Phần chú thích tiểu sử, ảnh tác giả "lạ" ở sách Ngữ văn

11:23 - 30/01/2023

Tiếp cận với sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 và lớp 7, nhiều giáo viên đang giảng dạy môn học này băn khoăn về cách bố trí các nội dung của từng văn bản văn học.

Sách giáo khoa Ngữ văn chương trình 2006 thì phần chú thích về tác giả, tác phẩm được bố trí ngay phía sau phần văn bản đã trở nên quen thuộc đối với giáo viên và học sinh khi tiếp cận với các tác phẩm văn học.

Sách Ngữ văn mới có 3 bộ sách và cách chú thích khác nhau

Chú thích tác giả và tác phẩm trong sách giáo khoa dễ gây hiểu lầm. 

Phần tiểu sử tác giả ngay bên trên không liên quan đến tác phẩm bên dưới. 

Nếu như sách Ngữ văn (bộ Cánh Diều), phần chú thích về tác giả được bố trí ở ngay phần chuẩn bị, trên phần đọc hiểu nên khi học sinh chưa đọc văn bản đã nhìn thấy tiểu sử, sự nghiệp và chân dung của tác giả.

Sách Ngữ văn (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) bố trí phần chú thích về tác giả, tác phẩm ở ngay sau phần ngữ liệu của văn bản nên dễ bắt mắt và học sinh cũng rất tiện theo dõi phần chú thích.

Trong khi đó, sách Ngữ văn (bộ Chân trời sáng tạo) lại bố trí phần tác giả nằm ở cuối cùng bài học. Vì thế, nhìn qua cách bố trí này, nhiều người nhầm tưởng tác giả được chú thích ở trên là người sáng tác cho văn bản ở phía dưới.

Cách bố trí chú thích về tác giả ở sách Ngữ văn (bộ Chân trời sáng tạo) dễ gây hiểu nhầm cho người đọc, người học. 

Kết nối rời rạc phần tác giả - tác phẩm  

Khi tiếp cận với sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 và lớp 7, nhiều giáo viên đang giảng dạy môn học này không tránh khỏi những băn khoăn về cách bố trí các nội dung của từng văn bản văn học.

Phần bố trí chú thích về các tác giả văn học bởi tất cả những bài học có chú thích, có ảnh tác giả và tiểu sử, sự nghiệp sáng tác đều được bố trí sau cùng đối với bài học.

Đầu tiên là "chuẩn bị đọc", rồi đến "trải nghiệm cùng văn bản"; tiếp theo là "suy ngẫm và phản hồi", cuối cùng là chú thích về tác giả.

Một số bài học, mà bố trí gọn phần chú thích ở cuối trang thì khi sang trang khác, đến bài học khác không gây hiểu lầm cho người đọc.

Thế nhưng, trong sách Ngữ văn lớp 6 và lớp 7- bộ Chân trời sáng tạo có rất nhiều bài học trước được kết thúc ở giữa trang. Vì thế, phần chú thích cũng nằm ở giữa nên bài học tiếp theo liền kề với phần chú thích tiểu sử tác bài trước.

Thậm chí, có những chỗ phần chú thích tác giả của bài trước và phần văn bản của bài sau cùng màu mực với nhau (in màu) nên nhìn qua thì đều nhầm tưởng tác giả trước với văn bản phía sau là cùng một bài học với nhau.

Hơn nữa, việc bố trí như vậy, khiến cho nhiều khi học sinh không để ý và cũng không cần biết đến tác giả bài viết đó làm gì vì với định hướng cách dạy hiện nay thì phần tác giả không được tìm hiểu như trước đây nữa. Vì vậy, khi học xong, nhiều học sinh có thể không biết tác giả văn bản thơ, hoặc truyện đó là nhà văn, nhà thơ nào.

Những kiến nghị với tác giả sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Sách giáo khoa Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2022-2023 này đã áp dụng giảng dạy ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10 nên các năm học tiếp theo sẽ thực hiện ở các lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12.

Bộ sách Ngữ văn - bộ Chân trời sáng tạo hiện nay đang được phần lớn các tỉnh phía Nam lựa chọn để đưa vào giảng dạy và học tập ở các nhà trường phổ thông. Vì thế, số lượng phát hành hằng năm của bộ sách này rất lớn.

Điều này cũng đồng nghĩa số lượng học sinh học bộ sách này rất nhiều và chắc chắn phải trải qua hàng chục năm sau nữa mới có thể thay đổi chương trình khác, sách giáo khoa khác.

Vì thế, chúng tôi - những giáo viên Ngữ văn đang trực tiếp sử dụng bộ sách này để giảng dạy cho học trò hàng ngày rất mong các tác giả sách giáo khoa cần chú ý để không gây hiểu lầm cho người dạy, người học nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học Văn.

Phần chú thích về tiểu sử tác giả, về sự nghiệp sáng tác, cũng như ảnh chân dung của tác giả sách giáo khoa nên bố trí ở đầu văn bản hoặc phía sau phần ngữ liệu văn bản văn học là hợp lý nhất.

Nếu như vẫn bố trí như hiện nay (phần cuối cùng của bài học) thì nên bố trí ở cuối trang. Nếu bài học nào không bố trí được ở cuối trang, nằm ở giữa trang thì nên lựa chọn màu mực khác và có khoảng cách với bài học ở phía sau.

Bởi vì nếu để 2 phần của 2 bài học liền kề với nhau rất dễ gây hiểu lầm cho người dạy, người học và khó đạt được hiệu quả trong dạy và học. Hơn nữa, khi mọi người nhìn vào cách bố trí như vậy không khoa học chút nào.

Chúng tôi đã đọc chương trình tổng thể, chương trình môn Ngữ văn một cách rất cặn kẽ, nghiêm túc và hiểu mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hướng đến cách dạy, cách học, mục tiêu của từng bài học.

Tuy nhiên, điều mà giáo viên cũng rất mong muốn là sau khi học xong một tác phẩm văn học thì học sinh cũng nắm được tác phẩm đó là của ai, đoạn trích đó nằm trong tác phẩm nào.

Vì thế, chỉ cần một thay đổi nhỏ, chỉ cần tác giả sách giáo khoa chú ý một chút, biên tập sách giáo khoa chú ý để dàn trang, tạo khoảng cách giữa các bài học thì hiệu quả, mục tiêu bài học sẽ được nâng lên và không gây hiểu lầm cho người đọc.                                                                                         

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phan-chu-thich-tieu-su-anh-tac-gia-la-o-sach-ngu-van-179230130105149967.htm