Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam làm việc với Tạp chí Công dân và Khuyến học
Sáng 03/6 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã tới thăm và làm việc với Tạp chí Công dân và Khuyến học.
Toàn cảnh chuyến thăm, động viên của lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học.
Cùng làm việc với Tạp chí Công dân và Khuyến học có Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng khẳng định, Tạp chí Công dân và Khuyến học được thành lập là sự kế thừa và phát triển Tạp chí Dạy & Học Ngày nay, với 2 loại hình báo chí: Tạp chí in và Tạp chí điện tử. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học là phương tiện truyền thông hiện đại, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phản ánh hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam các cấp; góp phần thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập trong bối cảnh khoa học công nghệ 4.0, hội nhập quốc tế sâu rộng.
"Tạp chí Công dân và Khuyến học phải trở thành cơ quan truyền thông hiện đại, góp phần vào nhiệm vụ giúp cho công dân Việt Nam ở mọi lứa tuổi, ở mọi địa bàn được học tập và tự học để có thể đạt tiêu chí công dân toàn cầu"
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lê Mạnh Hùng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm vượt qua khó khăn của tập thể Tạp chí - chỉ trong thời gian ngắn đã trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ làm báo điện tử tiên tiến.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo về định hướng nội dung, hướng phát triển Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học trong thời gian tới:
"Nội dung của Tạp chí Công dân và Khuyến học phải đúng tôn chỉ, mục đích; phải có những bài viết hay, không chỉ phản ánh mà còn phải phản biện, kiến giải sâu sắc những vấn đề thời sự, cấp thiết ở các lĩnh vực hiện nay mà công dân Việt Nam quan tâm, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập. Trong thời đại ngày nay, công dân phải có kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ để hội nhập quốc tế. Tạp chí phải trở thành cơ quan truyền thông hiện đại, góp phần vào nhiệm vụ giúp cho công dân Việt Nam ở mọi lứa tuổi, ở mọi địa bàn được học tập và tự học để có thể đạt tiêu chí công dân toàn cầu. Tạp chí cần chú trọng tuyên truyền các mô hình học tập như gia đình học tập, dòng họ học tập, cơ quan, đơn vị học tập, công dân học tập, xã hội học tập; tuyên truyền những gương điển hình, những nhân tố mới và gương người tốt, việc tốt có sức lay động. Muốn như vậy, Tạp chí cần phải tập hợp được những nhà báo giỏi"- Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng nói.
"Nội dung của Tạp chí Công dân và Khuyến học phải đúng tôn chỉ, mục đích; phải có những những bài viết hay, không chỉ phản ánh mà còn phải phản biện, kiến giải sâu sắc những vấn đề thời sự, cấp thiết ở các lĩnh vực hiện nay mà công dân Việt Nam quan tâm, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập"
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo những vấn đề cụ thể trong việc chuẩn bị lễ ra mắt Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học vào sáng 16/6/2022 sắp tới.
Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học Tô Quang Phán cảm ơn sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam đối với Tạp chí. Tạp chí sẽ thực hiện quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo Hội, tập thể Tạp chí sẽ nỗ lực hơn nữa để luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, để luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam, xứng đáng với sự tin yêu của hơn 21 triệu hội viên khuyến học trong cả nước.
Một số hình ảnh Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng thăm và làm việc với Tạp chí Công dân và Khuyến học: