PGS.TS. Trần Cao Bính: Không hoang mang với bệnh hoại tử xương hàm mặt
Sáng 15/7, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội đã dành cho Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học một cuộc trao đổi về bệnh hoại tử xương hàm mặt: lý giải nguyên nhân gây hoại tử xương hàm mặt và khả năng có hay không có nguyên nhân hậu COVID-19.
Thông tin về 11 ca bệnh bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng ở người từng mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh được xem như một thông tin chấn động về sức khỏe.
Theo đó, chỉ trong 2 tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 11 người bị hoại tử xương vùng sọ mặt thể nặng. Trong đó, 2 người đã tử vong, 6 bệnh nhân khác xin ra viện, 3 bệnh nhân có dấu hiệu đáp ứng tốt với điều trị.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho hay, trong số 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương hàm mặt, xương vùng sọ mặt đa số đã từng mắc COVID-19. Bệnh lý viêm xương vùng sọ mặt là do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng.
Triệu chứng của bệnh nhân hầu hết là đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt. Mắt, răng và đau âm ỉ kéo dài dễ nhầm lẫn với bệnh viêm xoang.
Ngoài ra, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận 16 bệnh nhân mắc bệnh này kể từ tháng 2 đến nay. Trong đó, 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hội chẩn, điều trị.
Cho đến thời điểm này, các bệnh nhân bị viêm xương sọ mặt chủ yếu mắc bệnh nền là đái tháo đường. Tiền sử bệnh nhân có dùng thuốc corticoid và từng mắc COVID-19.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc 2 bệnh viện khẩn trương chỉ đạo thực hiện báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm mặt từ tháng 2/2022 đến nay, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 16/7/2022.
- Thưa PGS.TS. Trần Cao Bính, thông tin về các ca bệnh nặng viêm hoại tử xương vùng mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, có trường hợp tử vong đã chấn động công chúng. Dưới góc nhìn chuyên môn, ý kiến của ông về căn bệnh này?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Đến thời điểm này, không phải chỉ có Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tìm đến tôi để có những thông tin chuyên môn sâu về bệnh viêm hoại tử xương hàm mặt, mà mấy ngày qua, tôi cũng đã nhận được nhiều rất nhiều cuộc điện thoại trao đổi của đồng nghiệp, các bác sĩ chuyên ngành răng hàm mặt và giới báo chí truyền thông hỏi ý kiến. Điều đó chứng tỏ rằng công chúng đang rất quan tâm đến vấn đề này.
Tôi cũng vừa có cuộc trao đổi với Ths.BS. Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, ngày 18/7 tới đây, tôi và PGS.TS. Lê Sơn, nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt sẽ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để tham dự Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh viêm hoại tử xương hàm mặt và khả năng, mức độ liên quan đến hậu COVID-19 như thế nào.
Nói như vậy để thấy rằng, cho đến lúc này, chưa có một hội đồng chuyên môn y khoa nào kết luận chắc chắn rằng bệnh viêm hoại tử xương hàm mặt có phải là bệnh lý hậu COVID-19 hay không.
Tuy nhiên, trong góc độ chuyên môn, với tư cách là chuyên gia răng hàm mặt ở bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối, tôi muốn nói rằng chúng ta hãy bình tĩnh để xem xét việc này. Bệnh viện chúng tôi chưa ghi nhận hiện tượng này và thông tin cũng cho thấy cho đến nay, chưa xuất hiện tình trạng này ở Hà Nội.
- Vậy có cơ sở nào để liên đới giữa bệnh nhân từng mắc COVID-19 và bệnh viêm hoại tử xương hàm mặt, thưa ông?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa, bệnh hậu COVID-19 là bệnh xuất hiện sau khi bị mắc COVID-19 khoảng 3 tháng.
Như vậy, miền Bắc hay miền Nam của Việt Nam đều đã trải qua COVID-19 như nhau, tại sao hiện tượng này lại chỉ xảy ra ở miền Nam? Và việc các bệnh nhân viêm hoại tử xương hàm mặt ở miền Nam được ghi nhận là mắc các triệu chứng từ đầu năm 2022 cho thấy bệnh xuất hiện rất sớm sau khi dịch COVID-19 diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở phía Nam.
