Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - giải pháp đột phá để phát triển lực lượng sản xuất
Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, sự tác động to lớn và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm biến đổi căn bản và toàn diện lực lượng sản xuất của toàn thế giới.
Xu hướng trên tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để các nước trên thế giới đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, đặc biệt là nâng cao trình độ của người lao động, hình thành lực lượng lao động toàn cầu.
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để có thể rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trên con đường phát triển Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, đó là thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao cả về quy mô và chất lượng.
Thực tế, trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều chính sách để phát triển nguồn lao động chất lượng cao nhưng kết quả thì chưa tương xứng với quy mô nguồn lao động, chất lượng lao động vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực.
Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách ở nước ta hiện nay.
Vai trò của người lao động trong lực lượng sản xuất
Quan điểm của Mác - Lênin chỉ ra rằng: sự kết hợp giữa người lao động - lao động sống với tư liệu sản xuất - lao động vật hóa tạo ra lực lượng sản xuất của mỗi một xã hội ở từng thời kỳ nhất định trong lịch sử. Biện chứng giữa các yếu tố của lượng sản xuất tạo ra sức sản xuất - năng lực cải biến giới tự nhiên của con người.
Từ giữa thế kỷ XIX C.Mác đã khẳng định: khoa học có vai trò cực kỳ to lớn đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất... và sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp khi nó được chuyển hóa, ứng dụng ở một mức độ nhất định trong sản xuất. Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho khoa học và công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp khi mà những phát minh, ứng dụng tri thức khoa học vào sản xuất ngày càng sâu sắc. Khoa học và công nghệ tác động trực tiếp đến các yếu tố của lực lượng sản xuất làm cho trình độ của lực lượng sản xuất tăng lên.
Lực lượng sản xuất với tư cách là nội dung của mọi phương thức sản xuất trong lịch sử, nó không phải là sự kết hợp giản đơn, ngẫu nhiên của các yếu tố cấu thành mà là sự kết hợp mang tính biện chứng, mỗi yếu tố giữ một vai trò nhất định đối lực lượng sản xuất. Trong đó, người lao động giữ vị trí trung tâm - nhân tố quyết định trong lực lượng sản xuất và được biểu hiện ra trong quá trình lao động. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã hình thành hệ thống khoa học - kỹ thuật - sản xuất, điều này ngày càng đòi hỏi người lao động phải phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực - là nhân tố quyết định đến trình độ phát triển của lực lượng sản xuất - động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực trạng nguồn lao động chất lượng cao và những vấn đề đặt ra hiện nay
Về quy mô nguồn lao động: quy mô nguồn lao động có mối quan hệ hữu cơ với quy mô dân số. Theo kết quả tổng điều tra dân số ở Việt Nam được tiến hành 10 năm một lần, bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 năm 1979, Việt Nam có tốc độ tăng dân số khá cao: "Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).
Với quy mô này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới".
Kết quả điều tra dân số cũng cho thấy sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm và tính đến tháng 6/2022 dân số Việt Nam là hơn 99 triệu người, trung bình dân số tăng khoảng 1 triệu người/năm.
Ngoài ra, kết quả điều tra dân số và nhà ở từ năm 2009 đến năm 2019 cũng cho thấy Việt Nam còn là một quốc gia có dân số trẻ, đặc điểm nổi bật của dân số của Việt Nam là nhóm dân số từ 15 tuổi đến 59 tuổi chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số, tỉ lệ này còn cao hơn so với các nước đang phát triển.
Bảng 1. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi các nước và Việt Nam năm 2019
Nhóm tuổi | Các nước phát triển | Các nước đang phát triển | Việt Nam |
0-14 | 18,5 | 32,4 | 33,6 |
15-59 | 62,6 | 59,3 | 58,3 |
≥ 60 | 18,9 | 8,3 | 8,1 |
Quy mô dân số tăng kéo theo quy mô lao động không ngừng tăng đã tạo những điều kiện thuận lợi cho phát triển lực lượng sản xuất đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn thách thức trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn.
