"Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" - cuốn sách cần cho nhiều giáo viên

06:00 - 18/12/2022

Vì sao cần giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ? Bởi chỉ tập trung vào phát triển chỉ số thông minh IQ là chưa đủ để bảo đảm cho trẻ sự thành công.

Cảm xúc chưa được chú trọng trong giáo dục phổ thông

"Bạn thông minh theo cách truyền thống, bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề khi làm việc một mình. Nhưng khi làm việc với người khác, nhất là khi bạn nắm vai trò chủ chốt, nếu bạn không hiểu người khác và hiểu chính mình thì rắc rối to đấy" - Giáo sư Howard Gardner, cha đẻ Thuyết thông minh đa trí tuệ, phát biểu trong Hội nghị Symphony Of the Mind 2021. 

Yếu tố cảm xúc đóng vai trò quan trọng ngang bằng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn so với các yếu tố về trí tuệ. Thế nhưng các yếu tố cảm xúc này chưa được chú trọng đúng mức trong nền giáo dục phổ thông.

Đối với cuộc sống thường nhật, cảm xúc xã hội hiện diện trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, là cách ta phản ứng trước bất kỳ sự vật hiện tượng gì. Gặp hiểm nguy thì ta sẽ cảm thấy sợ trước khi nghĩ ra cách ứng phó; nghe tin được tăng lương hay trúng số thì ta sẽ vui mừng trước khi quyết định làm gì tiếp theo. Đối với công việc, 6/10 kỹ năng quan trọng nhất của tương lai liên quan đến năng lực cảm xúc xã hội. Đối với thành tựu cả đời, cảm xúc xã hội và trí tuệ cảm xúc là yếu tố lớn nhất quyết định thành công của một người. Đối với xã hội, về lâu dài năng lực cảm xúc xã hội tạo ra khác biệt tốt hơn cho nhiều lĩnh vực chung của toàn xã hội.

Giáo dục cảm xúc xã hội sẽ đem đến những tác dụng rõ nét như sau: 

- Học sinh học tập tốt hơn, phát triển trí tuệ đồng đều, tăng khả năng hòa nhập và cống hiến cho xã hội.

- Thiếu nhi và thanh thiếu niên được kiện toàn thể chất, hỗ trợ cảm xúc, cải thiện thái độ và hành vi.

- Người trưởng thành khỏe mạnh hơn, làm việc tốt hơn, có tiêu chí sống lành mạnh và vững vàng với trí thông minh cảm xúc tốt.

- Tạo cộng đồng thành công hơn, xã hội tiết giảm bớt chi phí dịch vụ và an ninh công cộng.

Vì thế, tác giả Hồng Đinh đã vận dụng những kiến thức, cách vận hành mới nhất về giáo dục cảm xúc xã hội tại trường học và xã hội Mỹ, để tạo nên cuốn sách đơn giản và dễ hiểu nhất cho các nhà giáo, các phụ huynh, những người quan tâm đến giáo dục cảm xúc xã hội và tương lai của trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. 

"Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" - cuốn sách cần cho nhiều giáo viên - Ảnh 1.

Hồng Đinh là thạc sĩ giáo dục, giảng viên tiểu học lâu năm tại Mỹ, giảng viên nhiều khóa học cộng đồng tại Việt Nam, diễn giả cho các tổ chức uy tín như Chương trình học thuật Đại sứ quán Mỹ, nhà báo, tác giả của các đầu sách giáo dục bán chạy như "Học kiểu Mỹ tại nhà", "Học STEM kiểu Mỹ tại nhà".

"Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" - cuốn sách cần cho nhiều giáo viên - Ảnh 2.

Thạc sĩ Hồng Đinh (giữa) tại buổi ra mắt cuốn "Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" mới đây tại Hà Nội. Ảnh: Thế Vinh.

Giáo dục cảm xúc xã hội đã trở nên quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới

Từ thời Hy Lạp cổ đại, Plato đã đề xuất một chương trình giáo dục toàn diện; đào tạo cân bằng thể chất, hội họa, toán, khoa học, nhân cách, đạo đức chứ không thiên lệch về IQ.

Thế kỷ XX, giáo dục cảm xúc xã hội hiện đại được khởi xướng lại ở nước Mỹ, tạo nên những thành công đáng chú ý cho sức khỏe tinh thần các học trò lẫn nhà trường và xã hội sau này. Và hiện nay, giáo dục cảm xúc xã hội đã trở nên quan trọng và quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới.