Có thể thấy, 3 yếu tố xuất hiện ở bệnh nhân viêm hoại tử xương hàm mặt là có bệnh lý nền đái tháo đường, bệnh nhân đã từng sử dụng thuốc có chứa corticoid và đã từng mắc COVID-19. Như vậy, vấn đề đặt ra là bệnh viêm hoại tử xương hàm mặt có phải bệnh hậu COVID-19 hay không?
Tôi mong muốn có hội đồng chuyên môn, phải có tranh luận, phản biện trên cơ sở khoa học, chúng tôi mới có thể đưa ra kết luận cặn kẽ. Xin các nhà báo hãy kiên nhẫn để ghi nhận kết luận cuối cùng vào ngày 18/7 tới đây.
- Ông có thẻ giải thích thêm về cơ chế bệnh lý viêm hoại tử xương hàm mặt?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Chứng viêm nhiễm cơ thể nói chung, chỉ có 2 cơ chế. Một là sức đề kháng của cơ thể con người yếu đi, hai là do vi khuẩn tấn công.
Chỉ riêng việc có sử dụng thuốc chứa corticoid kéo dài thì cũng đã làm ức chế miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ nhiễm khuẩn của cơ thể con người. Khi sử dụng thuốc chứa corticoid kéo dài thì nguy cơ nhiễm corticoid toàn thân rất cao.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, các trường hợp bị viêm hoại tử xương hàm mặt điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh là một con số rất ít trong số những người đã từng mắc COVID-19. Tại thời điểm hôm nay 15/7, Việt Nam đã có hơn 10,8 triệu người mắc COVID-19 theo thống kê của Bộ Y tế.
Nếu vội kết luận là viêm hoại tử xương hàm mặt do hậu COVID thì không thỏa đáng. Tuy nhiên, cũng phải tính đến yếu tố cơ sở quan trọng là sau khi bị mắc COVID-19, hệ thống miễn dịch của cơ thể con người kém đi, vi khuẩn cơ hội rất dễ xâm nhập cơ thể vào thời điểm này.
- Ông có lưu ý gì đối với việc điều trị triệu chứng sớm ở bệnh nhân mắc bệnh viêm xương hàm mặt?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Tôi nhận thấy rằng, trong số các bệnh nhân điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh có những bệnh nhân có triệu chứng từ tháng 12/2021, mà đến thời điểm này mới tiếp cận được điều trị thì quá muộn.
Nếu điều trị không đến nơi đến chốn rất nguy hại cho bệnh nhân, có thể dẫn đến tử vong. Điều trị dài ngày không hiệu quả còn dẫn đến việc không đáp ứng thuốc, kháng thuốc. Điều trị dài, muộn, chậm đều có hậu quả.
Tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nôi, hằng ngày chúng tôi đều có ca bệnh viêm nhiễm đến khám. Nhưng các ca bệnh đều xác định được nguyên nhân. Chúng tôi xử trí cấp cứu, xử trí nguyên nhân, nâng cao thể trạng và bệnh nhân đã ra viện.
Nếu bệnh nhân nặng quá thường là do đến muộn. Bệnh nhân cao tuổi thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rõ ràng hơn.
- Ngoài nguy cơ về viêm xương hàm mặt nhiễm khuẩn, khi cơ thể miễn dịch kém còn có thể dẫn tới bệnh lý nào, thưa ông?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Viêm xương tủy hàm theo cơ chế bệnh học, cơ chế bệnh sinh là do đường máu, đường toàn thân. Tức là khi nhiễm corticoid toàn thân, thì thuốc nhanh chóng hấp thu vào máu, tác động đến nhiều bộ phận cơ thể, ảnh hưởng tất cả các bộ phận chứ không chỉ xương.
Khi cơ thể đã ức chế miễn dịch thì không những viêm xương hàm, còn có thể viêm toàn bộ cơ thể bao gồm các xương khác. Bệnh lý này do cơ chế xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể mà đặc biệt răng miệng là bộ phận nhạy cảm bị tác động.
Trong đường miệng mỗi người đều có hệ vi khuẩn, khi cơ thể yếu, miễn dịch kém thì vi khuẩn có lợi bị triệt tiêu và vi khuẩn có hại nổi lên.
Trước khi có COVID-19 vẫn có viêm xương và viêm xương tủy hàm. Ban đầu viêm xương, sau đó viêm sẽ phát triển nặng sang viêm xương tủy hàm, và phát triển ra toàn thân.
