Phân luồng học sinh trước kỳ thi vào lớp 10: Học sinh và giáo viên đều đáng thương
Rất nhiều giáo viên và học sinh đều chưa hiểu cặn kẽ, đâu là phân luồng học sinh, hướng nghiệp đúng, đâu là tước đi quyền học tập của học sinh trong cuộc đua vào lớp 10 công lập.
Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, một phần do "bệnh thành tích"?
Đến hẹn lại lên, hàng năm, khoảng nửa sau học kì 2 của năm học là giáo viên chủ nhiệm lớp 9 thừa lệnh hiệu trưởng lại "làm công tác tư tưởng" đối với những học sinh có lực học trung bình, yếu không tham gia thi tuyển sinh vào 10, gọi là công tác phân luồng học sinh.
Học sinh được thầy cô giáo tư vấn đi học nghề hoặc nộp đơn vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư thục. Bởi vì, các em có thi cũng sẽ hỏng, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân và gia đình.
Dĩ nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh không đồng tình với việc phân luồng như thế này. Và thế là xảy ra xích mích, mâu thuẫn giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Không khí lớp học vì thế cũng trở nên ngột ngạt vô cùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí các em chỉ mới 15 tuổi.
Nhiều năm qua, không ít vụ việc "ép" học sinh học nghề, phân luồng không thi tuyển sinh vào lớp 10 đã được truyền thông vào cuộc phản ánh. Tuy nhiên, từ cơ quan quản lí giáo dục cho đến hiệu trưởng đều nói một kiểu như nhau, đại loại nào là "xử lí nghiêm giáo viên vi phạm", "phải đảm bảo quyền học tập của học sinh",… rồi đâu lại vào đó.
Thầy giáo L.T.T, một cựu giáo viên ở Thanh Hoá nói thẳng, giáo viên và các nhà trường không rảnh để đến mức suốt ngày kêu phụ huynh và học sinh lên để "làm công tác tư tưởng" như vậy đâu. Học sinh và giáo viên là những nạn nhân đáng thương.
Vì địa phương (tỉnh, huyện) "giao chỉ tiêu", "đánh giá chất lượng" của Sở Giáo dục và Đào tạo. Thế là cơ quan này đánh giá Phòng Giáo dục và Đào tạo, tiếp đến Phòng Giáo dục và Đào tạo phải xếp loại trường, sau cùng trường phải áp "chỉ tiêu" lên đầu giáo viên chủ nhiệm.
Cứ sau mỗi kỳ thi tuyển sinh, các trường trung học cơ sở bị đưa vào một bảng "tổng sắp huy chương" để thấy điểm trung bình so sánh ở địa phương, rồi trường nào nhiều em được vào trường chuyên nhất, trường nào bị rớt nhiều nhất.
Những con số này sẽ quyết định sinh mệnh nghề nghiệp của giáo viên và "cái ghế" của hiệu trưởng. Hỏi làm sao mà họ không loại ngay những học sinh mà họ cho là sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của mình?".
Chữa "căn bệnh thành tích" bằng cách nào?
Chia sẻ về việc học sinh không đủ chỗ học ở các trường công lập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, cựu cán bộ Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nêu một số giải pháp sau đây.
Thứ nhất, cần xây dựng thêm các trường công lập mới. Nếu nói không có đất để xây dựng trường là không đúng. Đất cho dự án, cho chung cư vẫn bát ngát mênh mông. Nếu nói không có kinh phí cũng không phải. Hàng chục ngàn tỷ đồng đang chảy vào những "lỗ đen" vô nghĩa.
Thứ hai, cần tuyển dụng thêm giáo viên. Nếu nói không có giáo viên thì không phải. Hàng ngàn giáo viên đang chưa có việc làm. Hàng ngàn giáo viên mới nghỉ hưu sẵn sàng quay trở lại để giảng dạy. Đất nước có chiến tranh, người lính vẫn tham gia nghĩa vụ đến tuổi 70. Cái không có chính là sự quan tâm chưa đúng mức! Là sự coi nhẹ giáo dục mà đề cao thứ khác.
Thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Chúng ta đã phí phạm trí tuệ khi ra cho học trò những vấn đề vô cùng khó mà vô nghĩa, vì buộc các em nát óc suy nghĩ, nhưng khi đến kết quả thì là điều đã biết trước nhiều năm. Giá mà cũng cái nát óc đó dành cho điều chưa ai biết, sẽ trở thành phát minh, sáng chế có lợi cho nhân loại.
Chúng ta vẫn tiếp tục sai lầm khi bắt học sinh dồn sức để tham gia cuộc thi sinh tử, một mất một còn, từ trung học cơ sở vào trung học phổ thông, với thể thức "nốc ao" 2 lấy 1, 3 lấy 1, 4 lấy 1…
Đó là những cuộc thi làm hao mòn trí tuệ, tinh thần và sức lực cho một mục đích vô nghĩa. Vì tốt nghiệp trung học phổ thông là điều phổ cập giáo dục", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nhìn nhận và phân tích về các kì thi ở bậc phổ thông hiện nay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, cuộc đời con người phải đi qua các cuộc thi, các cuộc quyết đấu. Nhưng khác nhau ở chỗ, có người biết dành sức lực trí tuệ cho các cuộc quyết đấu quan trọng, cuộc quyết đấu cuối cùng. Là người thầy, dựng lên các cuộc thi chuyển cấp khắc nghiệt mà vô nghĩa, là có tội với học trò.
Tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông không phải là trận quyết đấu, càng không phải là trận quyết đấu một mất một còn. Hãy mở rộng cửa trường cho những ai muốn học. Tiếp thu nhiều, tiếp thu ít là tuỳ từng học viên, theo năng lực, và quan trọng hơn là theo suy nghĩ của học viên. Có người tưởng tiếp thu ít, thế mà thành công. Có người tưởng tiếp thu nhiều, thế mà thất bại.
Tài năng của con người phát triển không ngừng theo thời gian, suốt cả cuộc đời. Có người bộc lộ sớm; có người thể hiện muộn; có người gặp cơ hội; có người không gặp thời. Lấy thước đo nhất thời phiến diện để loại bỏ sự nghiệp một đời của một số phận là bất công.
"Hàng chục triệu số phận nhiều thế hệ nối tiếp nhau phụ thuộc vào sự sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hãy xoá bỏ những kỳ thi vô nghĩa, trong đó có kỳ thi từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông, để "ai cũng được học hành". Hãy tạo ra môi trường giáo dục khai phóng, để mỗi cá nhân được tự do toả sáng", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu mong mỏi.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phan-luong-hoc-sinh-truoc-ky-thi-vao-lop-10-hoc-sinh-va-giao-vien-deu-dang-thuong-179240412215031546.htm