Hiện nay, do lực lượng lao động tập trung lớn ở khu vực nông thôn, sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị diễn ra chậm, từ năm 2012 đến năm 2020 mới chuyển dịch từ 71,5% xuống 66,9%. Việc tập trung quy mô lớn ở khu vực nông thôn sẽ dẫn đến mất cân đối về cung, cầu lao động giữa các khu vực kinh tế, tác động tiêu cực sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Bảng 2. Quy mô nguồn lao động giai đoạn 2012 -2022, phân theo thành thị/nông thôn (đvt: triệu người)
Năm 2012 | Năm 2022 | ||||
Vùng kinh tế | Lực lượng LĐ | Tổng số | Vùng kinh tế | Lực lượng LĐ | Tổng số |
Cả nước | 51.326 | 100,0 | Cả nước | 54.842 | 100,0 |
Thành thị | 14.643 | 28,5 | Thành thị | 18.171 | 33,1 |
Nông thôn | 36.683 | 71,5 | Nông thôn | 36.671 | 66,9 |
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động trẻ, quy mô lớn, lực lượng này nếu được đào tạo chuyên môn cao sẽ là nguồn lực to lớn để phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, khi xem xét thực trạng nguồn lao động ở nước ta cần xem xét mối quan hệ giữa quy mô với chất lượng nguồn lao động thì mới đánh giá được thực chất nguồn lao động của Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Về chất lượng nguồn lao động: lý luận về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta xuất phát từ nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo đó, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bắt nguồn từ lực lượng sản xuất, từ nhân tố quyết định đó là người lao động. Trên cơ sở lý luận đó, Việt Nam đã xây dựng những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có điểm xuất phát là người lao động, bước đầu xây dựng được một lực lượng lao động chất lượng cao.
Vậy thì lao động chất lượng cao là gì, tiêu chí nào để xác định? Theo Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO) tiêu chí để nhận diện lao động chất lượng cao là: "Có đạo đức nghề nghiệp; yêu nghề; say mê với công việc; có tính kỷ luật và trách nhiệm với công vệc; có khả năng thích ứng với cái mới và linh hoạt cao trong công việc chuyên môn; có khả năng sáng tạo trong công việc".
Từ những tiêu chí trên có thể nhận thấy lao động chất lượng cao là một bộ phận của nguồn lao động, là những người trực tiếp làm việc tại các vị trí có liên quan mật thiết tới sự ra đời, phát triển, truyền bá và ứng dụng tri thức khoa học. Từ những nhận định và đánh giá nêu trên là căn cứ để chúng ta có một cái nhìn khách quan, một bức tranh toàn cảnh về chất lượng nguồn lao động của Việt Nam hiện nay.
Bảng 3. Dân số từ 15 tuổi trở lên, chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2020 (đvt: %)
Tổng số lao động | Không có CMKT | Sơ cấp | Trung cấp | Cao đẳng | Đại học |
100% | 80,8% | 3,1% | 3,5% | 3,3% | 9,3% |
Bảng 3 cho thấy cả nước có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 19,2% có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó người có trình độ từ đại học trở lên chiếm 9,3%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có trình độ đại học chung của cả nước là 9.3%, tỉ lệ này còn nhỏ bé so với quy mô nguồn lao động và nhu cầu lao động chất lượng cao của nền kinh tế. Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là chất lượng của lao động trình độ cao chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, với danh nghĩa là lao động trình độ cao nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và phẩm chất lao động công nghiệp hiện đại, trong đó có những kỹ năng quan trọng ngoại ngữ và tin học - đây là một trong những thách thức to lớn đối với việc hiện đại hóa lực lượng sản xuất.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - vấn đề cấp bách hiện nay
Sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng đòi hỏi quy mô và trình độ lao động ngày càng cao.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về lao động và việc làm những năm gần đây liên tục khuyến cáo về sự bất hợp lý giữa quy mô và chất lượng lao động. Trong tổng số 54,82 triệu lao động chỉ có khoảng 13,2 triệu lao động được đào tạo, chiếm khoảng gần 19,2%, còn hơn 41,6 triệu lao động, chiếm khoảng 80% lực lượng lao động chưa được đào chuyên môn kỹ thuật.