- Bệnh nhân có bệnh lý suy giảm miễn dịch cần lưu ý gì đối với các bệnh viêm nhiễm nói chung ?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Thế giới hiện nay rất ít người bị mắc bệnh này. Trong khi đó thì thế giới đã có 600 triệu người nhiễm COVID-19. Và bệnh xuất hiện sau COVID-19 ở Việt Nam có thể do cơ chế chăm sóc sức khỏe chưa tốt. Vậy nên, người dân hãy chuyên tâm phòng chống COVID-19. Bởi nếu suy giảm miễn dịch thì còn nhiều bệnh cơ hội nữa chứ không phải chỉ viêm xương hàm mặt.
Đời sống hiện nay thay đổi thì mô hình bệnh tật cũng thay đổi. Đặc biệt là bệnh viêm nhiễm trên nền bệnh lý nền. Tôi ví dụ, bệnh đái tháo đường không kiểm soát rất nguy hiểm. Có những bệnh nhân đến với chúng tôi thì mới xét nghiệm và mới phát hiện ra bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường điều trị không đến nơi đến chốn, không chấp hành lộ trình điều trị, thấy khỏe rồi thì thôi không điều trị tiếp thì sẽ dẫn đến bệnh rất nặng.
- Ông có khuyến cáo nào cho việc phòng chống các bệnh răng miệng tại Việt Nam? Các chương trình dự phòng bệnh răng miệng hiện nay có hiệu quả không?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Ở thời điểm này, người dân không nên hoang mang lo sợ. Tôi gửi lời khuyên đến 2 nhóm đối tượng.
Một là người dân nên đi khám sức khỏe và răng miệng định kỳ để phát hiện sớm. Nếu sức khỏe răng miệng bất thường thì phải đến cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, tránh những cơ sở không đủ tuy tín, không đủ chuyên môn.
Thứ hai là đối với các cơ sở y tế, cần xác định đánh giá mức độ bệnh học. Nếu bệnh nhân nặng thì phải chuyển sớm lên tuyến trên, tránh giữ lại điều trị khi không đáp ứng. Khi chuyển tuyến muộn thì khó khăn cho điều trị.
- Trong điều trị các bệnh răng miệng, kỹ thuật y khoa của Việt Nam đã đáp ứng tốt chưa, thưa ông?
+PGS.TS. Trần Cao Bính: Chuyên môn y khoa về răng hàm mặt của Việt Nam tự hào là đã tiệm cận với tiến bộ y học thế giới, nhưng lại không đồng đều giữa các vùng miền ở Việt nam. Các kỹ thuật đầu ngành tốt và tiệm cận với kỹ thuật mới, nhưng bệnh viện chúng tôi ở đây mỗi năm cũng chỉ điều trị được hơn chục ngàn bệnh nhân.
Hiện nay tỉ lệ người dân khám răng miệng định kỳ chỉ có 6,6 %. Chiến lược toàn cầu về chăm sóc răng miệng của thế giới đề ra mô hình 2-2-2: đánh răng 2 lần 1 ngày, đánh răng tối thiểu 2 lần/phút, tối thiểu 2 tiếng sau đánh răng mới ăn.
Ở Việt Nam, tôi đề xuất thêm 1 điều 2 nữa (tức là mô hình 4 số 2: 2-2-2-2) là người dân phải đi khám răng miệng 2 lần 1 năm. Tôi nhắc lại khuyến cáo rằng phải đi khám răng miệng. Tôi đã đề xuất việc này ở các hội thảo chiến lược về chăm sóc sức khỏe răng miệng quy mô vùng và trên thế giới đều được giới y khoa quốc tế đồng tình.
Để chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng "đi 2 chân" cần phải phát triển cả 2 lĩnh vực điều trị và dự phòng. Mới đây, tại thành phố Hải Phòng, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai đề án "Nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030".
Đề án lần này cũng phát động một chiến dịch truyền thông hoàn toàn mới, đó là chiến dịch 2-2-2-2, nhấn mạnh vào việc khám răng miệng định kỳ hằng năm như tôi đã nói. Chiến dịch này nếu được phổ biến sẽ là công cụ hiệu quả giúp nâng cao sức khỏe răng miệng ở trẻ em và người Việt Nam.
-Trân trọng cảm ơn ông./.
Người thực hiện: Trương Thúy Hằng
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pgsts-tran-cao-binh-khong-hoang-mang-voi-benh-hoai-tu-xuong-ham-mat-179220715164346028.htm