Thạc sĩ Hồng Đinh chia sẻ: "Cuốn sách này ra đời trong bối cảnh thế giới trở nên rất VUCA - bất an, khó đoán định, biến đổi không ngừng. Đặc biệt, chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều đau thương, mất mát; đại dịch khiến giáo dục cảm xúc xã hội (SEL, social emotional learning) càng trở nên quan trọng. 

Năm học 2022-2023, tất cả các học khu tại Mỹ đều có những kế hoạch khác nhau để dạy và học SEL. Tại học khu của tôi, thầy cô phải học vài lớp tập huấn SEL và thực hiện ít nhất 1-2 tiết học SEL mỗi tuần. SEL trở thành một trong những môn học phụ có thầy cô riêng chuyên đảm nhiệm (như nhạc, họa, thể dục).

Cũng từ sau đại dịch, từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc địa cầu đã dấy lên xu thế thiền và chánh niệm, tìm hiểu nội tâm chính mình. Hiểu mình hơn để hiểu người hơn, để sống tốt hơn. Khi chúng ta không thể đi ra ngoài thì hãy tìm lối vào trong... Chính tôi cũng trải qua quá trình bóc tách năng lực cảm xúc và kỹ năng xã hội của chính mình khi viết những trang sách này, và thực sự cảm thấy hiểu rõ mình hơn, hiểu rõ người thân, bạn bè, đồng nghiệp; hiểu những nguyên nhân cho những thành công và thất bại trong công việc và cuộc sống".

Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Giáo dục EdLab Asia
"Cá nhân tôi cho rằng, giáo dục xã hội và cảm xúc (social emotional learning - SEL và social emotional education - SEE) là một mảnh ghép vô cùng quan trọng trong bức tranh Giáo dục toàn diện, bất kể chúng ta nói về nền giáo dục nào, trong bối cảnh lịch sử nào".

Cuốn sách "Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" giới thiệu đơn giản và dễ hiểu về các năng lực cảm xúc xã hội và giáo dục cảm xúc xã hội; giúp từng người trước tiên hiểu về chính mình, rồi từ đó định vị mình đúng và phát triển vững vàng trong xã hội. Dù bạn là cha mẹ, giáo viên hay học sinh; bạn sẽ tìm thấy ở đây những phương pháp rành mạch để kiện toàn thể chất, cải thiện thái độ và hành vi, giải quyết xung đột, quản lý những cảm xúc lớn như stress hoặc lo âu, tăng cường phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn, hòa nhập cộng đồng và xây dựng bản ngã cá nhân lâu bền.

Sách gồm 6 phần chính:

- Phần 1 là Tổng quan về trí thông minh cảm xúc và giáo dục cảm xúc xã hội, giúp bạn hiểu vì sao cần chú trọng cảm xúc và giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ.

- Phần 2 là các khái niệm cụ thể về cảm xúc xã hội ở trẻ tiểu học, có các bài tập và phương pháp cụ thể để nâng cao 5 năng lực cốt lõi: Năng lực tự nhận thức, Năng lực tự quản lý cảm xúc, Có ý thức xã hội, Có kỹ năng duy trì quan hệ, Ra quyết định có trách nhiệm.

- Phần 3 là các bài tập nâng cao cảm xúc xã hội ở trẻ trung học, duy trì nền tảng và nâng cấp các kỹ năng hợp lứa tuổi phức tạp này: Năng lực tự nhận thức, Năng lực tự quản lý cảm xúc, Có ý thức xã hội, Có kỹ năng duy trì quan hệ, Ra quyết định có trách nhiệm.

- Phần 4 là 24 cách rất dễ áp dụng và đảm bảo tạo môi trường gia tăng cảm xúc tốt lành ở trường.

- Phần 5 là cách thực hành giáo dục cảm xúc xã hội tại nhà, đặc biệt nêu rõ người lớn trong nhà cần tự chăm sóc bản thân trước nhất rồi hỗ trợ trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc. Phần này cũng gồm các bài tập cụ thể và dễ thao tác.

- Phần 6 và Phụ lục 1, Phụ lục 2 cung cấp các thông tin chi tiết cho các trẻ đặc biệt, các kỹ năng đặc biệt hỗ trợ trí thông minh cảm xúc, và các sách vở cùng app tăng cường EQ phù hợp cho mọi người và mọi nhà.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phat-trien-nang-luc-cam-xuc-xa-hoi-cuon-sach-can-cho-nhieu-giao-vien-179221218000226623.htm