Như vậy, lực lượng lao động chất lượng cao của Việt Nam còn nhỏ bé so với quy mô nguồn lao động, trình độ của người lao động hạn chế làm cho năng suất lao động xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về xếp hạng chất lượng nguồn nhân lực năm 2019 thì: "Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng, trong khi đó Hàn Quốc là 6,91/10 điểm, Ấn Độ là 6,76/10 điểm, Malaysia là 5,59/10 điểm, Thái Lan là 4.94/10 điểm".
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới, phù hợp với bối cảnh xã hội và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nguồn lao động chất lượng cao, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một vấn đề cấp bách hiện nay.
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam
1. Phát triển nguồn lao động chất lượng cao phải được giải quyết dưới góc độ hệ thống cấu trúc của lực lượng sản xuất
Lực lượng sản xuất là một chỉnh thể mang tính hệ thống, tác động một cách biện chứng giữa các yếu tố: người lao động, tư liệu sản xuất và sự thâm nhập của khoa học - kỹ thuật - công nghệ vào các yếu tố này, vì thế giải pháp phát triển nguồn lao động chất lượng ở nước ta hiện nay phải được thực hiện một cách thống nhất trong hệ thống cấu trúc của lực lượng sản xuất:
Một là, phát triển nguồn lao động chất lượng cao phải gắn với việc xây dựng tư liệu sản xuất tiên tiến, chỉ có tư liệu sản xuất tiên tiến mới đặt ra những yêu cầu cao đối với người lao động về thể chất, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp làm thay đổi trình độ của người lao động. Tư liệu sản xuất tiên tiến còn tạo ra một quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với nó, làm thay đổi thái độ, tính cực xã hội của người lao động - đây là biện chứng giữa các yếu tố của lực lượng sản xuất thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Hai là, phát triển nguồn lao động chất lượng cao phải gắn với với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ hiện đại. Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ đang ở giai đoạn mới, cuộc cách mạng 4.0 ngày càng cho thấy sự thâm nhập sâu của khoa học - kỹ thuật - công nghệ vào lực lượng sản xuất làm biến đổi trình độ người lao động theo hướng tích cực. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ hiện đại ngày càng đòi hỏi người lao động phải được trang bị tri thức mới, tri thức để áp dụng những kết quả của khoa học vào thực tiễn lao động điều này trực tiếp kích thích và đòi hỏi người lao động phải chủ động không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn - góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
2. Phát triển nguồn lao động chất lượng cao phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất
Làm thế nào để có lực lượng lao động trình độ cao đủ về quy mô, hợp lý về cơ cấu và nâng cao về chất lượng, và làm thế nào để lao động trình độ cao trở động lực chủ yếu để phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển?. Việc này chỉ có thể được giải quyết trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, chỉ khi nào xây dựng được một quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì mới tạo "địa bàn" thuận lợi để người lao động có thể phát huy năng lực, sức sáng tạo của mình.
