Phát hiện mới cho thấy "Quái vật hồ Loch Ness" có thể tồn tại
Các nhà khoa học cho biết hóa thạch thằn lằn đầu rắn sinh sống ở môi trường nước ngọt, chứng tỏ một quái vật tương tự có thể từng ẩn náu ở hồ Loch Ness.
Hồ Loch Ness là một hồ nước ngọt thuộc vùng Highlands, Scotland, có diện tích 56 km2, Lượng nước trong hồ nhiều hơn tổng tất cả các hồ tại Anh và Xứ Wales cộng lại. Đây chính là nơi được cho là "nhà" của thủy quái gây tranh cãi nhất trong lịch sử: Nessie - Quái vật hồ Loch Ness.
Quái vật bí ẩn nhất hành tinh
Quái vật hồ Loch Ness (có biệt danh là Nessie) là một trong những sinh vật bí ẩn nhất hành tinh. Theo truyền thuyết dân gian Scotland, đó là một sinh vật cổ dài vẫn sống dưới đáy hồ. Trong gần 2 thế kỷ từ khi được phát hiện lần đầu tiên đến nay, đã có hơn 3.000 người cho là đã nhìn thấy sinh vật bí ẩn này.
Gần đây nhất, theo lời kể của người dân, quái vật hồ Loch Ness được cho đã xuất hiện 5 lần trong năm 2021 và lần gần nhất là vào khoảng 16 giờ 15 phút (giờ địa phương) ngày 17/3/2021.
Rất nhiều chuyên gia đã tìm cách chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Năm 2003, BBC đã tiến hành cuộc nghiên cứu lớn nhất lịch sử tại hồ Loch Ness để tìm kiếm con thủy quái. Họ đã sử dụng 600 máy phát siêu âm cùng công nghệ dò tìm từ vệ tinh nhưng vẫn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của quái vật hồ Loch Ness. Nhiều nghiên cứu khác cũng thu được kết quả tương tự.
Các chuyên gia cho rằng, hàng nghìn trường hợp quả quyết đã nhìn thấy Nessie có thể đã nhầm lẫn con quái vật với nhiều loài vật to lớn khác hoặc các thân gỗ trôi nổi giữa hồ. Hiệu ứng từ gió cũng khiến khả năng quan sát của con người kém đi.
Quái vật hồ Loch Ness có thể tồn tại, nhưng thằn lằn đầu rắn đã tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm
Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Bath và Đại học Portsmouth (Anh), Đại học Hassan II (Marocco), đã tìm thấy hóa thạch của thằn lằn đầu rắn (Plesiosaur), một loài bò sát cổ dài đã tuyệt chủng, ở nơi từng là một hệ thống sông cổ đại.
Trước đây, người ta vẫn cho rằng, thằn lằn đầu rắn cổ dài (Plesiosaur) chỉ sống ở biển, nhưng theo nghiên cứu công bố hôm 21/7 trên Tạp chí Cretaceous Research, các hóa thạch được phát hiện tại sa mạc Sahara của Morocco, là một vùng nước ngọt cách đây 100 triệu năm.
Dù phát hiện đã hé lộ rằng quái vật hồ Loch Ness có thể tồn tại, các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh, thằn lằn đầu rắn đã tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, cùng thời với khủng long.
Phát hiện cho thấy thằn lằn đầu rắn cổ dài có thể đã sống trong môi trường nước ngọt. Các hóa thạch được tìm thấy bao gồm xương và răng của thằn lằn đầu rắn trưởng thành dài 2,7 m và xương của con non dài 1,5 m. Răng của thằn lằn đầu rắn có dấu vết mài mòn tương tự thằn lằn gai, chứng tỏ chúng ăn cùng loại cá bọc giáp sống ở sông hồ.
Hóa thạch thằn lằn đầu rắn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1823. Hình dáng cơ thể của chúng với 4 chân chèo dài, cổ dài và đầu nhỏ được cho là đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện về Nessie. Tuy nhiên, trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng chỉ sống ở biển.
Mặc dù các câu chuyện "quái vật hồ Loch Ness" thường bị bác bỏ, nhưng phát hiện mới về thằn lằn đầu rắn cổ dài cho thấy một sinh vật như vậy hoàn toàn có thể sống ở hồ nước ngọt như hồ Loch Ness.
Tiến sĩ Nick Longrich, một trong những tác giả của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cretaceous Research, cho biết: "Những chiếc xương tìm thấy cho chúng ta biết rất nhiều điều về hệ sinh thái cổ đại. Chúng tôi thực sự không biết tại sao thằn lằn đầu rắn lại ở nước ngọt nhưng ai có thể phản bác điều đó? Chúng ta luôn gọi chúng là "bò sát biển" nhưng đâu có nghĩa chúng phải sống ở biển? Rất nhiều loài ở biển đã xâm nhập nước ngọt".
Những hóa thạch thằn lằn đầu rắn khác được khai quật ở Anh, châu Phi, Australia, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Dù phát hiện đã hé lộ rằng quái vật hồ Loch Ness có thể tồn tại, các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh, thằn lằn đầu rắn đã tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, cùng thời với khủng long.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phat-hien-moi-cho-thay-quai-vat-ho-loch-ness-co-the-ton-tai-179220729154106747.htm