Phân biệt số hóa và chuyển đổi số

18:22 - 19/08/2022

Số hóa và chuyển đổi số đều liên quan tới quá trình ứng dụng công nghệ số vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0. Tuy nhiên, số hóa chỉ là bước đệm cho quá trình chuyển đổi số.

Khái niệm số hóa và chuyển đổi số

Số hóa

Số hóa là khái niệm mà bản thân nó cũng dễ bị nhầm lẫn. Do có 2 hình thức số hóa là số hóa dữ liệu (digitization) và số hóa quy trình (digitalization)

Số hóa dữ liệu (digitization) là hình thức chuyển đổi thông tin, dữ liệu, tài liệu từ dạng vật lý, analog sang định dạng kỹ thuật số. Ví dụ scan giấy tờ, tài liệu dạng giấy sang lưu ở dạng file PDF, lưu trong máy chủ của tổ chức, doanh nghiệp.

Số hóa quy trình là việc sử dụng các dữ liệu, tài liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số để cải tiến, thay đổi quy trình vận hành, các quy trình làm việc, hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Chẳng hạn, tài liệu liệu sau khi được lưu tại máy chủ sẽ được tải lên nền tảng đám mây. Mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập những tài liệu này. Quá trình làm việc được tiến hành nhanh chóng và thuận tiện hơn nhờ vào việc tiếp cận dữ liệu nhanh chóng hơn.

Phân biệt số hóa và chuyển đổi số - Ảnh 1.

Số hóa dữ liệu là hình thức chuyển đổi thông tin, dữ liệu, tài liệu từ dạng vật lý, analog sang

định dạng kỹ thuật số. Ảnh: CDS

Chuyển đổi số 

Chuyển đổi số (digital transformation) là sự ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số hiện đại để cải thiện mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Chuyển đổi số làm thay đổi cách thức làm việc, hoàn thiện tổ chức, con người, mô hình vận hành của tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Chuyển đổi số đang là xu hướng nổi bật tại nước ta cũng như trên khu vực và thế giới. Chuyển đổi số được ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với mỗi cơ quan, doanh nghiệp, mỗi cách thức vận hành, mô hình tổ chức khác nhau thì định nghĩa về chuyển đổi số cũng khác. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu chuyển đổi theo nghĩa rộng rãi là định hình lại các ngành bằng cách tái cơ cấu các mô hình hoạt động và tổ chức hiện có.

Ở cấp độ doanh nghiệp, chuyển đổi số có nghĩa là tích hợp các giải pháp số vào cốt lõi của doanh nghiệp, thay đổi sâu sắc cách hoạt động của doanh nghiệp bằng cách tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng và văn hóa tổ chức. Nó không chỉ mang tái tạo lại những phương pháp truyền thống mà còn có thể sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thị trường.

Ở cấp nhà nước, chuyển đổi số cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương.

Phân biệt số hóa và chuyển đổi số - Ảnh 2.

Chuyển đổi số được ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: FSI

Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Số hóa chỉ là bước đệm của chuyển đổi số

Điểm giống nhau cơ bản của số hóa và chuyển đổi số là hai quá trình này đều ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại thay thế nhiều thao tác truyền thống. Những công nghệ được áp dụng từ đơn giản (như việc chuyển dữ liệu giấy sang dạng file mềm) đến phức tạp (như ứng dụng các công nghệ AI, big data, IoT,…)

Sự khác nhau giữa số hóa và chuyển đổi số thể hiện ở những khía cạnh sau:

Số hóa

Chuyển đổi số

Con người

Chưa được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện số hóa

Là một trong các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc xây dựng và triển khai thành công lộ trình chuyển đổi số

Thời gian thực hiện

Không có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Thời gian triển khai thường ngắn, tùy thuộc vào phạm vi và nguồn lực thực hiện

Có lộ trình thực hiện bài bản theo từng giai đoạn, thông thường kéo dài nhiều năm và được đánh giá điều chỉnh hàng năm

Cơ sở thực hiện

Chưa có cơ sở rõ ràng

Thực hiện dựa trên các cơ sở rõ ràng:

- Có mục tiêu và định hướng

- Có lộ trình rõ ràng

- Sự quyết tâm của lãnh đạo

Có đơn vị tư vấn bài bản

Lợi ích mang lại

- Giúp doanh nghiệp duy trì phương thức hoạt động truyền thống theo cách nhanh hơn và tốt hơn. Hiệu quả về con số chưa được đo lường rõ ràng

- Làm nền tảng cho chuyển đổi số

Thay đổi toàn diện cách thức tổ chức, tạo sự đột phá trong hoạt động và các hiệu quả mang lại có thể đo lường được

Số hóa chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ để làm thay đổi các quy trình, thao tác làm việc. Là sự sử dụng các yếu tố kỹ thuật số thuần túy. Bản thân các dữ liệu không có gì thay đổi. Chỉ là thay đổi cách thức lưu trữ chúng. Số hóa làm thay đổi cách thức lưu trữ, thao tác làm việc, nhưng không tối ưu được hoàn toàn hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Còn chuyển đổi số đòi hỏi cơ quan, tổ chức phải có chiến lược lâu dài, tác động lên cả con người lẫn mô hình tổ chức. Dựa trên các dữ liệu và quy trình được số hóa, chuyển đổi số làm thay đổi toàn bộ mô hình hoạt động, đêm lại những giá trị bền vững cho tổ chức, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là quá trình liên tục và kéo dài. Không thể hoàn thành ngay lập tức trong thời gian ngắn. Trong khi đó, số hóa có thể thực hiện và hoàn thiện nhanh chóng. Số hóa có thể coi là bước đệm quan trọng nhằm chuẩn bị dữ liệu, nền tảng cũng như bước đầu giúp các cơ quan, tổ chức làm quen với hoạt động chuyển đổi số. Thông qua giai đoạn này, dữ liệu hoạt động được tập trung thay vì phân tán rải rác và được tìm kiếm, trích xuất dễ dàng hơn.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam

Ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Phân biệt số hóa và chuyển đổi số - Ảnh 4.

Ảnh: TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số; gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Ngày chuyển đổi số quốc gia ra đời với 3 mục tiêu chính: đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Trong khi năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số; thì năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. 

Nguồn: tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phan-biet-so-hoa-va-chuyen-doi-so-17922081917304325.htm