Như chúng ta đã biết, nếu xét từng yếu tố riêng lẻ của lực lượng sản xuất chúng ta không thua kém so với các nước trong khu vực, thậm chí có những yếu tố còn trội hơn như thể chất sinh học, trình độ giáo dục phổ thông… nhưng nghịch lý là năng suất lao động của chúng ta lại thấp hơn so với họ, lý giải cho điều này chỉ có thể là do quan hệ sản xuất của chúng ta có vấn đề bất cập, chưa giải phóng hết năng lực của người lao động. Vì vậy, cần phải có những giải pháp cụ thể dưới góc độ quan hệ sản xuất, của kiến trúc thượng tầng để giải phóng nguồn lao động, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển:
Một là, thay đổi mô hình giáo dục - đào tạo từ khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục sang đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trước hết phải đánh giá lại việc đào tạo nguồn lao động và lao động chất lượng cao thời gian qua, có quá nhiều bất cập trong vấn đề này dẫn đến sự thiếu hụt về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tổ chức lại hệ thống các cơ sở dự báo nhu cầu lao động, các trung tâm kiểm định chất lượng đào tạo, các tổ chức này phải bảo đảm tính độc lập, có đủ năng lực để dự báo, đánh giá năng lực và kiểm định chất lượng đào tạo của trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề, đảm bảo chuẩn đầu ra về chất lượng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Hai là, đột phá về tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với lao động trình độ cao. Thời gian qua chính sách về tiền lương đối lao động trình độ cao cũng chưa hợp lý, vẫn còn tư duy bình quân chủ nghĩa trong thu nhập từ tiền lương và phúc lợi xã hội nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp. Chính sách đãi ngộ chưa hợp lý tác động tiêu cực đến thái độ tinh thần của người lao động, không tạo ra động lực để người lao động hăng hay học tập, cập nhật kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Hiện nay, xuất hiện làn sóng bỏ việc ở khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân và thu hút được người tài, chuyên gia giỏi về làm việc ở các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là minh chứng rõ ràng cho việc này. Chế độ đãi ngộ thông qua tiền lương và phúc lợi xã hội phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển nguồn lao động chất lượng cao, tạo đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất.
Ba là, hoàn thiện pháp luật lao động về thị trường lao động Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện khung pháp luật cho thị trường lao động phát triển phù hợp với quy luật của thị trường. Tạo kết nối đồng bộ với thị trường lao động thế giới, ưu tiên thị trường lao động ở trong vực ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thu hút lao động trình độ cao là du học sinh, chuyên gia người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài về nước làm việc, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động là chuyên gia đầu ngành ở một số lĩnh vực, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Bốn là, phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù về thị trường khoa học và công nghệ để tạo động lực phát triển nguồn lao động chất lượng cao. Xây dựng và tổ chức có hiệu quả các chính sách để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Thị trường khoa học và công nghệ là một thị trường còn khá non trẻ, quy mô còn nhỏ bé, cơ chế và năng lực quản lý thị trường khoa học và công nghệ hạn chế, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Việc phát triển thị trường khoa học công nghệ đòi hỏi phải xây dựng lực lượng lao động khoa học công nghệ cả về quy mô và chất lượng - đây là nhân tố thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Năm là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn đột phá. Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng chiều sâu, lấy "vốn con người" và khoa học công nghệ làm nền tảng cho tăng trưởng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ dẫn đến việc chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn sang thành thị, góp phần điều tiết cung, cầu lao động và sử dụng hiệu quả nguồn lao động trình độ cao, tạo bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất.
Kết luận
Lực lượng sản xuất với tư cách là nội dung của mọi phương thức sản xuất trong lịch sử, nó không phải là sự kết hợp giản đơn của các yếu tố người và vật mà là sự kết hợp mang tính biện chứng. Trong đó, người lao động giữ vị trí trung tâm, nhân tố quyết định trong lực lượng sản xuất được thể hiện ra trong quá trình lao động. Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - sản xuất ngày càng đòi hỏi con người phải phát triển toàn diện về thể chất, kỹ năng và sức sáng tạo - người lao động phải có trình độ cao mới đáp ứng được yêu cầu của lực lượng sản xuất hiện đại.
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có một lực lượng sản xuất tiên tiến. Để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp phát triển nguồn lao động chất lượng cao được xem là giải pháp đột phá. Giải được bài toán nguồn lao động chất lượng cao sẽ quyết định sự thành công của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta - một cường quốc về lao động trở thành cường quốc về kinh tế trong tương lai.