập lửa cứu người, trong đó có chiếc xà beng quy chuẩn theo Thông tư 150 Bộ Công an. Xà beng quy chuẩn dài 100cm, một đầu nhọn, một đầu dẹt dùng để phá tường, rào chắn và chướng ngại vật khi chữa cháy.
Khi xảy ra cháy ở khu dân cư đông đúc, nhà liền kề hình ống, lực lượng Cứu nạn cứu hộ nhiều khi không thể vào qua cửa chính, phải phá tường tạo lối thoát khói, đưa vòi phun nước vào và tiếp cận cứu người, thế nhưng dụng cụ phá tường chỉ là xà beng dùng sức người. Để phá được bức tường dày đến 20, 30 cm, tạo lỗ thủng thoát khói, đưa vòi nước dập lửa vào, phải mất hàng nửa tiếng. Trong nửa tiếng ấy, thảm hoạ đã nhân lên nhiều lần. Nhiều chiến sỹ trực tiếp cứu hộ đã bật khóc khi không thể làm nhanh hơn, trong lúc đồng bào đang cận kề cái chết.
Dư luận thắc mắc, tại sao lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ không dùng máy đục bê tông công suất lớn để phá tường cứu nạn?
Trao đổi với Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh, Đội phó phụ trách Đội Cảnh sât Phòng cháy chữa cháy, Cứu hộ cứu nạn Công an quận Cầu Giấy (thay Thượng tá Đặng Anh Quân hy sinh ngày 1/8 trong khi cứu hộ vụ cháy quán Karaoke ISIS Đường Bờ sông, phường Quan Hoa), chúng tôi được biết: Các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu hộ cứu nạn đều được trang bị máy đục phá bê tông công suất lớn. Đây là thiết bị cầm tay nặng hàng chục ki lô gam, lớn hơn nhiều so với máy khoan thông thường, Có nhiều loại máy khác nhau, phần lớn chạy bằng điện nguồn 220V-50Hz, có loại chạy bằng ắc quy, có loại chạy bằng khí nén…
Bình thường khi thao tác tại hiện trường, máy có thể lấy nguồn điện từ nhà bên cạnh đám cháy nếu bảo đảm an toàn. Trong mọi trường hợp, người sử dụng phải có điểm tựa vững. Khi hoạt động, máy rung với biên độ lớn, nếu điểm tựa không vững, người điều khiển sẽ không thể giữ máy lâu được, thậm chí có thể bị ngã, đánh rơi máy nếu đứng trên thang, với ra xa. Ngay cả khi phá cầu thang bộ, do máy rung, cũng có thể làm sập cầu thang.
Khi đã xảy cháy, nói chung nguồn điện bị cắt, máy điện không hoạt động được. Máy vận hành bằng hơi phải có bình khí nén cồng kềnh đi cùng, dây nối chỉ vài mét, không thể mang vác theo trong điều kiện vô cùng khẩn trương, lửa cháy dữ dội, sức nóng có thể làm cho bình khí nổ, tác hại khôn lường.
Như vậy, từ thực tế hiện trường các vụ cháy gần đây, việc cần làm bền vững và lâu dài vẫn là nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở về công tác phòng cháy chữa cháy, nâng cao trình độ nghiệp vụ của lực lượng cứu hộ cứu nạn và ý thức phòng ngừa hoả hoạn của người dân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phong-chong-chay-no-bien-phap-ben-vung-van-la-y-thuc-trach-nhiem-cua-tung-ca-nhan-179220914165653779.htm