Phải làm "mềm" giá nhà để người lao động dễ tiếp cận
Với giá nhà hiện nay, người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ xem xét các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá nhà ở xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, so với nhu cầu thực tiễn thì số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu và còn nhiều tồn tại bất cập, đặc biệt là qua ứng phó với đại dịch COVID-19 và so với nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thiếu chi tiết, thiếu mục tiêu ưu tiên cụ thể về nhà xã hội cho các nhóm công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có công với cách mạng.
Công nhân lao động đang làm thuê, ở trọ nhiều, diện tích, điều kiện sống chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng.
Nhà ở của hộ nghèo chưa đạt tiêu chuẩn sống và nhà thuê, nhà trọ ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất; giá ở thuê, ở trọ cao so với thu nhập của người lao động.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đối tượng là người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở với giá cả như hiện nay. Với đồng lương của họ, trong vòng 20 năm, để tiếp cận nhà ở khá khó khăn.
Về quan điểm, mục tiêu mà đến năm 2025, 2030, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Xây dựng nên rà soát và tính toán lại, tung ra thị trường đến năm 2025 dự kiến trong mục tiêu, kể cả đã và sẽ khởi công mới, khoảng 450.000 căn hộ; đến năm 2030 dự kiến là 1 triệu căn nhà ở xã hội là chưa phù hợp nhu cầu bởi vì riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 3,4 triệu lao động.
Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu ở nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, như đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng vào kiểm tra trong phòng chống đại dịch là đã có 780.000 căn hộ cho thuê chưa đạt tiêu chuẩn.
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Về giải pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua.
Theo ông Hồng Hà, các quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải gắn với việc họ phải dự báo, chịu trách nhiệm với nhu cầu về nhà ở, nhu cầu xã hội thiết yếu gắn với phát triển hạ tầng. Ngoài trách nhiệm sản xuất thì các nhà đầu tư cũng cần phải có trách nhiệm về nhà ở và điều kiện thiết yếu cho người lao động.
Địa phương bố trí đất đai; các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề và cần thiết Nhà nước hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được 1 triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn nữa.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; tiếp tục cải cách hành chính; giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phai-lam-mem-gia-nha-de-nguoi-lao-dong-de-tiep-can-179220802143519563.htm